Hà Nội

Nghị lực của người đàn ông gần 20 năm sống chung với HIV

21-10-2024 10:18 | Xã hội

SKĐS - 49 tuổi nhưng hơn 19 năm phải sống chung với HIV, đó là quãng thời gian anh T. đau khổ tột cùng khi bị kỳ thị, xa lánh. Thế nhưng, việc tham gia công tác xã hội, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS giúp cuộc sống của anh trở nên có ý nghĩa.

Đối diện với sự thật

Anh N.V.T. (49 tuổi, trú TP. Huế) theo người thân vào TP. Hồ Chí Minh từ khi anh mới tốt nghiệp THPT. Năm 2000, anh nhận bằng tốt nghiệp Đại học, trở thành một kỹ sư có việc làm ổn định ở TP. Hồ Chí Minh. Thế nhưng trong một lần bị ốm vào năm 2005, anh như chết lặng khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus HIV.

Không thể tin vào sự thật, anh T. tiếp tục đi xét nghiệm với hi vọng có sự nhầm lẫn, nhưng trớ trêu thay, kết quả xét nghiệm HIV lần 2, rồi lần 3 vẫn dương tính.

Nghị lực của người đàn ông gần 20 năm sống chung với HIV- Ảnh 1.

Anh T. thường xuyên đến kiểm tra sức khoẻ.

Kết nối lại các sự việc, anh T. nhớ ra bị lây nhiễm HIV qua những lần vui chơi không kiểm soát trong những năm đầu chập chững vào nghề. Lúc biết tin nhiễm HIV, người thân gợi ý anh nên nghỉ việc trở về quê.

"Đó là giai đoạn khó khăn nhất của đời tôi. Tôi nghĩ rằng mình sắp chết, nên bao nhiêu tiền tiết kiệm được khi đi làm đều "nướng" hết vào các bữa tiệc thâu đêm, suốt sáng", anh T. nói.

Anh T. tâm sự: "Hồi đó, khi biết tin, mẹ tôi rất sợ không dám cho ăn chung bát đũa. Đêm nào bà cũng khóc vì đứa con hư. Các anh chị lúc nào cũng nghĩ một ngày không xa nữa tôi sẽ ra đi, bạn bè thân thiết ngày càng xa lánh, tôi khi đó thực sự muốn chết đi cho hết tủi nhục".

Sau nhiều ngày đêm mệt mỏi, buồn tủi và túng quẫn, cuối cùng, anh T. nhận ra rằng mình cần tìm một công việc gì đó để có thu nhập, sống có ích hơn cho cộng đồng vì tuổi đời còn quá trẻ.

Tìm lại ý nghĩa cuộc sống

Năm 2006, nhờ người quen "mách nước", anh T. may mắn gặp được các anh chị ở nhóm đồng đẳng viên thuộc nhóm Bạn giúp đỡ bạn tại Trung tâm Phòng chống HIV tỉnh Thừa Thiên Huế. Có điểm tựa về mặt tinh thần, anh bắt đầu lục tìm các địa chỉ quen ở TP. Hồ Chí Minh rồi đi làm tiếp thị bán sơn ở TP. Huế.

Hoạt bát, nhanh nhẹn, tiếp cận được nhiều đầu mối, thị trường mặt hàng sơn của anh T. ngày càng mở rộng. Quen biết dần, anh bắt đầu tiếp cận với các công trình xây dựng trực tiếp đưa sản phẩm sơn đến tận nơi, làm giảm giá thành sản phẩm...

Nghị lực của người đàn ông gần 20 năm sống chung với HIV- Ảnh 2.

Anh T. tham gia Hội thi Tuyên truyền viên đồng đẳng tại TP. Hà Nội.

Được 2 năm, anh cảm thấy sức khỏe giảm sút, ảnh hưởng nhiều đến công việc. "Nhiều lúc ham công tiếc việc, sau mỗi ngày đi làm về chân tay rã rời. Đau vòm họng không thể phát âm thành tiếng. Bác sĩ điều trị cho biết đã đến lúc mình phải điều trị HIV bằng thuốc ARV", anh T. kể.

Nghe lời bác sĩ, anh T. đặt mục tiêu trước tiên phải chăm lo sức khỏe bản thân. Vừa điều trị đều đặn bằng thuốc ARV mỗi ngày, anh còn chơi thể dục thể thao đi bộ, đạp xe, tập thể hình... Song song với công việc, anh cũng tham gia tốt hoạt động ở nhóm đồng đẳng viên, sinh hoạt ở các CLB phòng chống HIV.

Hiện nay anh T. quản lý, tạo công việc cho từ 5-10 công nhân có việc làm ổn định với thu nhập mỗi tháng 5-7 triệu đồng/người, trong đó có nhiều người cùng cảnh ngộ. Anh T. cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giao lưu văn hóa văn nghệ tuyên truyền công tác phòng, chống HIV/AIDS, tham gia câu lạc bộ hỗ trợ người khó khăn.

BSCKI Châu Văn Thức, Phó Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS (CDC tỉnh Thừa Thiên Huế), Trưởng phòng khám Điều trị ngoại trú ARV cho biết, anh T. là một trong những tấm gương sáng trong điều trị ARV.

"Nếu như ngày xưa lúc mới phát hiện bệnh còn ngại ngùng, e dè bây giờ anh T. một điển hình để chúng tôi giới thiệu với những bệnh nhân mới để họ yên tâm, tin tưởng vào hiệu quả điều trị ARV", BS.CKI Châu Văn Thức nói.

Theo BS.CKI Châu Văn Thức, dù phát hiện và điều trị gần 20 năm nhưng các kết quả xét nghiệm CD4 và tải lượng virus của anh T. hiện vẫn rất tốt. Bên cạnh tuân thủ điều trị, anh cũng thường xuyên hỗ trợ những người bạn có H có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nặng, hoặc tâm lý chưa ổn định.

"Bất cứ khi nào phòng khám cần hỗ trợ cho bệnh nhân mới, anh T. đều xung phong đến tư vấn tâm lý, giúp họ vượt qua mặc cảm, tự ti và sự kỳ thị. Nhờ những đồng đẳng viên nhiệt tình và tâm huyết như vậy, công tác chăm sóc điều trị, tư vấn tâm lý tại phòng khám luôn được duy trì và đạt hiệu quả tốt", BS.CKI Châu Văn Thức cho biết.

Truyền thông tốt cho nhóm nguy cơ cao hiểu về HIV và tuân thủ điều trị dự phòngTruyền thông tốt cho nhóm nguy cơ cao hiểu về HIV và tuân thủ điều trị dự phòng

Việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho những người có nguy cơ cao với căn bệnh này là hết sức cần thiết. Đặc biệt, khi hiểu về HIV, việc tuân thủ điều trị sẽ được thực hiện tốt.

Bảo Châu
Ý kiến của bạn