Hà Nội

Nghị lực của chàng trai liệt một chân

27-12-2013 23:18 | Thời sự
google news

Khi đến thôn Nhân Bắc, Nhân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, không ai không biết Hồ Đức Chúc. Bị liệt một chân, nhưng với nghị lực vươn lên, anh đã tạo được mái ấm cho mình với vợ và 2 con (một gái - một trai).

Gặp Chúc trong một ngày đầu mùa đông khi tiết trời còn ấm áp, chúng tôi không khỏi cảm phục về ý chí của anh, nhưng cũng phần nào cám cảnh cho hoàn cảnh hiện tại của mái ấm nhỏ đang phải chật vật với việc mưu sinh hàng ngày.

c3-1388028202-8781-1388129079.jpg
Chúc đã thành thạo với nghề may từ năm 2000, nhưng bây giờ đành “bó gối” thiếu việc làm vì nhu cầu dùng đồ may sẵn đang thịnh hành.

Chúc bị bại liệt khi mới lên 2 sau một trận sốt nặng, chân trái của Chúc bị teo hẳn, việc đi lại trở nên khó khăn bội phần. Với muôn vàn vất vả và thiệt thòi so với nhiều bạn bè đồng lứa khác, nhưng lòng hiếu học đã giúp Chúc mạnh mẽ vững bước tới trường dù chân này tập tễnh dìu chân kia.

Những năm 90 của thế kỷ trước, những con đường làng biển ngập cát, mùa hè bỏng chân trần, mùa đông buốt chân đất, nhưng Chúc vẫn kiên trì đi bộ đến trường và học hết lớp 7. Anh luôn trăn trở với tương lai của mình phải làm gì đây cho phù hợp với tình trạng sức khỏe. Vì vậy anh đã quyết tâm vượt sông qua vùng trung tâm xã Nhân Trạch để xin học nghề may. Không quản ngày nắng cũng như ngày mưa, dù nắng hạn cháy đầu hay mưa đông giá buốt, dù cách đò trở giang, Chúc vẫn lết từng bước chân trên những con đường cát quyết theo học đến cùng. Gia đình phải trả tiền học phí cho một hiệu may tư nhân để Chúc có thể theo học thành nghề, hy vọng có việc làm trong nay mai. Đến năm 2000, Chúc đã thành thạo với nghề và lập cơ sở may ngay tại nhà.

Vậy là Chúc đã có việc làm. Với niềm vui ngập tràn, anh đã quên đi những thiệt thòi của bản thân. Những tâm huyết cùng sự bận rộn nghề nghiệp, Chúc dồn cả vào từng đường kim mũi chỉ cắt may thành những bộ quần áo đẹp đẽ và phù hợp với mỗi người tới đặt hàng. Hơn 10 năm sau đó, khi đời sống ngày một nâng cao, nhu cầu may mặc của người dân Nhân Trạch không ngừng tăng lên thì tay nghề của Chúc thực sự có đất dụng võ. Trong khoảng thời gian đó, anh cưới vợ và sinh con. Hạnh phúc đã bù đắp cho những thiệt thòi của người bố trẻ tật nguyền. Hiện nay, đứa lớn (Hồ Thị Anh Đào) đang theo học lớp 5, đứa nhỏ (Hồ Anh Quốc) vừa mới lên 2 tuổi.

c2-1388028136-9932-1388129079.jpg
Hy vọng điều oái oăm sẽ không lặp lại với đứa trẻ mới lên 2 đang được vợ chồng anh bế trên tay. Cháu Quốc vừa mới phẫu thuật chỉnh hình cột sống.

Vài năm trở lại đây khi nhu cầu may mặc giảm, thay vào đó đồ may sẵn trở nên phổ biến thì cơ sở may của Chúc đành “bó gối”, mấy khi mới có người đến sửa đồ cũ hay vài người còn ưa chuộng quần vải thì tới may đo. Vợ chồng Chúc kể: “Tiền sửa đồ cho người ta chỉ đủ tiền mua rau, không đủ tiền mua sữa cho con”. Giờ đây các khoản chi tiêu khác của gia đình gồm 4 miệng ăn (vợ chồng anh cùng 2 con) đành phải nhờ cả vào nội ngoại hai bên, đặc biệt là bố mẹ đẻ và 2 em trai của Chúc, trong khi trợ cấp khuyết tật dành cho anh chỉ được 180.000 đồng một tháng. Hồ Đức Chúc cười bảo: “Giá như ai cũng còn chuộng quần vải như Ngọc đây thì mình không lo đói rồi”.

Vợ anh Chúc là chị Nguyễn Thị Xoan, 32 tuổi, lại là người đau yếu thường xuyên, nên gia cảnh khó khăn nay lại càng chật vật. Chị Xoan kể: “Hiện tôi cũng đau yếu luôn, chẳng mần được chi cả ngoài việc chăm con với nội trợ trong nhà”. Cháu Quốc vừa phải phẫu thuật chỉnh hình cột sống, chi phí hơn 30 triệu đồng, nên anh chị đành phải nhờ vả vào sự giúp đỡ của gia đình bố mẹ đẻ và bà con trong thôn xóm. Nhìn người cha tật nguyền đang bế đứa trẻ mới lên 2 phải mang áo nẹp chỉnh hình cột sống, chúng tôi không khỏi chạnh lòng, cám cảnh cho gia đình nhỏ chịu bao lận đận và chỉ thầm hy vọng điều oái oăm sẽ không lặp lại với cháu Quốc.

c1-1388028067-7643-1388129079.jpg
Hồ Đức Chúc với người con trai mới hơn 2 tuổi nhưng phải phẫu thuật chỉnh hình cột sống.

Sau bao lo toan cơm áo gạo tiền, giờ đây sức khỏe của Chúc cũng giảm sút khá nhiều. Anh kể: “Chắc tôi còn 50% nữa chứ mấy, bữa ni mà đi bộ khoảng hơn 500 mét là nghe đọa”. Mặc dù vậy nhưng Chúc bảo, giờ nếu có việc gì làm ra tiền chính đáng là gắng làm, miễn là phù hợp với sức khỏe. Vợ anh tâm sự: “Thôn đăng ký hỗ trợ cấp xe lăn mà chưa có”. Nếu có phương tiện đi lại phù hợp, biết đâu Chúc sẽ có thêm cơ hội việc làm. Chúng tôi chợt ánh lên niềm vui và hy vọng cho Chúc khi nghe anh chia sẻ rằng ra Tết anh vào thành phố, ở lại kiếm việc làm và gửi tiền về cho vợ con. Cầu mong cho mọi điều tốt đẹp sẽ đến với mái ấm nhỏ của anh khi Tết đang đến gần.

Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Các nhân vật được miêu tả trong bài viết có cơ hội được lựa chọn trở thành nhân vật Thụ hưởng trong Gameshow “Vì bạn xứng đáng” phát sóng trên kênh truyền hình VTV3. Cuộc thi kéo dài đến ngày 19/1/2014.

Theo VnExpress


Ý kiến của bạn