Nghị lực của chàng trai Kinh Bắc

05-08-2016 14:06 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Gặp chàng sinh viên K58 ngành Công tác xã hội (Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (KHXH&NV)...

Gặp chàng sinh viên K58 ngành Công tác xã hội (Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (KHXH&NV) Lê Viết Thuận không ai thể ngờ rằng Thuận đã từng trải qua một chuỗi thời gian dài chống chọi với bệnh tật để vươn tới chân trời tri thức.

Tai nạn không ngờ

Thuận kể, sinh năm 1991, lúc chào đời Thuận cũng đầy đủ các bộ phận, lành lặn như bao đứa trẻ khác. Nhưng không may, một tai nạn đã ập đến khi Thuận được 5 tháng tuổi, thời điểm toàn xã Hương Lâm huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang chưa có điện phải thắp sáng bằng đèn dầu, Thuận đạp đổ đèn dầu làm cháy màn và chiếu nơi Thuận đang nằm. Ở một vùng quê hẻo lánh ngay sát con sông Cầu ngày ấy thì tư duy lạc hậu vẫn còn bao trùm, gia đình đã không đưa Thuận đến bệnh viện mà mời thầy lang đến bắt mạch rồi cứu chữa bằng phương pháp dân gian. Sau một thời gian dài chữa trị, bệnh chẳng thuyên giảm mà chân của Thuận đã bị nhiễm khuẩn nặng. Lúc đó, gia đình mới đưa Thuận đến bệnh viện. Nhưng đã quá muộn để cứu đôi chân nhỏ bé của cậu bé quê vải.

Thuận trao đổi, giao lưu và truyền cảm hứng cho các tình nguyện viên CLB Hoa Đá.

Năm 1998, dù hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn với công việc chính là làm nghề tráng bánh đa nhưng bố mẹ Thuận vẫn quyết định một lần nữa đưa con lên Viện Bỏng Quốc gia để phẫu thuật. Khi đó, với 2 phương án mà bệnh viện đưa ra: một là cưa bỏ phần chân bị bỏng và lắp chân giả, hai là đập những phần xương bị biến dạng đi để lắp ghép lại, gia đình Thuận đã quyết định thực hiện phương án 2. Kết thúc cuộc phẫu thuật, các bác sĩ cho biết, Thuận có 70% khả năng đi lại được, 30% còn lại là nhờ sự tập luyện cùng tính kiên trì của em.

Phải trải qua nhiều ca phẫu thuật tại Viện Bỏng Quốc gia, Thuận mới có thể cựa quậy được, nhưng đôi chân của Thuận rất yếu. Theo lời bác sĩ, Thuận cần phải tập luyện thường xuyên để nâng cao sức khỏe thể trạng cũng như sức lực cho đôi chân của mình. Khi đó, ông nội đã làm cho Thuận một cái giàn tre ngoài sân để Thuận vịn tay đi lại tập luyện hàng ngày. Không hiểu sức mạnh ở đâu mà đôi chân bé xíu của Thuận khuỵu xuống bao lần nhưng lại gượng dậy, vững vàng đứng lên. Từ một đôi chân rất yếu ớt, sau một thời gian tập luyện gian khổ, đôi chân Thuận đã dần cứng hơn và có thể đi lại mà không cần bám.

Sau đó Thuận mạnh dạn xin bố mẹ cho đi học. Thuận nghĩ rằng chỉ có tri thức mới đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn. Thuận đi học muộn 4 năm so với các bạn cùng tuổi, ban đầu chỉ là đến lớp nghe giảng và không ghi chép được gì. Ngồi trong lớp mà tay Thuận cứ cứng đờ. Cô giáo chủ nhiệm rất thương Thuận, cô tặng Thuận một chiếc bút dạ để tập viết. Ngày đầu chữ Thuận nguệch ngoạc, khó ai có thể dịch được, sau đó cứ thế khoảng 3 tháng nắn nót chữ cũng dễ nhìn hơn dần. Thuận phải mất 2 tháng để tập đọc thành thạo như bạn bè cùng lớp. Tất nhiên muốn theo kịp bạn bè trong lớp, ở nhà mẹ Thuận cũng phải kèm dạy thường xuyên và không thể thiếu đó là lòng ham học xuất phát từ chính bản thân Thuận. Thấm thoát, Thuận cũng học hết cấp 3 rồi thi đại học.

Chàng trai đầy nghị lực Lê Viết Thuận.

Một thanh niên tràn đầy nhiệt huyết

Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, Thuận đã cùng lúc trúng tuyển vào 2 trường đại học ở Thủ đô, đó là Học viện Quản lý giáo dục khoa công nghệ thông tin (CNTT) và Trường đại học KHXH và NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) Khoa Công tác xã hội trong sự thán phục của bè bạn, thầy cô.

Với một người khuyết tật thì công việc về CNTT là khá phù hợp vì không phải đi lại nhiều nhưng Thuận lại “đầu quân” vào Khoa Công tác xã hội Đại học Quốc gia Hà Nội với mong muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình vượt lên số phận. Theo lời bác Hồng (cha đẻ của Thuận): “Tôi rất tự hào về con trai của mình, tôi tin cháu sẽ thành đạt trong tương lai”.

Cùng năm đó, với thành tích đáng nể của mình, Lê Viết Thuận đã được Tỉnh đoàn Bắc Giang trao giải thưởng Hoàng Hoa Thám - một giải thưởng cao quý dành cho những đoàn viên ưu tú của quê hương vị anh hùng “Hùm thiêng Yên Thế”. Không chỉ dừng lại ở đó, Thuận tiếp tục khẳng định tinh thần hiếu học của mình khi liên tiếp nhận những học bổng của trường liên kết với tập đoàn Mobiphone, học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi trẻ...

Do tình cờ được biết đến Câu lạc bộ (CLB) Hoa Đá - một CLB dành cho người khuyết tật của không chỉ Trường đại học KHXH và NV mà còn cho các sinh viên khuyết tật khác trên địa bàn Hà Nội, Thuận dù mang trên mình những khuyết tật đi lại khó khăn nhưng đã tham gia nhiệt tình, năng nổ và sẵn sàng di chuyển cùng CLB. Đặc biệt, do kết quả học hành khá tốt, khả năng ăn nói lưu loát, tác phong chững chạc... Thuận đã được sự tín nhiệm cao của các thành viên trong CLB và CLB đã giao trọng trách cho Thuận là Trưởng ban tổ chức Hoa Đá. Thuận đã truyền cảm hứng tinh thần không chỉ cho người khuyết tật mà cho cả những người lành lặn biết trân trọng cuộc sống, vươn lên mạnh mẽ hơn nữa.

Trước đây, bố mẹ Thuận từng phải làm công nhân trong miền Nam và hàng tháng chỉ có thể gửi ra cho em khoảng 1 triệu đồng tiền ăn học. Với số tiền ít ỏi đó, để có thể đủ chi tiêu cho việc sinh hoạt, Thuận chỉ dám ăn suất cơm từ 10 tới 15 nghìn đồng, thậm chí nhiều bữa, em chỉ lót dạ bằng gói mì tôm. Những năm trước, Thuận cũng ở trọ tại một căn phòng nhỏ cách trường vài trăm mét, trước hoàn cảnh khó khăn của Thuận, người chủ nhà tốt bụng đã miễn giảm tiền phòng từ 1,5 triệu đồng/tháng xuống còn 350 nghìn đồng.

Giờ đây, ngoài thời gian đi học trên trường, Lê Viết Thuận còn tham gia làm thêm cho một công ty truyền thông ở Hà Nội về công nghệ thông tin do anh trai đã hướng dẫn từ trước. Với đồng lương ít ỏi kiếm được, Thuận hy vọng sẽ giúp đỡ bố mẹ phần nào về việc có thể sinh tồn ở nơi “đất chật người đông” này. Với những gì Thuận đã có, đang có và sẽ có, Thuận là minh chứng hùng hồn cho lẽ sống của người khuyết tật là “Tàn chứ không phế”. Bạn Lê Ninh Sơn (K58 Quốc tế học) xúc động khi nói về Thuận: “Anh Thuận là một con người đầy nghị lực, anh là một tấm gương sáng cho thế hệ sinh viên nhân văn nói riêng và toàn thể tuổi trẻ Việt Nam nói chung”. Khi được hỏi về dự định trong tương lai, Thuận chia sẻ: “Tôi sẽ cố gắng học tập thật tốt, ra trường trở về quê hương sẽ mang kiến thức đã học được để phục vụ cho sự phát triển của tỉnh nhà”.

Chúc Thuận luôn giữ vững tinh thần và ý chí để gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.


Bài và ảnh: Ngô Khiêm - Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn