SKĐS - Khéo léo kẹp cây bút bằng ngón chân, nắn nót viết từng nét chữ đó là Nguyễn Đông Khải (sinh năm 2014) đã khiến nhiều người xúc động về nghị lực sống của cậu học trò không tay.
Không may mắn như bao đứa trẻ khác, cậu học trò Nguyễn Đông Khải (SN 2014), học sinh lớp 3D, Trường Tiểu học Ninh Xá (xã Ninh Xá, Thuận Thành, Bắc Ninh) không có hai cánh tay ngay từ khi mới lọt lòng. Những tưởng cuộc đời em sẽ bó hẹp trong căn nhà nhỏ, nhưng với nghị lực sống của em cùng tình yêu thương bao la của gia đình, đặc biệt là ông nội (ông Nguyễn Văn Mỵ) luôn sát cánh để Khải vượt lên chính bản thân, viết lên tuổi thơ của mình qua đôi chân kỳ diệu.
Nghị lực của cậu học trò viết chữ bằng chân.
Căn phòng cấp bốn tuềnh toàng nằm nép mình ở thôn Phủ (xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) sáng lên bởi góc học tập của Nguyễn Đông Khải với sách vở, bút viết, máy tính và nghị lực của cậu học trò khôi ngô nhưng thiếu may mắn.
Trò chuyện với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, ông Nguyễn Văn Mỵ cho biết, Khải sinh ra trong gia đình có 3 anh em, ngay khi chào đời cháu đã không may khiếm khuyết đôi tay. Trong gia đình không có ai bị dị tật gì cả, cháu là con trai thứ 2 trong gia đình, khi sinh ra được một ngày bác sĩ mới cho gia đình biết là con hoàn toàn không có tay.
"Lúc đó, gia đình chúng tôi buồn lắm… Nhìn thấy cơ thể của cháu, ông bà ngoại và mẹ cháu đã khóc mấy tháng. Thương con, thương cháu tôi chỉ biết động viên và chăm sóc các cháu và đặc biệt là Khải" - ông Mỵ nhớ lại.
"Thời gian đầu, cứ kẹp phấn vào một lúc phấn lại rơi, chính vì vậy các ngón chân luôn sưng phồng, rớm máu,… Nhờ nỗ lực rèn luyện, viên phấn không còn gây khó khăn với đôi bàn chân dẻo dai của cháu. Thấy cháu trai tuy khiếm khuyết ở tay nhưng dần dần những con chữ đã hiện lên sau những ngày kiên trì luyện tập, sức khỏe tốt, gia đình tôi cũng yên lòng…", ông Mỵ nói.
Khải cong người lên tập viết vã mồ hôi, thậm chí có lần rớm máu ở chân nhưng cháu vẫn kiên trì tập luyện. Sự kiện trì của cháu cuối cùng cũng không uổng công...
Ông Nguyễn Văn Mỵ.
Ngày Nguyễn Đông Khải cất tiếng khóc chào đời cũng là ngày khiến cả gia đình cảm thấy bàng hoàng và xót xa. Đôi mắt sáng ngời trong cơ thể nhỏ bé ấy lại không có đôi cánh tay. Thương con đến cháy lòng, nhưng hai vợ chồng anh Thịnh chỉ còn biết nuốt lệ vào tim, động viên nhau cố gắng nuôi con để vượt qua những tháng ngày khó khăn vất vả.
Vì sự thiệt thòi của con trai, anh Thịnh và gia đình luôn bù đắp cho con bằng tình thương và sự quan tâm, chăm sóc. Lúc ấy, ai cũng nghĩ Khải sẽ khó có thể đến trường. Bởi vậy, gia đình vẫn hàng ngày giúp Khải biết dùng chân để có thể thay tay trong sinh hoạt hàng ngày.
Năm 3 tuổi, gia đình vui mừng khi Khải được đi mẫu giáo. "Con lớn lên từng ngày, có môi trường học tập để con hòa nhập, vui đùa cùng bạn bè. Nhìn con được tập tô, tập vẽ, tập viết cùng các bạn đó là niềm vui, mong mỏi của cả gia đình và dòng họ…", anh Thịnh bày tỏ.
Theo anh Thịnh, khi Khải hơn 3 tuổi thì ông nội đã mua phấn cho em tập viết bằng chân ở ngoài sân và đến khi 4 tuổi bắt đầu cầm bút bằng chân thành thạo.
Ngay từ khi nhìn con chập chững kẹp viên phấn vào chân, cả gia đình đều lặng đi vì xúc động, không ai dám tin con có thể làm được điều kỳ diệu ấy. Chẳng những có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình, Khải còn có thể làm được tất tật mọi thứ cho mình, từ vệ sinh cá nhân đến xếp quần áo, viết chữ, tập bơi nữa…
Dù đã trải qua lớp học mầm non và có thể viết chữ bằng chân, nhưng khi vào lớp 1, cả nhà ai cũng lo lắng và nghĩ Đông Khải không theo được các bạn. Nhưng trái lại, vốn chăm chỉ và có nghị lực, năm nào cậu bé cũng đứng trong nhóm học khá của lớp và đặc biệt là em viết chữ rất đẹp.
"Thường thì phải đi trường khuyết tật, bởi nếu tập đọc thì cháu học nhanh nhưng cứ mỗi khi tập viết thì rất khó khăn vì cháu không có 2 tay. Tuy nhiên, không phụ tấm lòng yêu thương của toàn gia đình, Khải đã được trường Tiểu học Ninh Xá (Thuận Thành, Bắc Ninh) nhận vào học vì nghị lực vượt lên khó khăn của cháu…", anh Thịnh nhớ lại.
Ông NGUYỄN VĂN MỴ (ông nội của Khải)
Cô TRẦN THỊ THÀNH VĂN (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh xá, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh)
Cô NGUYỄN THỊ HUỆ (Giáo viên Chủ nhiệm lớp 3D, Trường Tiểu học Ninh xá, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh)
Anh NGUYỄN VĂN THỊNH (bố của Khải)
Con bị như vậy, hai vợ chồng động viên nhau làm ăn, tích góp mỗi tháng dành để cho cháu Khải vài triệu đồng vào tài khoản tiết kiệm, vì cháu sinh ra đã thiệt thòi hơn hai anh em rồi. Mong sao khi cháu lớn cháu có chút vốn bố mẹ để lại mà dành dụm làm ăn, sinh sống có ích cho xã hội...