Chuyên gia chống độc - TS.BS Nguyễn Lương Kỷ - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Khánh Hòa, đã đưa ra những cảnh báo quan trọng nhằm giúp người dân phòng tránh ngộ độc thực phẩm hiệu quả.
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm trong những dịp nghỉ lễ dài ngày
TS.BS Nguyễn Lương Kỷ cho rằng, vào mỗi dịp lễ, Tết, nhu cầu ăn uống của người dân tăng cao, nguồn cung thực phẩm cũng rất dồi dào, khiến tình trạng kiểm duyệt, quản lý gặp nhiều khó khăn. Người kinh doanh thực phẩm vì lượng tiêu thụ cao cũng khó tuân thủ các quy trình an toàn đã đặt ra nên tình trạng nhiễm khuẩn thực phẩm dễ xảy ra.
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm trong các dịp lễ, Tết, có thể kể đến như:
- Người dân mua bán, tiêu thụ thực phẩm không đảm bảo an toàn, xuất xứ không rõ ràng như giò chả pha hàn the, formol; hải sản bị ươn có thể sinh ra histamine gây ngộ độc.
- Ăn phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn do chế biến và bảo quản kém, như thức ăn chế biến sẵn để lâu ngoài môi trường nóng ẩm mà không hâm nóng lại trước khi ăn; chế biến không đảm bảo vệ sinh; thức ăn bảo quản trong điều kiện nhiệt độ không phù hợp, đặc biệt là các món nộm, gỏi, salad, hải sản tươi sống.

Ăn uống quá độ trong dịp nghỉ lễ cũng có thể dẫn đến ngộ độc. (Ảnh minh họa - Ảnh: Phúc Minh)
- Ngộ độc do hóa chất, phụ gia thực phẩm không an toàn như dùng phẩm màu công nghiệp, chất tạo ngọt saccharin hoặc cyclamate vượt mức cho phép; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ, trái cây; dư lượng thuốc kháng sinh, chất tăng trưởng trong thịt, thủy sản.
- Ngộ độc do thực phẩm tự nhiên có độc tố như ăn phải nấm độc, cá nóc, hải sản chứa độc tố tự nhiên (sứa độc, cá mặt quỷ, cá nóc...); một số loại đậu chưa nấu chín kỹ (ví dụ: đậu ván chứa lectin).
- Lạm dụng rượu bia, rượu pha cồn công nghiệp (methanol).
- Do thói quen ăn uống trong dịp lễ, Tết như ăn quá nhiều, ăn nhiều loại thức ăn lạ cùng lúc, gây rối loạn tiêu hóa, nhiễm độc thực phẩm…
Cần làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm trong dịp nghỉ lễ?
TS.BS Nguyễn Lương Kỷ cho hay, các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện sau khoảng vài phút, vài giờ hoặc từ 1-2 ngày sau khi tiêu thụ thức ăn gây hại. Các triệu chứng này ở mức độ nặng hay nhẹ, kéo dài trong thời gian bao lâu còn tùy vào các yếu tố bao gồm: loại tác nhân gây ra, lượng thực phẩm được sử dụng và hệ miễn dịch của người bệnh.
Biểu hiện của ngộ độc thực phẩm bao gồm:
- Triệu chứng tiêu hóa: Đau bụng; chán ăn; buồn nôn, nôn mửa; tiêu chảy, trong phân hoặc chất nôn có thể xuất hiện máu…
- Triệu chứng toàn thân: Có thể bị sốt hoặc ớn lạnh, rùng mình; mệt mỏi, yếu sức; đau đầu, choáng váng, chóng mặt; có thể xuất hiện đau khớp và cơ.
- Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể cảm thấy khát nước nhiều, môi khô, mắt trũng, da nhăn nheo, mạch nhanh, tay chân lạnh, tụt huyết áp…
- Các trường hợp ngộ độc thực phẩm đa phần có yếu tố dịch tễ: Xuất hiện ở cùng gia đình, nhóm người có sử dụng chung nguồn thực phẩm, ăn cùng một quán ăn hoặc trong cùng một sự kiện…
Theo TS.BS Nguyễn Lương Kỷ, với trường hợp bị ngộ độc nhẹ (chỉ có buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy nhẹ…) có thể điều trị tại nhà bằng cách bù nước bằng dung dịch điện giải (oresol), cho bệnh nhân uống than hoạt tính từ 5-10g (nếu có) để hấp thụ bớt chất độc.
Những trường hợp ngộ độc nhẹ thì cần gây nôn để loại bỏ thức ăn gây độc ra ngoài. Đối với trường hợp có biểu hiện co giật, rối loạn ý thức thì không gây nôn vì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Sau khi gây nôn nếu thấy bệnh nhân nôn ra được hầu hết thức ăn thì để người bệnh nằm nghỉ, nhưng cần theo dõi sát sao và khi người bệnh có bất cứ triệu chứng khác lạ nào thì cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
"Cần ngưng việc sử dụng thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc nhưng không nên dùng thuốc cầm tiêu chảy vì làm chậm việc đào thải các độc tố ra khỏi cơ thể. Đặc biệt là trẻ nhỏ tuổi, nếu dùng các loại thuốc cầm tiêu chảy hay xảy ra hội chứng lồng ruột hay liệt ruột rất nguy hiểm", TS.BS Nguyễn Lương Kỷ nhấn mạnh.
Chuyên gia chống độc cho biết thêm, khi bị nhiễm độc nhiễm khuẩn thức ăn, nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong thức ăn dễ dẫn đến sốt, tê môi lưỡi, hôn mê (như ăn cá nóc, bạch tuộc có vòi xanh, con so có chứa loại độc tố tetratodoxin rất nguy hiểm) thì ngay lập tức cần đưa người bệnh đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.

TS.BS Nguyễn Lương Kỷ - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: BSCC.
Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong dịp lễ
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong dịp nghỉ lễ, TS.BS Nguyễn Lương Kỷ khuyến cáo:
- Chọn thực phẩm an toàn: Mua thực phẩm từ nguồn uy tín, kiểm tra hạn sử dụng và chất lượng trước khi chế biến sử dụng.
- Bảo quản thực phẩm đúng cách: Giữ thực phẩm ở nhiệt độ và môi trường thích hợp, tránh để lâu ngoài môi trường.
- Chế biến sạch sẽ: Rửa tay, dụng cụ nấu ăn và thực phẩm kỹ lưỡng trước khi chế biến. Đảm bảo khu vực bếp luôn sạch sẽ và tránh để thực phẩm sống tiếp xúc với thực phẩm chín.
- Cẩn thận khi ăn ngoài: Cần lựa chọn ăn uống ở quán ăn hay nhà hàng có sự đảm bảo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, các đối tượng có rủi ro cao bị ngộ độc thức ăn càng cần thận trọng khi đi ăn uống bên ngoài vào dịp lễ, Tết hay bất cứ thời điểm nào khác.
Xem thêm bài viết:
