Những yếu tố di sản trong nghi lễ chầu văn
Cần phải hiểu một cách chuẩn xác rằng nghi lễ chầu văn được đưa vào hồ sơ xét duyệt Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại chỉ là một loại hình dân ca được diễn xướng trong quá trình thực hiện hầu đồng mà người diễn xướng nó chủ yếu là các cung văn.
Giá trị di sản của nghi lễ chầu văn nằm ở nội dung lời hát, nhạc điệu, nhạc cụ cũng như nghi lễ trang trọng, thiêng liêng của hình thức diễn xướng này.
Không đâu như ở chầu văn, nghi lễ, tín ngưỡng và hình thức diễn xướng lại hòa quyện và ăn nhập với nhau đến thế. Chầu văn chỉ thực sự thăng hoa khi được diễn xướng trong các giá hầu đồng và ngược lại, hầu đồng chỉ có thể sinh động và diễn tiến trôi chảy khi có sự góp mặt của chầu văn.
Chầu văn còn gọi là hát văn, hát bóng - một hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng thờ tứ phủ trong đạo Mẫu và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo), có xuất xứ từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, phát triển đặc biệt hưng thịnh vào cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20.
![]() Hầu đồng - một biểu hiện sinh động của tín ngưỡng thờ Mẫu. ảnh: Minh Hiếu |
Hát văn có nhiều hình thức biểu diễn bao gồm: hát thờ, hát thi, hát hầu (hát phục vụ hầu đồng, lên đồng) và hát văn nơi cửa đền. Nghi lễ hát chầu văn được chia làm 4 phần chính, bao gồm: mời thánh nhập, kể sự tích và công đức, xin thánh phù hộ và cuối cùng là đưa tiễn. Âm nhạc trong nghi lễ thuộc một thể nhạc khá đặc biệt. Tiết tấu trong nghi lễ chầu văn là tiết tấu đảo phách, sử dụng nhiều các công cụ gõ, luôn mang đến cho người nghe cảm giác không ổn định, đưa họ vào nhiều trạng thái mông lung, vô định. Nhạc cụ dùng trong hát chầu văn khá đa dạng, bao gồm đàn nguyệt, trống ban (trống con), phách, cảnh, thanh la, ngoài ra còn sử dụng nhiều nhạc cụ khác như: trống cái, sáo, đàn thập lục, đàn nhị, kèn bầu, chuông, mõ, đàn bầu...
Với tất cả những yếu tố mang đậm phong vị thuần Việt và lưu rõ dấu vết đời sống cư dân nông nghiệp của các cư dân Nam Á nói trên, nghi lễ chầu văn là loại hình diễn xướng tiếp theo được các nhà quản lý văn hóa Việt Nam chọn đưa vào danh sách đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể trình UNESCO và chính thức khởi động mọi hoạt động bắt đầu từ những tháng cuối năm 2013.
Hát chầu văn - Nghề kiếm bộn tiền
Người hát chầu văn được gọi chung là cung văn, thông thường thì họ chẳng cần phải qua trường lớp đào tạo gì. Có giọng, có tâm, biết chơi một chút nhạc cụ là có thể trở thành cung văn và hát bất cứ thể loại nào.
Cùng với sự phát triển kinh tế đi lên, những năm gần đây, các giá hầu đồng ngày càng nở rộ ở các đền, các phủ, từ phủ lớn đến các phủ tư gia, nghề cung văn vì thế mà được mùa ăn nên làm ra.
Chuyện các nghệ sĩ lớn như X.H., Q.A... đi hát chầu văn trong các giá hầu không còn là chuyện lạ. Nghịch lý ở chỗ, trong khi sân khấu chuyên nghiệp có sự bảo trợ của Nhà nước thường xuyên vắng khách thì ở đâu đó, trên một sân khấu chật hẹp, nghi ngút khói hương, người nghệ sĩ lại có thể thăng hoa với giọng ca của mình và được khán giả tán thưởng nhiệt liệt. Tuy nhiên, họ lại thua cung văn ở chỗ chỉ biết diễn và hát mà không mấy người biết sử dụng nhạc cụ. Nghề dạy người, sau rồi chính họ cũng phải học chơi nhạc cụ như những cung văn để có thể tồn tại với nghề.
Hầu như đền, phủ nào cũng có sẵn cung văn, thanh đồng nào cũng có một vài cung văn đệ tử ruột đi theo trong mỗi giá hầu.
Mùa xướng ca của các cung văn thường là 3 tháng đầu năm và 3 tháng cuối năm, là thời điểm các giá hầu đồng nở rộ tại các đền, phủ trên khắp cả nước. Trong mỗi giá hầu đồng, ngoài mức cát-sê cố định đã thỏa thuận trước giữa thanh đồng và cung văn thì cung văn còn được thanh đồng tán lộc trong suốt quá trình làm lễ. Gặp giá hầu đồng lớn, nơi hội tụ của các "đại gia", các cung văn kiếm bộn tiền tán lộc. T. (quê Vĩnh Phúc, một cung văn đã ngoại tứ tuần, hai vợ chồng vốn là thành viên đội văn nghệ xã, có chút năng khiếu hát chèo... mới bén duyên với nghề cung văn chừng gần chục năm trở lại đây) cho biết: Gặp các giá hầu toàn các "đại gia", những tờ tiền tán lộc thường mệnh giá ít nhất thường không dưới 200.000 đồng. Trong suốt buổi hầu với hơn chục giá đồng tán lộc như thế, mỗi cung văn thường thu về từ 3 - 5 triệu đồng. Vào mùa, hai vợ chồng rong ruổi khắp các đền, phủ, cung điện quanh Hà Nội, mỗi tháng cũng đem về thu nhập không dưới 30 triệu đồng.
![]() Tán lộc trong lễ hầu đồng. Ảnh: Minh Hiếu |
Tuy nhiên, trong cái nghề này, Thánh Mẫu chọn thanh đồng, thanh đồng chọn cung văn. Cơ hội để kiếm bộn tiền từ các giá hầu lớn, qui mô với những thanh đồng có tiếng thường chỉ dành cho các cung văn trẻ, đẹp trai và còn trong tình trạng "một mình". Nếu không phải là cung văn có hình thức ưa nhìn thì phải là một cung văn điêu luyện tới mức có khả năng ứng thí trong các giá hầu, đơn ca, đồng ca bắt nhịp theo thần sắc thanh đồng, hát nâng, hát nịnh, hát giỗ, đôi khi còn lồng tên gia chủ cùng quê hương bản quán ứng tác lời hát khiến các mẫu về chấm thanh đồng cũng mừng, thanh đồng phấn khích nhảy múa nhập hơn. Ng. - một trong những cung văn tự do ở Hà Nội là một trong những cung văn như thế. Suốt mùa hầu đồng, Ng. di chuyển liên tục theo các đền, phủ dọc sông Hồng. Khi ngược lên Đông Cuông, Bảo Hà, khi xuôi xuống Lảnh Giang, Phủ Giày, khi vào tận vùng sông Lam, sông Mã. Các phủ tư nhân, nếu là nhà giàu ra trình đồng, thanh đồng "lựa cơm gắp mắm" mới dám mời nhóm của Ng. Năm 2012, nhóm của Ng. đã nhận 30 triệu đồng tiền cọc, 30 triệu tiền lộc từ thanh đồng "tán" xuống trong buổi hầu tại đền Đông Cuông. Sau đó, thanh đồng còn thưởng thêm 10 triệu tiền xe ôtô, tiền nước, tiền ăn dọc đường cho cả nhóm.
Nguyễn Phạm Xuân