Vào đầu tháng 6, các bệnh truyền nhiễm như: tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH) đã bước đầu chững lại do học sinh nghỉ hè, hạn chế được môi trường lây lan đáng kể là các trường học. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo không được lơ là việc vệ sinh, phòng bệnh cho trẻ ngay tại gia đình.
Sợ bùng phát dịch bệnh ở các “điểm nóng”
Theo báo cáo, SXH đang trong giai đoạn thấp điểm của chu kỳ hàng năm. Số ca mắc trong tháng 5 đã giảm 4% so với tháng trước. Tuy nhiên, dự báo thời gian tới khi bước vào mùa mưa, SXH sẽ tăng trở lại. Nguy cơ lây lan trên diện rộng nếu không kiểm soát và xóa được các “điểm nóng” có nguy cơ cao mang mầm bệnh. Tính từ đầu năm đến nay, toàn TP.HCM đã có khoảng 3.000 ca SXH nhập viện.
Nước đọng thường là nơi muỗi làm ổ, dễ gây bệnh sốt xuất huyết
Bệnh Tay Chân Miệng cũng đang có dấu hiệu chững lại với số ca mắc đã giảm 2% so với tháng 4. Cộng dồn từ đầu năm đến nay TP.HCM đã ghi nhận gần 4.000 ca TCM phải nhập viện. Theo nhận định của bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, dấu hiệu giảm có thể là do các trường mầm non, mẫu giáo đã cho trẻ nghỉ hè nên giảm được nguy cơ lây lan dịch bệnh tại trường học. Tuy nhiên, bác sĩ Dũng cũng lưu ý các địa phương không được lơ là công tác phòng chống dịch trong thời gian tới. Vào tháng 6 sẽ có nhiều trường bắt đầu tổ chức cho trẻ đi học hè. Do đó, không thể chủ quan trong khâu phòng bệnh.
Trong khi đó, dịch sởi tháng 5 cũng đã giảm xuống 18% so với tháng 4. Theo ông Dũng, kết quả khả quan này có được từ việc đẩy mạnh tiêm ngừa vắc-xin sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 3 tuổi tại thành phố. Để duy trì những thành quả đạt được, thành phố sẽ triển khai thực hiện an toàn tiêm chủng, tiếp tục tiêm vét vắc-xin sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 10 tuổi. Những gia đình có trẻ ở độ tuổi này nếu chưa được tiêm ngừa hoặc không nhớ đã tiêm hay chưa, cần phải sớm đưa trẻ đến trạm y tế để được tư vấn cụ thể.
Chú ý phòng bệnh tại nhà
Theo khuyến cáo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, TCM là bệnh chưa có vắc-xin phòng bệnh. Nguy cơ lây nhiễm bệnh có thể được giảm thiểu bằng việc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và chăm sóc y tế kịp thời cho trẻ em mắc bệnh. Tuy đã là thời điểm nghỉ hè nhưng nguy cơ trẻ mắc bệnh vẫn rất cao vì theo thống kê trong nhiều năm trở lại đây, có đến 70% số trẻ mắc TCM là tại gia đình.
Rửa tay xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh là một trong những biện pháp phòng ngừa bệnh truyền nhiễm
Do vậy, các bác sĩ lưu ý biện pháp phòng ngừa chính vẫn là rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi nấu ăn và khi ăn uống, trước khi cho trẻ nhỏ ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ. Làm sạch môi trường bị ô nhiễm và các vật dụng bẩn, kể cả đồ chơi, với xà phòng và nước, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường. Tránh tiếp xúc gần với trẻ em bị bệnh TCM như: ôm, hôn... Không cho trẻ sơ sinh và trẻ em bị bệnh đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc nơi đông người cho tới khi trẻ khỏi hẳn; che miệng và mũi khi hắt hơi và ho. Luôn lau dọn nhà cửa, nhà trẻ, trường học sạch sẽ. Ngoài ra, cần theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh. Nếu trẻ sốt cao, li bì, mất tỉnh táo phải đưa đi bệnh viện ngay.
Tương tự, SXH cũng là bệnh chưa có vắc-xin dự phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) và phòng tránh bị muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, người dân cần mạnh mẽ thực hiện các biện pháp phòng bệnh cụ thể như: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Ngoài ra, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa,mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Hàng tuần, diệt lăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước, lật úp các dụng cụ chứa nước chưa dùng, thay nước bình hoa… Đồng thời ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày để ngăn muỗi đốt; tích cực diệt muỗi bằng bình xịt, vợt điện hay nhang trừ muỗi...
Bài và ảnh: Tuân Nguyễn