Nghỉ hè xưa và nay

BS. Trần Văn Phúc

BS. Trần Văn Phúc

22-05-2022 10:32 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - Nhiều người hỏi tôi: Tại sao trẻ em hôm nay gặp rất nhiều vấn đề về tâm sinh lí? Phải chăng do trẻ không có được không gian sáng tạo như ngày xưa của chúng ta?

Một khảo sát dịch tễ học do Weiss và cộng sự thực hiện năm 2014, tiến hành trên mẫu đại diện quốc gia của 10 trong số 63 tỉnh thành cho thấy khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Theo số liệu của một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự sát là 4,6% và trẻ cố gắng tự sát là 5,8%. Bộ Y tế và Bộ GDĐT công bố kết quả y tế trường học giai đoạn 2011 - 2015, số học sinh có ý định tự tử ngày càng tăng cao, cứ 5 em học sinh lại có một em có ý định tự tử.

THẾ HỆ TÔI NGÀY XƯA
Chúng tôi không có phương tiện giải trí đắt tiền, trẻ em chơi bắn bi, đánh đáo, chơi quay, chơi ô ăn quan, chơi chuyền, chơi khăng, nhảy ngựa, nhảy lò cò… ; những trò chơi dân gian rất đơn giản như vậy, nhưng trẻ con đứa nào cũng thích.
Thời đó làm gì có đồng hồ báo thức, làm gì có điện thoại thông minh cài giờ, chỉ có tiếng mẹ gọi, tiếng chim hót líu lo ngoài vườn, tiếng chó sủa oang oang ngoài sân. Chúng tôi dậy sớm tập thể dục để bắt đầu ngày mới đầy sức sống.
Ở trường, 30 phút ra chơi giữa buổi, 15 phút giải lao tại chỗ giữa các tiết học, đó là khoảng thời gian xã hội vô cùng quý giá. Vật tay là trò chơi phổ biến nhất trong nhóm con trai. Con gái chơi nhảy dây. Đá cầu, đá cầu lông gà, cầu lông và bóng bàn là những trò cả nam nữ đều chơi.
Tôi nhớ trò bịt mắt bắt dê, khi mình thua phải bịt mắt lại bằng khăn và tôi tưởng tượng cách chơi giống như đại bàng tìm gà; chỉ vậy thôi mà lũ trẻ có thể điên cuồng cả một buổi chiều.
Lúc đó tiếng ve kêu không dứt, nhiệt độ 38-9 độ C, cả ngày nóng bức nhưng chẳng đứa nào cáu gắt cho đến cuối chiều. Tâm tư tình cảm của lũ trẻ ẩn chứa trong tiếng cười sảng khoái sau giờ học. Trên con đường làng, từng tốp học sinh trở về nhà, những đứa bạn thân tay trong tay, mặt trời lặn nghiêng ngả phản chiếu ánh hoàng hôn trên từng ngương mặt vô tư.
Những năm tháng đó, không hề có một lớp học thêm, cũng chẳng có bài tập về nhà dài vô tận. Việc đầu tiên chúng tôi làm khi trở về nhà, là ngay lập tức giải quyết nốt số bài tập thầy cô giao, tranh thủ phụ giúp cơm nước, nhanh chóng để tối lại chạy đi chơi với lũ bạn.
Ở bất cứ đâu, từ trong nhà đến ngoài sân, đường làng, ngõ xóm, hay trên những cánh đồng, chỗ nào cũng thấy trẻ con nô đùa xung quanh, tiếng cười đầy ắp. Đuổi bắt, trốn tìm, chơi đánh trận giả với những khẩu súng tự tạo bằng tàu lá chuối, hoặc que phốc tre khi bắn ra những tiếng nổ và đạn là giấy thấm nước hoặc các loại hạt, chỉ vậy thôi mà chúng tôi vẫn rất vui.
Mảnh sân nhỏ trước nhà tôi, đó là cả một thế giới rộng lớn trong tim, nhiều giấc mơ được sinh ra trong vài mét vuông ấy. Mỗi đêm tôi đã nhìn thấy ngôi sao sáng nhất trên bầu trời. Nó thu hút những đứa trẻ đến chơi cùng tôi đủ các trò, thân hình nhỏ bé được tiếp thêm sức mạnh, chúng mải mê cho đến khi mẹ tìm mới chịu về.
Mùa hè lúc đó quá dữ dội và quá dài, không có điều hoà và tủ lạnh nhưng chẳng thấy nóng nực, không có wifi và điện thoại thông minh nhưng không hề buồn chán và mệt mỏi, không có Facebook và mạng xã hội nhưng cuộc sống của những đứa trẻ vẫn muôn màu muôn vẻ.
Tuổi thơ của chúng tôi là ba tháng hè có tiếng ve sầu lốm đốm ẩn sau những chiếc lá xanh, ve kêu, âm thanh trong mỗi buổi chiều không át được tiếng cười đùa rộn ràng của lũ trẻ.
Tôi nhớ dưới gốc đa cuối làng, ngày nào bọn trẻ cũng chơi đùa trong bóng râm, đi bắt cá ngoài đồng, tối đào thùng khăm hoặc đi thả lươn, đi soi ếch nhái và chão chuộc. Và những cơn mưa rào tháng sáu, thích nhất là trò tắm mưa bắt cá rạch ngược, bắt chạch bên bờ ao. Ngày xưa, đó là những ngày dài, mọi thứ đều nhẹ nhàng.
Những lúc chơi mệt, chúng tôi nằm xuống bãi cỏ và lăn vài vòng, cảm nhận hương thơm của thiên nhiên trời đất, cứ thế hít căng vào lồng ngực, thoả thích. Trưa nào cũng tắm sông, cuối tuần rủ nhau đạp xe đi tắm hồ, chân trần đạp trên những bãi cát trắng dài, trên mặt nước lung linh lũ trẻ cùng nhau vung mái chèo, sóng đẩy thuyền đi, tiếng cười vang xa như chuông tan theo tiếng sóng và tiếng gió.
Mùa hè trong kí ức của tôi là thời gian trôi rất chậm, nắng rất dịu, là những bài bản nhạc cổ ngân nga, là tiếng võng mẹ đung đưa và tiếng quạt tre phẩy đều, cốc nước chanh đường mát lịm là thứ xa xỉ mà những đứa trẻ chúng tôi chỉ biết mơ ước.
Que kem năm hào con lợn đủ vui cho cả tuần.
Bầu trời luôn trong xanh, mặt nước luôn trong xanh, ước mơ của những đứa trẻ như tôi cũng trong xanh, mọi thứ êm đềm thật dễ thương. Trẻ em lúc đó có đôi mắt sáng và trong veo, tò mò, háo hức khám phá thế giới.
Vào thời điểm đó, trẻ em Việt Nam ở đâu cũng nghèo và đói, nhưng trên khuôn mặt các em luôn nở những nụ cười rạng rỡ, nụ cười ấy thật giản dị, đôi mắt nhìn thẳng đầy nghị lực, niềm hạnh phúc yên bình và thư thái hoà vào thiên nhiên, tạo nên thứ hạnh phúc chân thành nhất.
TRẺ EM HÔM NAY
Trên lưng học sinh là chiếc ba lô đầy sách, các em lếch thếch đến trường với bài vở nặng trĩu, phải bò ra học cả ở trên lớp và ở nhà. Có em chưa tốt nghiệp tiểu học đã bị chai tay do viết quá nhiều. Có em ngủ gật trong lúc tay vẫn cầm bút. Nhiều em buổi sáng trên đường đến lớp phải tranh thủ ôn bài. Tôi vẫn gặp những đứa trẻ bị vẹo cột sống. Tuổi thơ, các em không bị cuộc sống bên ngoài vùi dập, mà bị áp lực từ đống sách vở đè xuống, bị vùi dập từ những bài vở nặng nhọc ở trường và sự kì vọng của mẹ cha.
Có vô số ngọn núi học sinh phải vượt qua.
Đi học từ sáng sớm đến chiều tối, về nhà ăn vội bát cơm để nhanh chóng ngồi vào bàn học. Gần 12 giờ đêm vẫn không xong đống bài tập. Ngủ muộn, cơ thể trẻ giảm tiết hormone tăng trưởng GH, dẫn tới giảm chiều cao. Đó là một trong những lí do khiến người Việt có tầm vóc đội sổ. Gần nửa thế kỉ phấn đấu, vậy mà hôm nay chúng ta chỉ cao hơn cha ông xưa 1,5cm nên bị hạn chế về tầm quan sát, rất khó khăn để nhìn ra thế giới.
Ở trường hầu như không có thời gian vui chơi, thậm chí 15 phút nghỉ giữa hai tiết học các em chỉ quanh quẩn ở trong lớp, không được phép bước ra khỏi cầu thang. Trẻ em hôm nay, ẩn sau cặp kính dày cộp do tật cẩn thị mắc phải, là những đôi mắt vô hồn mệt mỏi và ngơ ngác.
Thỉnh thoảng, tôi vẫn tư vấn cho các bậc phụ huynh và giáo viên có những trẻ bị trầm cảm ở mức độ khác nhau. Với chuyên gia tâm lí hay bác sĩ tâm thần, họ sẽ có liệu pháp điều trị hiệu quả, nhưng cách của tôi thì rất đơn giản.
Hãy để trẻ thoát khỏi đống sách vở và bốn bức tường, cho trẻ đi dạo, đi chơi, chạy nhảy và tham gia các hoạt động ngoài trời, đi du lịch.
Ở phương Tây, tôi thấy trẻ từ lớp mẫu giáo đến hết cấp 1 chủ yếu học ngoài trời, cấp 2 và cấp 3 học ở bên ngoài thiên nhiên và dã ngoại cũng rất nhiều. Khoa học cũng chỉ ra rằng, trẻ em lớn lên trong môi trường xanh sẽ giảm nguy cơ mắc các rối loạn tâm lí, ít bị lo lắng và trầm cảm khi trưởng thành. Vui chơi và hoạt động thể chất làm cho não trẻ tiết ra các nội tiết tố như dopamine, giúp trẻ giảm mệt mỏi, giảm căng thẳng, cảm thấy vui vẻ, loại bỏ những cảm xúc tiêu cực, khiến trẻ lạc quan yêu đời, luôn có suy nghĩ tích cực, cuộc sống trở nên tràn trề năng lượng.
Thế hệ chúng tôi không bị áp lực học tập, thay vào đó là được vui chơi thoả thích, được sống hoà mình vào thiên nhiên, nên mọi khó khăn đều nhanh chóng tan biến. Nhưng hôm nay xu hướng ngược lại. Không gian vui chơi của trẻ em bị dồn nén nghiêm trọng, vì thế mà những cảm xúc tiêu cực dần dần tích tụ lại, đến một ngày nào đó nó bùng nổ làm cho các em bị tổn thương.
Đừng nhốt trẻ trong bức tường bê tông với đống sách vở.
Bê tông cốt thép không mang lại hạnh phúc cho các em, mà chỉ chuốc lấy sự buồn chán, mang lại bối rối, để các em lo lắng và ngập ngừng vô tận. Tôi đồng ý rằng trẻ em là phải học tập rèn luyện để có thành tích vào đời. Nhưng trẻ cũng rất cần một cơ thể khoẻ mạnh, một trí lực tốt, một nhân cách tốt, một tâm hồn đẹp và một cuộc sống vui tươi hạnh phúc.
Trẻ em phải là hạt giống đã gieo đang nảy mầm!


Tự sátTự sát

SKĐS - Tôi đã thẫn thờ mất mấy hôm, có quá nhiều câu hỏi xung quanh câu chuyện về những đứa trẻ tự tử. Tôi cho rằng, chẳng ai có lỗi trong câu chuyện này.


BS Trần Văn Phúc
Ý kiến của bạn