Hà Nội

Nghị định 75 của Chính phủ: Nhiều điểm mới đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT

25-10-2023 07:45 | Y tế

SKĐS - Nghị định 75 của Chính phủ vừa ban hành có nhiều điểm mới theo hướng tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT, nhưng cũng đặt ra yêu cầu cao cho các cơ quan liên quan, đặc biệt là ngành BHXH Việt Nam trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT theo quy định.

Ngày 19/10, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT. 

Nghị định này có nhiều điểm mới theo hướng tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT, nhưng cũng đặt ra yêu cầu cao cho các cơ quan liên quan, đặc biệt là ngành BHXH Việt Nam trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT theo quy định.

Để thông tin đến bạn đọc những nội dung mới của Nghị định này, báo Sức khoẻ & Đời sống đã trao đổi với ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT của BHXH Việt Nam.

Nghị định 75 của Chính phủ: Nhiều điểm mới đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT- Ảnh 1.

ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT của BHXH Việt Nam

- Xin ông cho biết những điểm mới của Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ về BHYT?

Ông Lê Văn Phúc: Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đã có mốt số điểm mới so với Nghị định 146 năm 2018.

Cụ thể: Thứ nhất, bổ sung đối tượng và hỗ trợ mức đóng tham gia BHYT đối với người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; và đối tượng người dân tộc thiểu số mới thoát nghèo theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo BHXH Việt Nam, việc Nghị định số 75 bổ sung đưa nhóm đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã mới thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào nhóm được NSSN hỗ trợ mức đóng BHYT có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế có cơ hội được tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT, qua đó góp phần duy trì, phát triển diện bao phủ BHYT.

Việc quy định ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ thêm một thời gian sau khi thoát nghèo để người dân có thể tích lũy và đủ điều kiện kinh tế tham gia BHYT thể hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, thoát nghèo bền vững của Chính phủ

Thứ hai, Nghị định 75 cũng đã bổ sung, nâng mức hưởng BHYT trong đó nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho một số nhóm đối tượng là người có công với cách mạng; bổ sung mức hưởng cho nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số thoát nghèo theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của TTCP và một nhóm đối tượng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Thứ ba, Nghị định 75 đã có thay đổi quan trọng trong việc quy định về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Nghị định đã bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT, thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo phương thức thanh toán theo giá dịch vụ được áp dụng từ 01/01/2019.

Đồng thời, quy định việc giao dự toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho BHXH Việt Nam và Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thực hiện thông báo số dự kiến chi khám chữa bệnh BHYT tới cơ sở khám chữa bệnh để làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng kinh phí khám chữa bệnh BHYT trong năm nhưng không áp dụng làm căn cứ tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT của cơ sở khám chữa bệnh trong trường hợp vượt số dự kiến chi.

Theo quy định mới, các chi phí khám chữa bệnh BHYT trong phạm vi quyền lợi được hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT đã được cơ quan BHXH giám định sẽ thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Cơ chế thanh toán theo thực tế các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế,… sử dụng cho người bệnh và mức giá theo quy định hiện hành.

Như vậy, các quy định này tạo điều kiện cho cơ sở khám chữa bệnh nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động và bảo đảm quyền lợi của người bệnh BHYT, quản lý, sử dụng quỹ BHYT an toàn, đúng quy định.

Thứ tư, bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm trong thực hiện chính sách BHYT của Bộ Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, và cơ quan BHXH nhằm đẩy mạnh triển khai các giải pháp kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ BHYT, phòng chống lạm dụng, lãng phí, trục lợi quỹ BHYT.

Thứ năm, Nghị định 75 cũng bổ sung, làm rõ phương thức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng, sửa đổi thủ tục khám bệnh, chữa bệnh cho phù hợp với quy định của Chính phủ về sử dụng giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 và xác thực điện tử và sửa đổi một số nội dung mang tính chất kỹ thuật khác.

- Người dân quan tâm nhất vẫn là thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh BHYT. Vậy ông có thể cho biết tại Nghị định 75, nội dung này được thể hiện thế nào?

Ông Lê Văn Phúc: Về thủ tục khi đi khám, chữa bệnh BHYT, trước đây, người dân đi khám chữa bệnh BHYT thì cần xuất trình thẻ BHYT có ảnh, trường hợp không có ảnh thì phải xuất trình kèm theo một trong các giấy tờ tuỳ thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp.

Nghị định 75 quy định, khi khám chữa bệnh BHYT, người dân có 3 lựa chọn gồm: Xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh nhân thân hoặc sử dụng căn cước công dân có gắn chip.

Đối với giấy hẹn khám lại, nếu như trước đây quy định loại giấy tờ này chỉ dùng trong 10 ngày thì với quy định mới, nếu không thể tái khám đúng hẹn, người dân có thể liên hệ với cơ sở khám chữa bệnh để đăng ký lại lịch khám phù hợp.

Trường hợp đến tái khám muộn hơn 10 ngày thì giấy này không còn giá trị sử dụng. Người dân phải đăng ký khám mới lại.

- Vậy ông có thể cho biết, thời gian qua BHXH Việt Nam đã chủ động, phối hợp triển khai những nội dung gì liên quan đến Nghị định 75?

Ông Lê Văn Phúc: Tại Nghị định 75 đã nêu BHXH Việt Nam có trách nhiệm hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng việc tiếp nhận, giám định và phản hồi kịp thời cho cơ sở khám chữa bệnh về dữ liệu khám chữa bệnh BHYT; bảo đảm chính xác, an toàn, bảo mật thông tin và quyền lợi của các bên liên quan; chủ động rà soát, phát hiện và gửi thông tin cảnh báo kịp thời cho cơ sở khám chữa bệnh BHYT về các chi phí khám chữa bệnh BHYT tăng cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở khám chữa bệnh cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa.

Nghị định 75 của Chính phủ: Nhiều điểm mới đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT- Ảnh 2.

Nghị định 75 cũng đã bổ sung, nâng mức hưởng BHYT trong đó nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho một số nhóm đối tượng

Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp triển khai thực hiện Nghị định 75/2023/NĐ-CP nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT và tháo gỡ những vướng mắc cho các cơ sở khám chữa bệnh trong cơ chế thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Cùng đó, nhằm triển khai hiệu quả Nghị định số 75 của Chính phủ, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã kịp thời có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố chủ động thực hiện các giải pháp như: phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh trích ngân sách hỗ trợ khi phí đóng BHYT cho nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT theo Nghị định số 75; rà soát, lập danh sách và cấp, đổi thẻ BHYT của các đối tượng hưởng tại Nghị định này…

- Xin trân trọng cảm ơn ông Lê Văn Phúc!

Thái Bình (thực hiện)
Ý kiến của bạn