Nghĩ bị ngộ độc hải sản hóa ra 'bục' ruột thừa, dấu hiệu nào nhận biết?

12-09-2023 08:44 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Bệnh nhân L.T.H. (60 tuổi, ở Thanh Hóa) bị đau bụng âm ỉ nhưng gia đình nghĩ bị ngộ độc hải sản không đưa đi khám. Tuy nhiên, tình trạng đau bụng không đỡ, 3 ngày sau bệnh nhân mới vào viện khám thì được các bác sĩ đã chẩn đoán viêm phúc mạc ruột thừa.

Viêm phúc mạc ruột thừa - Biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm ruột thừa cấp

Viêm phúc mạc ruột thừa hay còn gọi bục ruột thừa là bệnh lý khá nguy hiểm, dễ lan rộng thành nhiễm trùng toàn ổ bụng. Đây là một biến chứng nặng, nguy hiểm và hay gặp của bệnh viêm ruột thừa cấp.

Nguyên nhân chính là do bệnh không được phát hiện và điều trị sớm dẫn đến tình trạng vỡ mủ vào trong ổ bụng, làm viêm nhiễm khắp ổ bụng, sốc nhiễm trùng, điều trị phức tạp, tốn kém và có thể gây tử vong. Ruột thừa bị viêm nếu không được điều trị, sau 36 giờ có thể vỡ. Ban đầu nó được màng bụng bọc lại, gọi là phúc mạc khu trú, muộn hơn nó lan rộng toàn bụng, gọi là viêm phúc mạc toàn thể.

Viêm phúc mạc ruột thừa thuộc nhóm viêm phúc mạc thứ phát, là biến chứng do viêm ruột thừa vỡ, vi khuẩn từ lòng ruột già, chui qua chỗ vỡ gây nhiễm trùng lan rộng toàn phúc mạc, rồi gây nhiễm khuẩn huyết nếu không được điều trị đặc hiệu. Đây là tình trạng rất nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử lý kịp thời.

Ngày nay, nhờ có phẫu thuật nội soi giúp bác sĩ có thể rửa sạch mủ ổ bụng đơn giản và chính xác; nhờ có các loại chỉ khâu tốt giúp khâu được gốc ruột thừa hoại tử hay manh tràng bị viêm nhiễm. Nhờ xét nghiệm kháng sinh đồ giúp tìm kháng sinh đặc hiệu; nhờ nhiều loại kháng sinh mới và mạnh giúp điều trị đặc hiệu chống lại các loại vi trùng và điều trị tốt tình trạng nguy hiểm này.

Nghĩ bị ngộ độc hải sản nhập viện bị viêm phúc mạc ruột thừa, dấu hiệu cảnh giác với căn bệnh này - Ảnh 1.

Ruột thừa viêm không được điều trị, sau 36 giờ có thể vỡ.

Dễ nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa

Phần lớn triệu chứng khởi phát bệnh viêm ruột thừa không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với bệnh lý rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày… với các biểu hiện như: đi ngoài, nôn khan, sốt, cơn đau bụng thường âm ỉ, lan tỏa và ít khu trú tại một điểm nên rất khó phát hiện bệnh.

Khi đó bệnh nhân thường chủ quan, tự ý mua thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau sử dụng tại nhà để giảm cơn đau. Đa số bệnh nhân đến cấp cứu khi viêm ruột thừa đã diễn biến quá 24h dẫn đến các tổ chức viêm trong lòng ruột thừa vỡ ra ổ bụng gây ra viêm phúc mạc ổ bụng rất nguy hiểm. Nếu không được phẫu thuật xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do nhiễm trùng ổ bụng nặng nề.

Vì vậy, không nên chủ quan với các dấu hiệu đau bụng kèm theo sốt, rối loạn tiêu hóa và tự ý sử dụng thuốc điều trị giảm cơn đau. Điều này sẽ làm che lấp triệu chứng diễn biến của bệnh, gây khó chẩn đoán cho bác sĩ dẫn tới chẩn đoán nhầm, khiến cho bệnh tình không được xử lý kịp thời gây ra nhiều nguy cơ cho người bệnh.

Khi có biểu hiện đau bụng thì cần đến cơ sở y tế khám ngay và cần được chẩn đoán sớm để có hướng điều trị thích hợp.

Khi mắc viêm ruột thừa người bệnh có biểu hiện đau âm ỉ khu trú vùng hố chậu phải. Tình trạng đau bụng càng nghiêm trọng hơn theo thời gian hoặc trong khi chuyển động, hắt hơi, ho hoặc thở sâu. Người bệnh chán ăn, buồn nôn hay nôn. Người uể oải, sốt 37,3 độ C – 38 độ C, môi khô, lưỡi bẩn, thở hôi.

Điều trị viêm phúc mạc ruột thừa

Điều trị bệnh viêm ruột thừa cấp thường bằng phẫu thuật nội soi nếu bệnh được chẩn đoán và phẫu thuật sớm trước 24h. Song nếu để muộn đã có biến chứng gây viêm phúc mạc thì có thể sẽ không thực hiện được phẫu thuật nội soi, việc phẫu thuật và điều trị sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Phẫu thuật viên thường gặp gốc ruột thừa đã hoại tử, không còn thắt hoặc kẹp được như thường lệ, bác sĩ phải khâu manh tràng bằng chỉ tốt. Nếu khâu chưa đảm bảo, phải đặt dẫn lưu manh tràng.

Nghĩ bị ngộ độc hải sản nhập viện bị viêm phúc mạc ruột thừa, dấu hiệu cảnh giác với căn bệnh này - Ảnh 3.

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phẫu thuật cắt ruột thừa cho bệnh nhân.

Sau phẫu thuật, người bệnh cần thực hiện y lệnh của bác sĩ, ngồi dậy và thở bụng sớm để tránh dính ruột về sau.‎ Ngoài ra, cần uống nhiều nước để bù điện giải và lượng nước thất thoát do nhiễm trùng; Ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng ở dạng lỏng, mềm, dễ tiêu hóa để tránh gây áp lực lên cơ quan tiêu hóa; Đồng thời cung cấp đủ năng lượng, sinh tố để cung cấp dưỡng chất và tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể.

BS. Hoàng Kim Ngân
Ý kiến của bạn