Hà Nội

Nghi án về một cuộc 'đại chiến' giữa các nhà ngoại cảm

13-11-2013 00:01 | Xã hội
google news

Có 3 nơi nghiên cứu ngoại cảm, tâm linh thường được nhắc đến là: Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng; Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người; Viện Nghiên cứu tiềm năng con người. Khả năng đặc biệt và khả năng ngoại cảm là hai khả năng khác nhau.

Có 3 nơi nghiên cứu ngoại cảm, tâm linh thường được nhắc đến là: Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng; Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người; Viện Nghiên cứu tiềm năng con người. Khả năng đặc biệt  và khả năng ngoại cảm là hai khả năng khác nhau.

Liên tiếp những nhà ngoại cảm được công bố "không có khả năng", trục lợi bất chính khiến dư luận xôn xao. Vụ tìm hài cốt liệt sỹ Phùng Chí Kiên, hay "cậu Thuỷ" làm giả hài cốt còn chưa lắng thì nhiều nhà "ngoại cảm" cũng bị bóc mẽ. Sự thật đằng sau những "đòn vùi dập" này là gì, vì sao các nhà ngoại cảm bị bóc mẽ? 

Sự thật trần trụi

Những ngày qua, dư luận đang cho rằng có cuộc chiến của các đơn vị nghiên cứu ngoại cảm, những nhà ngoại cảm bị "vùi dập" trong thời gian qua là "con át chủ bài" của các bên. Trao đổi với PV báo ĐS&PL, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cho hay: "Đây thực chất là chuyện quy chụp chứ không có sự mâu thuẫn, phe phái giữa các đơn vị cùng nghiên cứu về ngoại cảm. Chúng tôi chỉ muốn lưu ý, khi nhắc đến nghiên cứu ngoại cảm, tâm linh thường có 3 nơi là Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA), Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người và Viện Nghiên cứu tiềm năng con người. Nhưng khi người đứng đầu một trung tâm phát biểu ý kiến lại không nhắc đến các cơ quan nghiên cứu khác, mà chỉ nhắc tới đơn vị mình khiến nhiều người hiểu nhầm cơ quan của ông ta là duy nhất nghiên cứu về những khả năng đặc biệt của con người".

Nghi án về một cuộc 'đại chiến' giữa các nhà ngoại cảm 1
"Cậu Thuỷ" bị công an bắt tạm giam 4 tháng để điều tra về việc làm giả hài cốt liệt sỹ.

Mượn danh ngoại cảm trục lợi phải xử lý về tội lừa đảo

Ông Nguyễn Phúc Giác Hải cho rằng: Nhà ngoại cảm thực sự dùng khả năng của mình để lấy quá nhiều tiền cũng phải phê phán, còn mượn danh để làm điều bất chính cần phải xử lý về tội danh lừa đảo. Với trường hợp của "cậu Thuỷ" thì không liên quan đến Viện Nghiên cứu tiềm năng con người. Trong cuốn niên gián 20 năm tìm mộ liệt sỹ "Sự thật tưởng như huyền thoại" không có tên của Nguyễn Thanh Thuý (cậu Thuỷ). Ông Thuỷ hoạt động độc lập.

Theo tìm hiểu của PV, trong số những nhà khoa học đi tiên phong lao vào vấn đề khó là ngoại cảm và tâm linh có hai nhóm cùng có mặt. Bằng chứng là khi các nhóm (chưa có tổ chức nào chính thức- PV) ồn ào nghiên cứu về hiện tượng ông Liên, cậu Bảy, bà Nguyện, ông Phụng... các nhóm đều tiến hành độc lập. Nhóm bên này đi tìm 14 liệt sỹ ở Ninh Bình từ năm 1993- 1995, bên trung tâm kia cũng có nghiên cứu những hiện tượng khác và ngày ấy ông Trần Phương cũng phát biểu về việc này. Ngay khi ấy, người ta đặt ra vấn đề, có hay không chuyện tìm mộ liệt sỹ bằng ngoại cảm? Khi ấy, Nhà nước quyết định cho kinh phí 200-300 triệu đồng chia cho 2 nhóm cùng nghiên cứu. Nhóm của bên UIA và nhóm Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người. 1-2 năm sau, các nhóm có báo cáo độc lập (không được công bố) cả hai đều khẳng định, có khả năng tìm mộ bằng ngoại cảm.

Cũng theo tìm hiểu của PV, có trung tâm hoạt động mang tính tự cung, tự cấp tự bỏ tiền nghiên cứu nên biến chuyện ngoại cảm thành kinh doanh, làm dịch vụ. Họ đã làm nhiều trò ma mãnh, như tiến hành những "đại lễ" cầu siêu, giải hạn với hàng trăm, hàng ngàn người tham gia với số tiền phải nộp là 300- 500 ngàn đồng/người. Như vậy số tiền thu được sẽ không hề nhỏ.

Chính vì lẽ đó, một số nhà ngoại cảm tìm tư cách pháp nhân từ Trung tâm này đã phản ánh rằng, một năm phải làm "hỗ trợ" những công việc, những "mối quen" của trung tâm mà không được nhận "cảm ơn" từ phía gia đình. Lần lượt nhiều nhà ngoại cảm đã bỏ trung tâm này như cô Thiêm, cô Hoài, cậu Lư, cô Nghi... Cô Hoài cũng "đầu quân" ở một trung tâm nghiên cứu ngoại cảm khác nhưng không bỏ chính thức. Cô Hoài có cơ sở ở Thường Tín (Hà Nội) tiến hành gọi hồn, áp vong. Nhưng cô Hoài không có tư cách pháp nhân nên mượn tên của trung tâm nhưng không được đồng ý mà phải thuê lại. Tại đây, họ đặt hòm công đức (theo những người đến đây khi được giúp đỡ họ sẽ công đức cho nhà ngoại cảm) thì trung tâm sẽ thu. Chính vì lẽ đó, cô Hoài đã bỏ vào TP. Hồ Chí Minh tìm một tư cách mới. Cơ sở này giờ bỏ không, nhưng biển vẫn còn để đấy. Như vậy cô Hoài coi như vẫn còn là người của một trung tâm, nhưng thực tế không hoạt động. Còn trường hợp của Nguyễn Quốc Thắng, thì tại đây cũng có người bán thực phẩm chức năng Amway. Ai mua nhiều thì được xếp thứ tự để được gọi hồn trước?!

Từ thực tế này, cho công chúng thấy những sự thật trần trụi đằng sau những người được gọi là "ngoại cảm". Khi hỏi ông Nguyễn Phúc Giác Hải về điều này, ông nói: "Đó là kênh thông tin nhiều nhà ngoại cảm đã chia sẻ với báo chí. Quan điểm của Viện là không "gây hấn" về những chuyện đó. Chúng tôi chỉ đưa ra quan điểm, báo chí đang phủ định những nhà ngoại cảm thì cần đưa ra căn cứ. Cách nhận định khả năng của nhà ngoại cảm là dựa trên cơ sở nào".

Nghi án về một cuộc 'đại chiến' giữa các nhà ngoại cảm 2
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải

Kinh doanh... ngoại cảm?

Theo nguồn tin mà PV tiếp cận thì có những nhà ngoại cảm không muốn nằm trong một đơn vị nghiên cứu ngoại cảm vì họ phải chịu "định mức" làm hộ một số trường hợp và không được nhận thù lao. Khi PV đặt câu hỏi thẳng thắn với TS.Vũ Thế Khanh: "Ông nghĩ sao khi có thông tin nói, các đơn vị nghiên cứu về ngoại cảm lại kinh doanh ngoại cảm?", ông Khanh tỏ ra khá bức xúc. Ông Khanh dẫn chứng có trường hợp tự xưng là ngoại cảm đã từng là đối tượng nghiên cứu của Liên hiệp và các đơn vị khác. Sau nhiều năm, đơn vị nghiên cứu chỉ công nhận họ là có khả năng đặc biệt và họ không chấp nhận với công bố đó dẫn đến việc "quay lưng" lại với các đơn vị đã từng nghiên cứu. Thậm chí, họ bôi xấu với thông tin kinh doanh ngoại cảm. Việc đó là hoàn toàn bịa đặt".

Mà thực tế, có sự công bố nhà ngoại cảm giữa các đơn vị "vênh" nhau nên có luồng ý kiến các trung tâm mâu thuẫn nhau dẫn đến cuộc "đại chiến". Trả lời về vấn đề này, TS.Khanh cũng thừa nhận có sự "vênh" nhau vì cả 3 đơn vị đều có chức năng nghiên cứu ngoại cảm và chứng nhận ngoại cảm. Vì vậy, các đơn vị khi công bố nhà ngoại cảm, họ phải bảo vệ những người mà họ công bố?!

"Tuy nhiên, các nhà ngoại cảm mà chúng tôi đã công bố đều là những nhà ngoại cảm chân chính. Tôi cũng nói thêm rằng, ngay như trường hợp nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, trong quá trình nghiên cứu cũng như tìm mộ liệt sỹ thực tế, nhà ngoại cảm đã nói đúng đến 60% (đúng với công bố-PV). Thông tin của các nhà ngoại cảm là thông tin tham khảo, giống như người làm công tác dự báo thời tiết. Quá trình tìm mộ nhà văn Nam Cao, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã nói đúng 60%. Khi ấy chúng tôi đã sử dụng thêm phương pháp hình sự, các phương pháp khác và sự hỗ trợ của các nhà ngoại cảm khác để bù lại 40% còn khuyết. Kết quả cuối cùng đã tìm chính xác hài cốt nhà văn Nam Cao", TS.Khanh dẫn chứng.

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, việc tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm đã phát triển rất nhanh. Bên cạnh những thành công của các nhà ngoại cảm chân chính, thì cũng có không ít những vụ việc buồn do những nhà ngoại cảm rởm gây ra. Và thậm chí người ta còn chụp mũ cho các nhà ngoại cảm là lợi dụng mê tín dị đoan, là bịp bợm. Lý giải về điều này, TS.Khanh cho rằng: "Có nhiều người cứ mở trung tâm áp vong, gọi hồn là tự xưng nhà ngoại cảm. Trong khi đó, chúng tôi vẫn khẳng định áp vong không phải là khả năng ngoại cảm. Việc một số trường hợp gần đây mà chúng tôi "chỉ mặt đặt tên" cũng chỉ là tự xưng chứ không có ai được phong là nhà ngoại cảm. Chúng tôi đã có nhiều công văn gửi về các địa phương vạch mặt những người không có khả năng ngoại cảm, nhưng họ vẫn hoạt động ngang nhiên. Thực tế, có trường hợp tự xưng nhà ngoại cảm tìm mộ liệt sỹ nhưng sau đó liệt sỹ đã trở về!".

TS.Khanh khẳng định: "UIA, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người và Viện Nghiên cứu tiềm năng con người đều là những đơn vị khoa học nghiên cứu về tâm linh, ngoại cảm và không có sự mâu thuẫn nhau. Mục đích của các đơn vị là gạt bỏ những người giả danh ngoại cảm và bảo vệ những người có khả năng thực sự".

Có đến 90% nhà ngoại cảm là... rởm !

Nổi danh như cồn, cuối cùng nhiều nhà ngoại cảm cũng bị dư luận đặt nghi vấn làm giả hài cốt liệt sỹ vì hư danh hay vì tiền bạc? Nhưng đằng sau câu chuyện này vẫn còn những điều bí mật khó lý giải.

Một nhà nghiên cứu lâu năm trong lĩnh vực ngoại cảm, tâm linh đã khẳng định: "Nhà ngoại cảm bây giờ nhiều lắm, vàng thau lẫn lộn. Có những người ngộ nhận về khả năng của mình cũng chạy đến Trung tâm, đến Viện nghiên cứu tiềm năng con người để chứng minh khả năng mong được thành... nhà ngoại cảm. Còn người dân cứ thấy đâu có "hiện tượng lạ" là kéo đến. Thôi thì đủ kiểu ngoại cảm chữa bệnh, áp vong, gọi hồn... hễ những người này được "nghiên cứu" là nghiễm nhiên như có "giấy thông hành" để hành nghề công khai. Đa số chính quyền cấp cơ sở đều khẳng định những nhà ngoại cảm này hoạt động không có cơ quan nào cấp phép, nhưng dẹp đi khó lắm vì họ lại đang được một cơ sở nghiên cứu khoa học về ngoại cảm, tâm linh nào đó nghiên cứu".

Trước nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ tìm hài cốt bằng ngoại cảm độ chính xác gần như bằng 0, con số 2-3% chính xác là có sự hỗ trợ thông tin của nhân chứng là đồng đội hoặc những người còn sống. Về con số báo cáo của cục Người có công (bộ LĐ- TB&XH), trong một vụ giả mạo xương các liệt sỹ thì gần như 100% các mẫu xương tìm theo lời của nhà ngoại cảm mang đến giám định đều cho kết quả sai; 2-5% số xương mang đến không phải xương người. Nhà giáo Quan Lệ Lan - Phó chủ nhiệm thường trực bộ môn Cận tâm lý, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, cho biết: "Tôi cảm thấy họ đã đưa hiện tượng để làm nhòa bản chất - bản chất khả năng tìm mộ của nhà ngoại cảm là có thật, nhưng chỉ ở một số ít người và không phải lúc nào cũng chuẩn ở mọi lúc mọi nơi, có sai số có thể 30 - 40% hoặc hơn thế".

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Vũ Thế Khanh- Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA) nhận định: "Hiện nay có đến 90% là nhà ngoại cảm giả. Họ mượn danh ngoại cảm. Có những người đến Liên hiệp và chúng tôi có nghiên cứu về họ. Sau quá trình nghiên cứu, chúng tôi vẫn khẳng định họ có khả năng đặc biệt nhưng không phải có khả năng ngoại cảm. Có nhiều trường hợp chỉ là đối tượng nghiên cứu của các đơn vị nghiên cứu ngoại cảm, không được phong là nhà ngoại cảm nhưng họ vẫn tự xưng là nhà ngoại cảm. Ngay cả những người nghiên cứu về ngoại cảm cũng không phải là nhà ngoại cảm!".

Tại buổi giao lưu trực tuyến mới đây, TS. Khanh cho hay: "Nhà ngoại cảm rởm không có khả năng gì đặc biệt nhưng lại có hành vi lừa đảo để kiếm tiền trên lòng tin của người khác. Nhà ngoại cảm thật là người có thể nối dài các giác quan của mình so với người bình thường, nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy những điều mà người thường không thể với tới được. Khả năng ngoại cảm là một vốn quý không phải ai cũng có được, do vậy, phải trân trọng giữ gìn và sử dụng một cách hợp lý. Nhưng muốn ngoại cảm trong sáng và hiệu quả thì phải "nhổ bỏ" những ngoại cảm giả, ngoại cảm nhái thì ngoại cảm chân chính mới có cơ hội phát triển".

Theo TS. Khanh, cần phải có những biện pháp quản lý các nhà ngoại cảm để sử dụng có hiệu quả, tránh để hoạt động lan man, vô tổ chức. Cần tìm đến các cơ quan quản lý các nhà ngoại cảm để phối hợp thực hiện. Như thế thì mới tránh được sai sót.

Theo Đời sống  và Pháp Luật


Ý kiến của bạn