Lê Cường cho tôi xem một số tài liệu Pháp thời đầu thế kỷ 20, ngồi bần thần một lúc rồi bỗng òa lên khóc. Tôi nín thở ngồi im, thông cảm với nỗi uất ức của con người tướng mạo rắn rỏi, tóc đã muối tiêu ấy. Khi đã lấy lại được bình tĩnh, anh Lê Cường, nhà nghiên cứu Hội Khoa học-Lịch sử, chắt cụ Lê Hoan, con nhà nhiếp ảnh Lê Vượng, tâm sự:
- Họ mạc chúng tôi không thể chịu đựng được nỗi oan: cụ Lê Hoan vẫn bị coi là phản quốc, trong vụ Pháp diệt Đề Thám. Khi tôi ra nước ngoài, nhiều Việt kiều cũng lên án cụ như vậy. Mà gia đình chúng tôi có đủ bằng chứng cụ là một sĩ phu yêu nước!
Quả thực vấn đề này đã được nêu từ hơn chục năm nay, nhưng vẫn chưa có kết luận chính thức. Cuốn Từ điển văn hoá (NXB Văn hoá Thông tin tái bản năm 2009) từ mục Hoàng Hoa Thám, vẫn ghi: "Quân Pháp phải huy động lực lượng lớn và sử dụng tay chân là Lê Hoan, dốc sức tấn công".
Năm 2000, tôi đã có lần nêu vấn đề Lê Hoan-Đề Thám ở báo Sức khoẻ & Đời Sống nhân giới thiệu họa sĩ Lê Phổ, Việt kiều yêu nước, là con thứ mười của Lê Hoan, như sau: "Năm 14 tuổi, ở trường Bưởi, tôi (Hữu Ngọc) học vẽ thày Lê Phổ. Tôi còn nhớ: thày gầy gầy, dong dỏng cao, đeo kính cận, lúc nào cũng mặc bộ com-lê là phẳng phiu. Thày có vẻ xa vắng, ít nói, nói nhỏ nhẹ. Khuyến khích học sinh vẽ khá, thày thường nói: "C'est pas mal!" (Không tồi đâu!).
Khâm sai Lê Hoan (ngoài cùng bên trái). Ảnh: TL |
Lê Phổ sinh năm 1907, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa đầu (1930). Theo Ngô Thế Tần (chồng họa sĩ Lê Thị Lựu đỗ khoá thứ 3) thì thày Phổ sang Pháp đại diện cho Đông Dương trong một cuộc Đấu xảo. Sau đó, được cấp học bổng, thày ở lại bổ túc nghiệp vụ và định cư ở Pháp từ 1937. Thày là con đại thần Lê Hoan, từng bị coi là tay sai thực dân Pháp, đặc biệt trong việc đàn áp nghĩa quân Đề Thám. Nhưng thày Lê Phổ và gia đình ít nhiều được hởi lòng hởi dạ vì các nhà sử học đã công bố những tài liệu thanh minh được một phần nào. Dù sao thì tinh thần thiết tha với dân tộc của Lê Phổ cũng được thể hiện trong hành động và nghệ thuật. Năm 1946, Lê Phổ cùng Trần Đức Thảo, BS. Trần Hữu Tước đã đóng góp giúp đỡ phái đoàn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Hồ Chủ tịch hoạt động ở Pháp. Mặt khác, phong cách tranh Lê Phổ được khẳng định ở Pháp, thuộc loại có giá, mỗi bức trên thị trường tranh quốc tế bán từ hai ba trăm nghìn đôla trở lên. Lê Phổ bỏ ra khoảng hai chục bức tặng lại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đề tài của Lê Phổ rất Á Đông: thiếu nữ, hoa, chim..., mỗi bức là một bài thơ không lời, thầm kín, duyên dáng. Cả sơn dầu và lụa".
Tôi có dịp trở lại vấn đề Lê Hoan-Đề Thám, khi ông Fourniau công bố tài liệu đầu tiên để xét lại vấn đề Lê Hoan: bản báo cáo ngày 13/10/1897 của đại tá Pennequin gửi cho Ban chỉ huy tối cao Pháp. Bản báo cáo này có nói tới một bức thư của Lê Hoan gửi cho Đề Thám vào năm 1892, Pháp bắt được thư này trong một chiến dịch. Nội dung thư đại ý là: giờ chưa phải là lúc thuận lợi để đánh Pháp, đánh sẽ vô ích vì chúng đang mạnh hơn ta. Cứ làm như chúng ta bỏ cuộc và kết bạn với chúng. Cứ kiên trì, sẽ có ngày ta tập hợp được lực lượng và đẩy lui chúng xuống biển để tống chúng đi. Hãy làm chúng mất cảnh giác bằng quan hệ hữu nghị. Qua đó Pennequin kết luận là quan lại và sĩ phu Việt Nam không từ bỏ ý đồ đuổi Pháp.
Sử gia Gérard Sauges đã nghiên cứu những cuộc nông dân nổi dậy ở Trung du Bắc Kỳ vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Tài liệu của Sở Mật thám Pháp chứng tỏ Lê Hoan có dính líu đến Đề Thám. Lê Hoan tuy giúp đại tá Galliéni trong nhiều chiến dịch lớn đánh Đề Thám, nhưng rút cục chỉ đưa đến sự đình chiến năm 1897-1908. Cuộc đình chiến này chấm dứt khi Đề Thám ủng hộ âm mưu đầu độc sĩ quan Pháp (bị vỡ lở).
Một bài báo của Rauville đăng trong báo Lời nói Tự do (Paris, 10-4-1910) đưa ra một bằng chứng khách quan, nhan đề Cách chức khâm sai Lê Hoan như sau:
"Tin tức từ Đông Dương cho biết là ông Picquier, quyền Toàn quyền Đông Dương, tạm thay ông Klobuklowski, vừa bãi chức thống lĩnh quân đánh Đề Thám của Lê Hoan. Đồng thời vị Khâm sai Lê Hoan sẽ bị xét xử về tội ăn hối lộ".
Hữu Ngọc