Khi khoảnh khắc sinh – tử chỉ còn trong tích tắc, chỉ cần một sở hở con tàu chở 65 tấn vũ khí cùng 18 con người sẽ vào tay địch. Nhưng tất thảy vững vàng một ý chí, giữ thái độ im lặng. Còn cách nhau 90m thì bất ngờ tàu địch nổ máy quay đầu mở vòng vây. Cuộc đấu trí cam go được nới lỏng…!
Tàu không số chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam (ảnh tư liệu).
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đỗ Văn Sạn (quê xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) là một trong những Chính trị viên xuất sắc của đoàn tàu không số 50 năm về trước. Ông đã cùng đồng đội viết nên những kỳ tích lịch sử, làm nên những huyền thoại từ cuộc “đấu trí”, “cân não” với kẻ địch.
Để đáp ứng yêu cầu vũ khí cho chiến trường miền Nam trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho chỉ huy Đoàn tàu không số sử dụng bốn tàu lên đường làm nhiệm vụ vào chi viện vũ khí cho miền Nam. Thời điểm này, Mỹ cho Hạm đội 7 phong tỏa, vây giáp khắp từ Khu V vào tận Cà Mau.
Theo kế hoạch các Tàu 165 vào bến Cà Mau, Tàu 235 vào bến Vũng Rô (Phú Yên) xuất phát trước; hai tàu còn lại Tàu 43 vào bến Ba Làng An (Quảng Ngãi) và Tàu 56 vào bến Lộ Diêu (Bình Định) xuất phát sau. Theo hiệp đồng, lợi dụng sự lơ là của lực lượng canh phòng cửa biển ngày cuối năm, cả bốn tàu sẽ đồng loạt cập bến vào đúng đêm giao thừa. Nếu một trong bốn tàu bị phát hiện thì sẽ phải “hy sinh” để thu hút sự theo dõi của địch, các tàu còn lại nắm bắt thời cơ cập bến khẩn trương.
AHLLVTND Đỗ Văn Sạn – tên tuổi của ông gắn liền với đoàn tàu không số huyền thoại. Tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển diễn ra vào ngày 23/10/2011 ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông Đỗ Văn Sạn nhận nhiệm vụ làm Chính trị viên kiêm Bí thư chi bộ Tàu 56, do đồng chí Nguyễn Văn Ba làm thuyền trưởng. Con Tàu chở theo 65 tấn vũ khí cùng 18 thủy thủ, trong đó có 15 đảng viên.
Sau 3 ngày đêm lênh đênh trên biển, đêm giao thừa năm 1968, Tàu 56 vào đến Bình Định. Khi ở cách bờ còn khoảng 100 hải lý thì gặp máy bay trinh sát của địch. Trời nhá nhem tối, máy bay địch bay là là mặt nước. Thông qua điện đàm với cấp trên, Chính trị viên Đỗ Văn Sạn nhận được tin chuyến đi đã bị bại lộ, tất cả đoàn 4 tàu đã vào tầm kiểm soát của địch. Để giữ vững tinh thần cho các chiến sĩ trên tàu, ông và thuyền trưởng không cho anh em biết tin.
Đến 19h30 phút, khi khoảng cách với bờ được rút ngắn hơn, thì bắt gặp ánh đèn chớp từ phía trước. Biết đã gặp tàu địch, ông hội ý với thuyền trưởng, thống nhất phương án đánh Tàu 56 đi tránh vị trí có ánh đèn chớp, rồi tìm thời cơ tiến thẳng vào bờ. Nhưng ánh đèn chớp mỗi lúc một nhanh hơn, dứt khoát hơn.
Đi thêm 40 phút lệch 270 độ về hướng Tây, Tàu 56 vẫn gặp ánh đèn chớp. Là một Chính trị viên, người “cầm cờ chuẩn” có nhiều kinh nghiệm đi biển, ông nhận định tàu phục kích của địch không cho vào bờ mà có ý đồ bắt sống từ xa. Nếu Tàu 56 cứ cố vào bờ sẽ bị bắt ngay lập tức. Trong khi đó 3 tàu còn lại đã bị tấn công, các chiến sĩ chiến đấu ngoan cường, nhiều chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ hàng. Lúc này là 21 giờ, tàu vẫn chưa có cơ hội tiến vào bờ. Cuộc họp Chi ủy quyết định cho tàu tránh xa bờ về phía đông 90 độ.
Đúng thời khắc giao thừa, một tiếng rào phát ra rất mạnh, pháo sáng được bắn lên, cả góc bầu trời rực sáng. Con Tàu 56 đã nằm trong vòng vây của bốn tàu địch. Ở vị trí cách 200m địch rọi đèn sáng trưng. Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chính trị viên Đỗ Văn Sạn bình tĩnh đưa ra ý kiến bật đèn hành trình, đồng thời gọi bộ phận báo vụ chọn cờ Trung Quốc treo lên. Sở dĩ chọn cờ Trung Quốc vì tại chính trường thế giới Trung Quốc là một nước lớn, Tổng thống Mỹ Nixon lại chuẩn bị chuyến thăm Trung Quốc, điều này có thể khiến Mỹ phải e dè.
Bất ngờ tàu địch phát loa hỏi: Quốc tịch gì? Đi đâu? Chở gì? Nếu không dừng lại sẽ bị bắn!. Biết nếu trả lời ngay lập tức sẽ bị bắt sống, hàng trên tàu sẽ rơi vào tay địch, ông và thuyền trưởng không trả lời và tiếp tục cho tàu chạy bình thường.
Khoảng gần một giờ sau, không nhận được câu trả lời, địch đã cho bắn Tàu 56. Trong tiếng sóng to lẫn với tiếng súng máy bắn thị uy quanh tàu, tiếng động vẫn đều đều phát ra. Ông Sạn đã đến từng vị trí trên tàu để động viên các thủy thủ bình tĩnh, giữ vững tinh thần và sẵn sàng chiến đấu. Trong giờ phút căng thẳng ấy, ông đã trao đổi nhanh với thuyền trưởng, trình bày nhận định, diễn biến tình hình và phương án đối phó. Nhận thấy tàu địch chưa phát hiện ra hành tung mà chỉ nghi ngờ nên bắn dọa nên ta sẽ cho đi tránh bờ và giữ vững tốc độ tuyến – ma.
Quyết định cuối cùng được đưa ra, tàu quay đầu trở ra chờ thời cơ quay vào. Lúc này địch vẫn bắn pháo đại bác, tàu ta vẫn ung dung với vận tốc tối đa.
Đến 2 giờ 20 phút, địch cho ca – nô ào tới chĩa súng vào Tàu 56, nhưng vào cách khoảng 20m chúng lại quay trở ra. 10 phút sau, chúng lại quay lại, rồi lại quay ra và bám đuôi. Tàu ta vẫn ung dung đi như không hề hấn gì. Trên tàu các chiến sĩ của ta vẫn giữ vững tinh thần, vì chỉ cần manh động sẽ bị lộ và bắt sống ngay lập tức. Tàu địch vẫn bám đuôi.
Sau 3 lần cho ca – nô tiếp cận không đạt được ý định, đến 3h30 phút, bất thình lình địch cho tàu khu trục tới chặn trước. Nhận được báo cáo, ông ra lệnh chuẩn bị bộc phá đưa lên đài chỉ huy. Các vị trí vào tư thế sẵn sàng. Khi cách tàu địch chừng 1 hải lý, Bí thư chi bộ Đỗ Văn Sạn ra lời kêu gọi các đảng viên, đoàn viên, toàn thể cán bộ, chiến sĩ của Tàu 56 “khi có lệnh phải dũng cảm chiến đấu đến cùng, không cho người, tàu và hàng lọt vào tay giặc, nếu có hy sinh chúng ta sẽ hóa thân vào đất mẹ anh hùng, xây dựng được truyền thống vẻ vang. Tổ quốc và nhân dân mãi không quên chúng ta…!”. Ông quay sang nói thuyền trưởng vững trí, bền gan mà lao thẳng vào tàu khu trục của địch, đồng thời ấn nốt bộc phá hủy tàu ta.
Khi khoảnh khắc sinh – tử chỉ còn trong tích tắc. Từ thuyền trưởng đến các thủy thủ có thể cảm nhận được ý chí chiến đấu đến cùng như máu chạy rần rần khắp cơ thể. Chỉ còn cách nhau 90m thì bất ngờ tàu địch nổ máy quay đầu mở vòng vây. Cuộc đấu trí cam go được nới lỏng. Tàu 56 vẫn chạy, tàu địch vẫn bám theo, nhưng bỏ dần, cuối cùng chỉ còn một tàu bám theo. Thỉnh thoảng chúng lại cho bắn một loạt đại bác ở tầm xa.
Lúc này, Tàu 56 nhận lệnh cấp trên phải tiếp tục bình tĩnh thi gan, đấu trí với địch, chuyển hướng không về bến như kế hoạch mà chạy thẳng về Thượng Xuyên – Trung Quốc. Trên đường đi, địch vẫn cho một tàu bám theo với cự ly 5 hải lý. Khoảng một giờ, chúng lại cho máy bay lượn lờ do thám. Cho đến khi cách Thượng Xuyên chừng 10 hải lý thì tàu địch không bám theo. Lúc này, cả đoàn như thở phào nhẹ nhõm. Niềm vui được vỡ òa khi nhận được điện của cấp trên “Tuy chưa giao được hàng nhưng các đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thứ hai…!”
Hoàng Khánh