Nghẹt thở cuộc giải cứu thai nhi tím tái, ngưng thở do sản phụ đẻ rơi

01-07-2019 16:13 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Khoa Cấp cứu tổng hợp, Bệnh viện Nhân dân 115 vừa trải qua một ca trực khó quên, với nhiều cung bậc cảm xúc khi tiếp nhận cấp cứu một bé sơ sinh bị ngưng tim, ngưng thở do sản phụ đẻ rơi.

Trước đó, 7 giờ 15 phút sáng chủ nhật 23/6, chiếc xe taxi tấp thẳng vào khoa Cấp cứu tổng hợp - Bệnh viện Nhân dân 115. Trên xe là một cô gái 20 tuổi bị đau bụng đi cùng người nhà.

Tại khu tiếp nhận, bác sĩ thấy giữa hai chân cô gái có khối bất thường, chiếc quần đẫm máu, đau quằn quại.

Theo người nhà cho biết, cả đêm qua, chị N.T.H.N (20 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) không ngủ được mà ôm bụng kêu la, mọi người trong gia đình không biết bị bệnh gì. Từng cơn đau quằn quại, khiến chị N. kêu rên thảm thiết, gia đình liền đón taxi đưa chị N. đến ngay Bệnh viện Nhân dân 115.

Bác sĩ Trần Ngọc Thúy Hằng (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân 115), trưởng kíp trực cho biết, qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện thai nhi đang bất động nằm trong bụng bệnh nhân. Quy trình báo động đỏ liên viện cũng được kích hoạt, mời khẩn cấp bác sĩ khoa Hồi sức sơ sinh của Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương.  BS.CK1 Hằng nhớ lại: “Lúc đó em bé đã tím toàn thân, hôn mê, ngưng tim, ngưng thở. Cùng với việc cắt dây rốn, chúng tôi nhanh chóng hút đàm, ép tim và bóp bóng thở cho bé”.

Một ca cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM).

Theo bác sĩ Hằng, cháu bé này được cứu sống giống như một câu chuyện cổ tích. Tiếp nhận bệnh nhân, quy trình báo động đỏ nội viện được khởi động, vài phút sau, bác sĩ gây mê hồi sức và các ê kíp khác đã có mặt. Quy trình báo động đỏ liên viện cũng được kích hoạt, mời khẩn cấp bác sĩ Khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương đến trợ giúp.

Sau khi bé được đưa ra khỏi bụng mẹ, toàn thân bé bị tím, hôn mê, ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ tiến hành cắt dây rốn, hút đờm, ép tim và bóp bóng thở cho bé. Các bác sĩ tiến hành hồi sức tích cực, nhưng 5 phút, rồi đến 10 phút, 15 phút, nhịp tim của bé vẫn đứt quãng, lúc đập lúc ngưng.

“Thời gian sống đối với bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở chỉ tính bằng phút. Lúc này cả ê kíp bác sĩ lên xuống theo từng nhịp đập của trái tim bé nhỏ, lúc có lúc không, lúc thì nhè nhẹ xong lại mất hút. Khoảnh khắc giành giật sự sống cho cháu bé dường như kéo dài vô tận. Hy vọng tắt dần, nhưng bất ngờ đến phút thứ 20 niềm vui vỡ òa khi monitor ghi nhận nhịp tim của bé trở lại đều đặn. Và kỳ diệu thay, mắt và chân tay của bé đã có những phản xạ yếu ớt đầu tiên. Ê kíp cấp cứu mừng rơi nước mắt: “con đã sống, con đã sống rồi!”, bác sĩ Hằng nhớ lại.

Một ngày sau, ngày 26/6, bé đã tự thở tốt và việc hỗ trợ oxy lúc này không còn cần thiết. Tín hiệu điện não cũng phục hồi, tốt lên từng ngày, cho thấy công tác cấp cứu ban đầu rất hoàn hảo, không chỉ giữ bé ở lại với cuộc đời, mà còn tránh cho bé nguy cơ bị bại não.

Về phía sản phụ, bác sĩ Hằng cho biết các bác sĩ tiến hành đỡ nhau, tiêm thuốc cầm máu, chống băng huyết sau sinh. Bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương đến tận nơi kiểm tra sức khỏe của mẹ và bé. Ngay sau đó, ê kíp cũng kết nối với Khoa Hồi sức sơ sinh của Bệnh viện Nhi đồng 1, chuẩn bị sẵn sàng để hạ thân nhiệt, cứu tế bào não cho bé.

Hai mẹ con chị N. được đưa lên hai chiếc xe cứu thương để chuyển sang hai bệnh viện sản và nhi. Bác sĩ của Bệnh viện Hùng Vương - nơi có nhiều kinh nghiệm hồi sức sơ sinh, cũng tháp tùng chuyến xe của cháu bé để đảm bảo việc chuyển viện được tiến hành tốt nhất.

Điều đau lòng là trong khi các bác sĩ đã hết lòng cứu tính mạng của bé thì mấy ngày nay, bệnh viện nhi gọi liên tục nhưng người nhà của bé vẫn không xuất hiện, điện thoại cũng mất liên lạc…

Dù không có sự quan tâm của gia đình nhưng hiện bên cạnh cháu bé vẫn luôn có đội ngũ nhân viên y tế và công tác xã hội, sẵn sàng làm mọi điều tốt nhất cho bé. Tuy vậy, bác sĩ Trần Ngọc Thúy Hằng, một bác sĩ cấp cứu và cũng là một người mẹ chia sẻ rằng, chị cầu mong người mẹ trẻ sẽ suy nghĩ thấu đáo, mau chóng đến bên con để thực hiện sứ mệnh làm mẹ thiêng liêng của mình.



Nguyễn Vũ
Ý kiến của bạn