Nghèo mà chơi “sang”,...

02-05-2016 13:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo thống kê mới nhất, nếu chia bình quân thì mỗi người Việt đang gánh trên lưng gần 30 triệu đồng nợ công.

Theo thống kê mới nhất, nếu chia bình quân thì mỗi người Việt đang gánh trên lưng gần 30 triệu đồng nợ công. Chưa dám so với các quốc gia tiên tiến trên thế giới, chỉ so với nhiều nước trong khu vực thì thu nhập bình quân cũng cho thấy con số xếp hạng không thể tự hào mà thẳng thắn ra, đó là thứ hạng đáng phải trăn trở.

Thế nhưng trên đất nước còn nghèo khó của chúng ta lại là “thị trường hàng hiệu tiềm năng của thế giới” như ông Philippe Léopold-Metzger - Chủ tịch Tập đoàn Piaget nhận xét và quả không sai với thực tế đang diễn ra. Dễ nhận thấy nhất để thấy tính thích xài sang của  dân ta là việc sắm iPhone. Dạo quanh các cửa hàng, những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới và tất nhiên là đắt tiền như Louis Vuitton, Dior, Burberry, Ermenegildo Zegna, Bulgari, Hermes... đều đã có mặt tại Việt Nam. Nhiều người Việt ta thích thể hiện khâu oai, tỏ ra “đẳng cấp” khi mua hàng khác hẳn dân các nước tiên tiến quan tâm tới sự tiện dụng của hàng hóa hơn là chuyện “khoe” của để chứng tỏ hơn người! Chả thế mà iPhone 6 hoặc 6s mới ra là ở ta có ngay và những thứ vừa hot như iPhone SE lại thành ế ẩm.

Loại hàng chỉ để ngắm như là các loại trang sức, kim cương, đá quý thì Việt Nam cũng được xếp hạng là nước tiêu thụ vàng đứng thứ 7 thế giới! Hàng ít phổ thông hơn là ôtô đủ các dòng siêu xe, siêu sang, nhập khẩu, giá bán từ 7 tỷ đến gần 50 tỷ đồng, đã được cấp đăng kiểm cả vài ngàn chiếc trong năm 2015.

Hoang phí, chơi trội, đề cao hình thức bên ngoài là thói quen đã ăn vào máu của một số người Việt thành căn bệnh “hoành tráng”. Đến chiếc bánh dâng Tổ cũng phải thi nhau to nhất, nặng nhất. Rồi những công trình cũng thi nhau hoành tráng đã đành mà nhiều tỉnh nghèo cũng thi nhau lập dự án xây “Trung tâm hành chính” rất tốn và kém khiến báo chí, dư luận phải lên tiếng, Chính phủ phải “cắt”!

Chơi sang trong một bộ phận dân chúng là quyền công dân nếu có khả năng tài chính. Vấn đề là tiền đó từ đâu? Chưa giàu đã thích chơi sang, thỏa mãn thói “ngông” sẽ sinh ra tiêu cực như tham nhũng, buôn lậu, trộm cắp, câu kết lợi ích nhóm với mọi hình thức. Người có tiền từ sức lao động ít có tính “ngông”, “giải quyết khâu oai” nếu như không có “tiền như bắt được”!

Trong không ít cơ quan công quyền, “tiền như bắt được” là ngân sách mà dân gian gọi là “tiền chùa” nên sự lãng phí cũng vô cùng trong chuyện mua sắm cốt để... “oai”. Những công trình “hoành tráng” ít tác dụng hoặc chưa cần thiết vẫn thi nhau mọc ra. Ngoài chuyện oai trong dấu ấn nhiệm kỳ còn là phần trăm lại quả, càng hoành tráng, hoa hồng càng lớn để người ký duyệt có tiền sắm vật dụng cá nhân theo kiểu “hàng hiệu”!

“Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện” như ông cha ta đã dạy huống là “làm một tiêu hai, ba”. Trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí thiết nghĩ không thể bỏ qua tâm lý nghèo mà chơi sang và cần được giải quyết rốt ráo.

Nghèo mà thích chơi sang không còn là sở thích mà còn là một trong những nguyên nhân sinh ra tiêu cực, kéo lùi sự phát triển của đất nước.


Lê Quý
Ý kiến của bạn