Hà Nội

Nghề y - Nghề nguy hiểm

30-07-2014 14:37 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Y tế hiện đang là một nghề nguy hiểm. Những chuyện con chém mẹ, vợ giết chồng, anh em trong nhà đâm chém nhau không hiếm trong xã hội. Với những người đến người thân còn có thể xuống tay tàn độc thì khi họ phải vào viện, họ gây sự đánh thầy thuốc là điều khó tránh khỏi.

Y tế hiện đang là một nghề nguy hiểm. Những chuyện con chém mẹ, vợ giết chồng, anh em trong nhà đâm chém nhau không hiếm trong xã hội. Với những người đến người thân còn có thể xuống tay tàn độc thì khi họ phải vào viện, họ gây sự đánh thầy thuốc là điều khó tránh khỏi.

Nhưng khi có vụ việc xảy ra, đa số dư luận đều chĩa mũi dùi vào đội ngũ y tế, đều quy cho sự xuống cấp về y đức, sự yếu kém về nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ y tế. Dư luận xã hội nhìn chung có xu hướng nghiệt ngã với ngành y tế. Dù rằng vẫn còn rất nhiều thầy thuốc ngày đêm tận tâm với bệnh nhân nhưng tác động của dư luận đã làm cho họ ít nhiều chán nản, mất dần tâm nguyện phục vụ.

Phải đánh giá công bằng rằng đội ngũ cán bộ y tế của Việt nam rất mạnh. Hệ thống y tế rộng khắp các vùng miền, từ trung ương xuống địa phương. Những thầy thuốc Việt nam không hề thua kém thầy thuốc nước ngoài. Thế giới đã sản xuất ô tô, máy bay từ thế kỷ 19 nhưng đến nay công nghiệp nước ta vẫn còn đang loay hoay với từng con ốc vít. Vậy mà với ngành y, khi có bất kỳ tiến bộ kỹ thuật mới nào trên thế giới các bác sĩ Việt nam đều có thể tiếp cận và triển khai thành công chỉ sau một vài năm.

Việt nam đã là nước đầu tiên khống chế thành công dịch SARS. Dịch tả năm 2007-2008 nước ta có hàng ngàn người mắc nhưng không có ai tử vong, trong khi năm 2010 tại Haiti dịch tả vẫn làm gần 2000 người chết dù rằng y tế Haiti đã được quốc tế hỗ trợ tận tình. Rõ ràng với một đội ngũ thầy thuốc như vậy mà để xảy ra nhiều vụ bê bối, tai biến điều trị là điều hết sức đau lòng.

Hình ảnh người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai

Nhìn lại thì có nhiều ngành cũng từng trải qua những bước thăng trầm. Ngành Nông nghiệp những năm 80 của thế kỷ trước từng có tới 80% lao động cả nước làm nông nghiệp, vậy mà cả nước vẫn thiếu đói triền miên. Tất nhiên lúc đó cũng có những “con sâu” trong ngành nông nghiệp: Những ông chủ nhiệm hợp tác xã tham ô, những ông bà nông dân bỏ mặc cánh đồng chung chỉ chăm chắm cho mảnh ruộng 5% của nhà mình.

Nhưng rõ ràng việc trừng phạt các “con sâu” đó hay tăng cường “Nông dân đức” bằng cuộc vận động xây dựng con người mới trong nông nghiệp thời đó đã không thành công. Chỉ sau khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI thì nông nghiệp nước ta mới có bước đổi mới thần kỳ và ngoạn mục. Từ một nước thiếu lương thực triền miên, nay chúng ta đã trở thành một trong những nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu.

Ngành Thương nghiệp trước đây cũng là một ví dụ. Những ai sống trong thời bao cấp chắc hẳn phải đồng ý rằng các cô mậu dịch viên thời đó cửa quyền, hách dịch gấp vạn lần y bác sỹ bây giờ. Và việc đi xếp hàng mua hàng tem phiếu, gạo sổ còn khổ sở hơn rất nhiều so với việc ngày nay đi khám bệnh. Văn minh thương nghiệp đã được cải thiện không nhờ việc dư luận lên án những cô mậu dịch viên hách dịch hay người dân hành hung ông cửa hàng trưởng mà phải nhờ chính sách của Nhà nước cho thương nghiệp mở cửa.

Rõ ràng cơ chế mới là yếu tố chủ yếu làm thay đổi tâm thế và tác phong phục vụ của một ngành nghề. Cơ chế định giá hàng hóa, thóc gạo “mua như cướp, bán như cho” thời bao cấp tất yếu dẫn đến việc bỏ bê sản xuất của nông dân hay thái độ phục vụ hách dịch cửa quyền của mậu dịch viên thời đó.

Hiện trạng ngành y hiện tại cũng chẳng khác nhiều so với ngành Nông nghiệp, Thương nghiệp trước đây. Qua một thời gian dài được bao cấp về y tế, xã hội đã quen định giá lao động y tế quá thấp. Người dân cũng chen chúc đi khám chữa bệnh và nhiều khi cũng bị đối xử hách dịch, cửa quyền như đi mua hàng thời bao cấp.

Đương nhiên những hành vi sai trái, phi đạo đức trong ngành y cần phải bị xã hội lên án và đấu tranh kiên quyết. Nhưng việc cố gắng giải quyết bằng cách vận động tăng cường y đức hay xử lý nghiêm những đối tượng sai phạm chỉ là giải pháp phần ngọn không thể đem lại hiệu quả lâu dài. Những cách hành xử côn đồ như hành hung nhân viên y tế hay phỉ báng trên các diễn đàn, các mạng xã hội lại càng không bao giờ giải quyết được hiện trạng.

Để giải quyết tận căn cốt cần phải có sự quan tâm sâu sắc hơn nữa của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Các bác sỹ, y tá Việt Nam đang cần lắm một giải pháp tầm cỡ như khoán 10 trong Nông nghiệp để có thể phát huy hết thế mạnh của mình. Khi đó, hy vọng ngành Y tế của chúng ta có những đổi mới toàn diện và vượt bậc như ngành Nông nghiệp đã từng có.

ThS.BS Nguyễn Trung Cấp

Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương

 


Ý kiến của bạn