Nghề Y - nghề đặc biệt có được đãi ngộ đặc biệt?

02-01-2014 16:00 | Tin nóng y tế
google news

Trả lời câu hỏi của bạn đọc báo Tuổi trẻ (Lê Thuyền Duy, 47 tuổi, thuyenduyle@...) về việc sắp tới Bộ Y tế sẽ có những cải cách gì về chế độ lương bổng cho các y, bác sĩ với tình trạng quá tải về bệnh nhân nhưng đãi ngộ tại bệnh viện chưa xứng đáng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ...

Trả lời câu hỏi của bạn đọc báo Tuổi trẻ (Lê Thuyền Duy, 47 tuổi, thuyenduyle@...) về việc sắp tới Bộ Y tế sẽ có những cải cách gì về chế độ lương bổng cho các y, bác sĩ với tình trạng quá tải về bệnh nhân nhưng đãi ngộ tại bệnh viện chưa xứng đáng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ:

Trong tình hình khó khăn chung của đất nước, đời sống của đại đa số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nói chung, của cán bộ, viên chức ngành y tế còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng Đảng và Nhà nước cũng đã quan tâm ban hành nhiều chính sách đãi ngộ cán bộ, công chức viên chức và người lao động làm việc trọng những lĩnh vực đặc thù.

 

Theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì chỉ có 1 bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, do đó tất cả viên chức có trình độ như nhau, đều xếp cùng vào một ngạch lương. Còn đặc thù của các ngành nghề, các chuyên khoa được thực hiện bằng các chế độ phụ cấp như: Phụ cấp độc hại, phụ cấp ưu đãi theo nghề...

Chế độ chính sách đối với cán bộ, viên chức ngành y tế là một trong những yếu tố góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Do đó Bộ Y tế luôn chú trọng đến công tác nghiên cứu, đề xuất các chế độ chính sách của Ngành, cụ thể, công chức, viên chức ngành y tế, ngoài các chế độ chung, còn được hưởng các chế độ phụ cấp sau:

1. Chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập với mức phụ cấp từ 20% đến 70 % mức lương hiện hưởng (Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011)

2. Chế độ phụ cấp độc hại đối với công chức, viên chức ngành y tế (Công văn số 6608/BYT-TCCB ngày 22/8/2005)

3. Chế độ phụ cấp đối với cán bộ, viên chức làm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung cao cấp của Đảng và Nhà nước, với mức phụ cấp đặc thù từ 1 đến 3 lần lương tối thiểu (Quyết định số 46/2009/QĐ-TTg).

4. Chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định 64/2009/NĐ-CP

5. Chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản với mức phụ cấp 0,5 và 0,3 mức lương tối thiểu (Quyết định 75/2009/QĐ-TTg)

6. Chế độ phụ cấp đặc thù của y tế (phụ cấp thường trực, phẫu thuật, chống dịch).

Bộ Y tế đã và đang đề nghị công chức, viên chức ngành y tế được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề, theo tinh thần Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã chỉ rõ "nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt" và "Xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, nhân viên y tế; thực hiện chế độ đãi ngộ đối với người thầy thuốc tương đương như với người thầy giáo".

VN mới thoát khỏi nước thu nhập thấp. Lương khởi điểm thấp, sau khi trừ các khoản, còn rất thấp. Đối với ngành y, điều đó là thiệt thòi. Ngành y thi vào khó nhất, học dài nhất 6 năm (kèm theo 8 tháng để có chứng chỉ hành nghề). Ngành khác đã lên lương thì y tế mới ra trường. Lại làm việc trong môi trường thách thức quá cao. Xây nhà hỏng có thể đập đi xây lại, nhưng ngành y thì không. Môi trường áp lực, tiếp xúc nhiều với khóc than, người bệnh, người nhà... Chế độ trực đêm thường xuyên trong khi ngày hôm sau vẫn làm.

Buổi khám có khi 100 người, lao động cật lực. Ngành y tế cũng đã có nhiều giải pháp. Trước mắt, đã có phụ cấp ưu đãi nghề (20-70%). Thứ hai là phụ cấp thu hút (vùng đặc biệt khó khăn, phụ cấp 50%). Thứ ba: phụ cấp đi vào ổ dịch.

Tiền trực đêm tăng lên từ 10.000 lên 40.000 đối với trạm y tế xã, 35.000 lên 105.000  đối với bệnh viện hạng 2; 45.000 lên 130.000 đối với BV hạng 1, đặc biệt. Bộ Y tế cũng đã đề nghị nâng lương khởi điểm và đề nghị phụ cấp thâm niên. Tại các nước khác, 2 ngành cao nhất là y và luật. Thứ nữa, đó là giải pháp căn cơ (đã thành nghị quyết của Đảng, của QH kỳ họp 6), đó là giá phải tính đủ. Hi vọng rằng khi đó lương ngành y sẽ nâng cao.

Giải pháp tạm thời: bác sĩ công lập có thể mở phòng khám cùng ngành nghề chuyên khoa để có nguồn thu nhập bổ sung ngoài lương, là động lực tái tạo chất xám.

Nguồn: Tuổi trẻ


Ý kiến của bạn