Nghề y là nghiệp, ngành y là… ân nhân

05-08-2014 05:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Từng là người bệnh trong một ca tai biến sản khoa thành công nổi tiếng, chị lại tiếp bước với nghề y tại huyện đảo Phú Quốc

Trong một lần tác nghiệp tại BV Nhi Đồng 2 TPHCM, chúng tôi tình cờ gặp lại BS. Đặng Thị Nguyệt - bệnh nhân đặc biệt của một ca cấp cứu tai biến sản khoa thành công “nổi tiếng” vào năm 2007. Bệnh nhân Nguyệt ngày ấy giờ đã là bà mẹ của 2 đứa con và đang tiếp tục theo đuổi cái nghiệp Y khoa trong chương trình đào tạo BS.CKI tại TP.HCM.

Ký ức về một lần đứng trước lằn ranh sinh tử

Trò chuyện cùng chúng tôi tại Ký túc xá Trường ĐHYD TP.HCM về ca cấp cứu năm xưa, BS. Nguyệt như còn nguyên những cảm xúc, xúc động khi nhắc về những người Thầy, những bác sĩ đồng nghiệp đã tận lực đưa chị “trở về từ cõi chết”.

Sau ca cấp cứu, với tâm thế hoàn toàn của một người bệnh, tôi xúc động nói với BS. Việt: “Em cám ơn thầy nhiều lắm!” và BS. Việt đã nói với tôi rằng: “Em đừng cám ơn thầy bởi đây là bổn phận của thầy thuốc đối với một bệnh nhân. Sau này cũng vậy, đó cũng là bổn phận, trách nhiệm của em đối với những người bệnh mà em chăm sóc, điều trị”. Tôi coi đây như một kim chỉ nam cho tôi sống và làm việc sau này.

BS. Đặng Thị Nguyệt

“Dù rất tích cực điều trị nhưng phải thú thật chúng tôi cũng bất ngờ về khả năng hồi phục của bệnh nhân lại được tốt như vậy. Có lẽ nghị lực phi thường của người mẹ đã giúp chị Nguyệt bình phục nhanh chóng và vượt qua cả những biến chứng về sau. Đáng mừng hơn, chị Nguyệt đã quay trở lại công tác và là một BS trẻ năng động, nhiệt tình được đồng nghiệp và bệnh nhân yêu mến”.

TS.BS. Đỗ Quốc Huy

PGĐ BV. Nhân dân 115

Chị Nguyệt kể: “29 tuổi, tôi có thai con đầu lòng, nhưng khi chuyển dạ không thể sinh thường. Các đồng nghiệp tại BV. Phú Quốc quyết định cho tôi sinh mổ. Ngày 24/1, năm ấy sẽ là ngày tôi nhớ mãi vì đã “trải nghiệm” một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm và vượt qua được một tình trạng bệnh lý nặng nề tưởng như không thể hồi phục”. Theo hồ sơ bệnh án, sau khi đưa chị Nguyệt lên bàn mổ của khoa Sản BV. Phú Quốc, êkíp phẫu thuật chỉ vừa mới chọc kim và bơm thuốc gây tê tủy sống thì ngay lập tức tim chị cũng ngừng đập. Các BS xác định chị bị sốc phản vệ với nguy cơ tử vong nhanh chóng. Ngay lập tức, kíp mổ chia thành hai nhóm, một nhóm mổ lấy thai để cứu con, nhóm còn lại xoa bóp tim để hồi sinh tim phổi. Đồng thời gọi điện lên BV. Từ Dũ TP.HCM và BV. đa khoa Kiên Giang để xin hỗ trợ. Một kíp y-bác sĩ do BS. Trương Quốc Việt, trưởng khoa Gây mê hồi sức BV. Từ Dũ và một kíp khác do BS. khoa Hồi sức cấp cứu BV. Kiên Giang, bay ngay ra Phú Quốc. “Lúc đó tôi có đến vài lần tim ngừng đập và khi đến BV. Đa khoa Kiên Giang thì đã trong tình trạng suy gan, suy thận, suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thần kinh (hôn mê sâu) và rối loạn đông máu. Với bệnh cảnh này, tỉ lệ tử vong có thể lên tới 100% và thực tế là 4 ca bệnh khác tương tự trước năm 2007 cũng đã không cứu được”, BS. Nguyệt nhớ lại.

BS. Nguyệt tâm sự có lẽ chị may mắn khi được áp dụng ngay phương pháp điều trị tiến bộ lúc bấy giờ là lọc máu liên tục mà BV. Kiên Giang đang được TS.BS. Đỗ Quốc Huy (lúc bấy giờ là BS. Trưởng khoa cấp cứu BV. Nhân dân 115), cùng đoàn y - bác sĩ của khoa Hồi sức tích cực BV. Nhân dân 115 TP.HCM đến chuyển giao kỹ thuật. “Qua 3 ngày lọc máu liên tục, tôi có thể mở mắt, cử động tay chân được. Tuy nhiên, khi qua siêu âm, các bác sĩ phát hiện bất thường trong tử cung nên sau khi hội chẩn, tôi được chuyển lên BV. Từ Dũ để điều trị. Chỉ sau 1 ngày nằm tại BV. Từ Dũ, bệnh lại trở nặng, tôi bị khó thở suy hô hấp trở lại và như một “căn duyên”, TS.BS. Đỗ Quốc Huy sau khi được mời sang hội chẩn đã “xin” nhận bệnh nhân về BV. Nhân Dân 115 để áp dụng các phương pháp điều trị tích cực. Phép màu đã đến khi đến ngày thứ 2, tôi đã tỉnh lại và có thể cai máy thở, sau đó được ôm đứa con đầu lòng sau gần 20 ngày sinh cháu. Lúc ấy, tôi đã khóc rất nhiều vì hạnh phúc...”.

Nguyện ước cống hiến cả đời cho y tế đảo xa

Bản thân là một BS trẻ của BV. Phú Quốc (chuyên khoa Nội tổng quát), BS. Nguyệt cho biết, chị cảm nhận được một tình cảm lớn lao của những người đồng nghiệp, những người thầy thuốc, từ những đồng nghiệp của BV. Phú Quốc, BV. Kiên Giang đến các BS BV. Phụ sản Từ Dũ , BV. Nhân Dân 115... khi cấp cứu, điều trị cho một bệnh nhân như chị. “Bệnh nhân” Nguyệt khi vừa hết thời gian nghỉ thai sản đã nhiệt tình xin tham gia công tác ngay, mặc dù sức khỏe hồi phục chưa hoàn toàn vì cuối năm 2007, đảo Phú Quốc xảy ra một trận dịch sốt xuất huyết rất lớn, dịch lên tới đỉnh, “lôi” chị từ nhà đến bệnh viện “trực chiến”.

Hoạt động hiến máu tình nguyện tại huyện đảo Phú Quốc
Hoạt động hiến máu tình nguyện tại huyện đảo Phú Quốc

Sau “chọn lựa” của 12 năm trước, ngày tốt nghiệp ĐHYD TP.HCM, chị đã không ngần ngại trở về đảo Phú Quốc công tác. Sau 12 năm chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho những công dân, trẻ em ở đảo xa, tháng 9/2013 chị lại tiếp tục khăn gói lên TP.HCM theo học BS CKI nhằm nâng cao trình độ chuyên môn về phục vụ dân đảo. “Tuy chương trình học kéo dài có 2 năm nhưng chồng, gia đình và các con cũng phải chịu nhiều thiệt thòi khi mẹ lại quyết định đi học xa nhà”, BS. Nguyệt hoe hoe khóe mắt. 12 năm gắn bó với ngành, với BV. Phú Quốc, chị càng quyết tâm theo đuổi và quyết định phải học lên nữa để nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân huyện đảo. Chị nói: “Chúng tôi cảm thấy có lỗi khi những ca bệnh nặng, những cháu bé sinh non tháng không thể cứu được hay phải thường xuyên chuyển lên tuyến trên. Trong khi chỉ cần có phương tiện và nhân lực đầy đủ, bệnh nhân huyện đảo sẽ không phải chịu nhiều thiệt thòi như thế!”.

Tâm sự về điều kiện công tác ở một huyện đảo cách xa đất liền, mặc dù thiếu đủ mọi điều kiện nhưng BS. Nguyệt cùng các đồng nghiệp tại đơn vị đã làm mọi cách để có thể học tập. Vừa qua, BV. Phú Quốc đã được nâng lên hạng 2 nhưng điều kiện cơ sở vật chất và nhân sự vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Chị mong ước sẽ gắn bó và ngày càng thấy BV, Y tế tại huyện đảo Phú Quốc được đầu tư, phát triển để có thể chữa bệnh và chăm sóc cho nhân dân huyện đảo ngày càng tốt hơn.

Kể về gia đình hiện tại, BS. Nguyệt cho biết, ông xã chị cũng ủng hộ chị đi học và đảm nhận vai trò “làm mẹ”, ở nhà vừa giảng dạy (anh là giáo viên cũng đang công tác tại một trường cấp III trên đảo), vừa chăm sóc hai con là cháu Gia Văn đã 7 tuổi và đang học lớp 1 và Đăng Khoa 3 tuổi. “Hai cháu đều khỏe mạnh và rất hiếu động. Mỗi lần nghe chúng í ới nói chuyện với mẹ qua điện thoại, nói mẹ học giỏi để về với bố, với chúng con mình lại ứa nước mắt, chỉ muốn chạy về với con ngay. Sau những lúc như thế, tôi lại như có thêm động lực để học tập, làm việc. Mỗi hai tuần hay một tháng được nghỉ, đáp xe đò, lên tàu về đảo là quãng thời gian hạnh phúc, quý giá với tôi và cả gia đình nhỏ của mình rồi!”.

Tuân Nguyễn


Ý kiến của bạn