Hà Nội

Nghề y không phải là một phương tiện thương mại

15-03-2014 07:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngành y tế đã ban hành quy định 12 điều y đức, quy tắc ứng xử... nhưng có lẽ điều cốt lõi nhất phải xuất phát từ lời thề của người thầy thuốc khi ra trường. Ngoài lời thề Hippocrates là y tổ của thế giới, các điều căn dặn của Hải Thượng Lãn Ông là y tổ của Việt Nam

Sau khi thi đỗ tú tài phần hai, ban A năm 1969, tôi có 1 năm học để lấy chứng chỉ dự bị y khoa do Trường đại học Khoa học cấp, tôi nộp đơn và thi đỗ vào Trường đại học Y khoa Huế (nay là Trường đại học Y dược Huế). Đất nước được giải phóng, tôi đang học năm thứ năm, sau đó tiếp tục học thêm 2 năm nữa và ra trường để nhận nhiệm vụ công tác.

Mặc dù được đào tạo bác sĩ đa khoa nhưng bản thân lại ưa thích ngành ngoại sản nên đã cố gắng sắp xếp thời gian học hỏi, thực hành nhiều với sự dạy bảo của các thầy chuyên khoa mà tôi rất quý trọng như thầy Lê Xuân Công, Đỗ Như Đài, Nguyễn Văn Tự, Lê Viết Kiểu... Tuy vậy, khi ra trường, tôi không được bố trí công tác tại hệ điều trị, khám chữa bệnh mà được tổ chức phân công nhận nhiệm vụ tại hệ y tế dự phòng; chuyên ngành phòng chống bệnh sốt rét, các bệnh ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh tại một viện nghiên cứu mới thành lập ở Quy Nhơn.

 

Các thầy thuốc y tế dự phòng luôn thầm lặng cống hiến vì cộng đồng

Các thầy thuốc y tế dự phòng luôn thầm lặng cống hiến vì cộng đồng

 

Theo quan niệm cũ, một người thi đỗ vào trường y là niềm hãnh diện lớn lao của ông bà, cha mẹ, anh chị em và cả họ hàng “nhất y nhì dược”. Bác sĩ là những người có trí thức, có địa vị xã hội được tôn vinh, quý trọng; sẽ có sự giàu sang, phú quý, vợ đẹp, con ngoan, nhà lầu, xe hơi, cuộc sống ấm no, đầy đủ... do nghề nghiệp mang lại. Quan niệm này làm cho xã hội và người vào học ở trường y nghĩ rằng đã là bác sĩ thì phải giàu có, không chấp nhận làm nghề bác sĩ mà phải chịu cảnh khó khăn, nghèo khổ. Để xã hội hóa công tác y tế, Nhà nước đã cho phép hành nghề y dược tư nhân, các bác sĩ có thể mở phòng khám chữa bệnh ngoài giờ để tăng thêm thu nhập chính đáng ngoài đồng tiền lương được Nhà nước chi trả còn hạn chế. Tuy nhiên, phòng khám chữa bệnh ngoài giờ có phải bác sĩ nào cũng có thể mở được đâu vì bắt buộc phải có đủ các điều kiện cần thiết. Hơn nữa, phòng khám chữa bệnh ngoài giờ chủ yếu do các bác sĩ hệ điều trị thực hiện, còn bác sĩ hệ dự phòng sẽ gặp khá nhiều hạn chế, khó triển khai được. Đây là một vấn đề khác biệt, chênh lệch của các đồng nghiệp giữa hai hệ này nên sinh viên y khoa thường chọn học các ngành thuộc hệ điều trị nhiều hơn là ngành y tế dự phòng.

Khi vào năm thứ nhất trường y, tôi và các bạn cùng lớp đã được thầy Bùi Duy Tâm - nguyên Khoa trưởng (bây giờ gọi là hiệu trưởng) lên lớp ngay từ buổi học đầu với nội dung gần giống như “tiên học lễ, hậu học văn”. Lời tuyên thệ của người thầy thuốc khi ra trường phải được sinh viên năm thứ nhất học thuộc lòng mặc dù nội dung này được đọc lại sau đó 6 năm trong buổi lễ tốt nghiệp. Đã mấy chục năm qua nhưng tôi vẫn còn nhớ và thấy thấm thía nội dung thứ nhất trong 5 nội dung của lời tuyên thệ là “Coi nghề thầy thuốc mà tôi đã tự chọn như là một con đường cứu người giúp đời chứ không xem như một phương tiện thương mại” từ ngày đầu mới bước vào cổng trường y. Như vậy, vấn đề y đức bắt đầu được giáo dục, rèn luyện từ đây sau khi tôi được học tập, trang bị hiểu biết những điều cơ bản của đạo đức con người từ môn học đức dục và công dân giáo dục hồi còn học ở bậc tiểu học.

Cho đến ngày nghỉ công tác theo chế độ quy định, nhìn lại cả một quá trình làm việc; nhìn lại bạn bè, đồng nghiệp, anh chị em..., tôi vẫn giữ được nếp người thầy thuốc. Tôi không có phòng khám chữa bệnh ngoài giờ vì không có duyên cơ, không xem nghề thầy thuốc là một phương tiện thương mại vì bản thân là bác sĩ của ngành y tế cộng đồng, không cứu chữa trực tiếp cho một vài bệnh nhân nhưng đã phòng bệnh được cho rất nhiều người, đặc biệt là người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng cao, miền núi. Một số bạn bè, đồng nghiệp với nhà cao, cửa rộng, ôtô, xe máy sang trọng... Mặc dù tôi không bằng họ nhưng vẫn hãnh diện và lương tâm thanh thản.

Vẫn biết rằng một cuộc sống đầy đủ hơn về vật chất luôn là nguyện vọng chính đáng không của riêng ai. Vật chất luôn là điều kiện giúp cho mỗi người yên tâm công tác, cống hiến nhiều hơn nhưng không nên có nó bằng mọi giá, không nên sử dụng nghề y như một phương tiện thương mại.Ngành y tế đã ban hành quy định 12 điều y đức, quy tắc ứng xử... nhưng có lẽ điều cốt lõi nhất phải xuất phát từ lời thề của người thầy thuốc khi ra trường. Ngoài lời thề Hippocrates là y tổ của thế giới, các điều căn dặn của Hải Thượng Lãn Ông là y tổ của Việt Nam; nên chăng các bác sĩ ra trường tại nước ta cần phải có một lời tuyên thệ riêng khi tốt nghiệp vì đó là một lời thề danh dự, có giá trị thiêng liêng và đạo đức đối với xã hội ta đang sống.

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh

(nguyên Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng tỉnh Thừa Thiên Huế)   

 

 

 

 


Ý kiến của bạn