Hà Nội

Nghề y: Đi bằng cái đầu, không đi bằng đôi chân

02-08-2014 05:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Nghề y là một nghề cao quý với trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng người dân.

Nghề y là một nghề cao quý với trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng người dân. Thầy thuốc hệ điều trị làm nhiệm vụ khám chữa bệnh, thầy thuốc hệ dự phòng làm nhiệm vụ phòng bệnh. Mặc dù khi học tập, tôi ưa thích hệ điều trị, chuyên ngành ngoại sản nhưng khi ra trường không có cơ may phục vụ theo mong ước của mình. Được phân công, tôi nhận nhiệm vụ hệ dự phòng, chuyên ngành phòng chống bệnh sốt rét, các bệnh ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh. Bác sĩ đa khoa là nghề được đào tạo và nghiệp y tế dự phòng đã gắn bó suốt 34 năm công tác trong thực hành y nghiệp của tôi.

 Cán bộ y tế dự phòng hướng dẫn người dân phòng bệnh.

Có lẽ thực tế khi thi đỗ vào trường y không phải chuyên ngành y tế cộng đồng, hầu hết sinh viên y khoa đều muốn được đào tạo thành bác sĩ đa khoa để phục vụ ở hệ điều trị vì hiệu quả công việc được thể hiện cụ thể, lợi ích trước mắt rất rõ ràng. Ngành dự phòng đã đón nhận tôi làm nhiệm vụ thường xuyên lưu động đến vùng sâu, vùng xa, vùng cao, miền núi và biên giới, nơi có bệnh sốt rét lưu hành để phòng chống sốt rét cho cộng đồng người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, sinh hoạt... còn thiệt thòi và gặp rất nhiều khó khăn.

Mặc dù cơ quan đóng ở thành phố nhưng địa bàn hoạt động là vùng sốt rét lưu hành. Tôi và đồng nghiệp phải thường xuyên lưu động về các cơ sở có cộng đồng người dân đang sinh sống trong những điều kiện khó khăn nhưng phải chịu hậu quả nặng nề của căn bệnh sốt rét hoành hành làm cho nhiều người bị suy giảm sức khỏe với những trường hợp tử vong thật đáng tiếc. Địa bàn công tác thường ở vùng xa xôi, hẻo lánh; giao thông hạn chế, phương tiện đi lại chủ yếu là đi bộ theo những đường mòn với ba lô, túi xách mang đồ dùng cá nhân, dụng cụ chuyên môn, thuốc men... nhưng luôn có dấu chân của các thầy thuốc. Trên đoạn đường công tác đến với thôn bản xa xôi phải mất nhiều giờ đi bộ, đường đi khó khăn, dưới trời nắng nóng, phải lội qua khe suối; có khi bụng đói, khát nước... nhưng chúng tôi đã quen dần và có tính miễn dịch để hoàn thành nhiệm vụ.

Trong quá trình công tác, tôi còn nhớ mãi lần đầu tiên đi bộ với ba lô mang trên vai cùng với đồng nghiệp trên đoạn đường dài 80 cây số từ huyện vùng cao, biên giới A Lưới về TP. Huế. Vào thời điểm này, từ Huế, muốn lên được A Lưới phải đi bằng xe tải chở khách ra Đông Hà, lên Quốc lộ 9 đi Hướng Hóa, Quảng Trị, gặp cầu treo Đăkrông rẽ vào Quốc lộ 14 (nay là đường Hồ Chí Minh) với đoạn đường dài khoảng 250km, sáng đi sớm, chiều mới đến nơi. Đây cũng là lộ trình ngược lại nếu muốn di chuyển bằng xe cơ giới. Xe tải chở khách ngồi bệt dưới sàn, hai ngày có một chuyến, nhu cầu người đi lại nhiều nên không dễ dàng mua được vé. Trong khi đó, tỉnh lộ 14B (nay là Quốc lộ 49) nối A Lưới với Huế là đường nhỏ gồ ghề, trước đây chủ yếu chỉ đi bộ, xe ôtô không chạy được, xe máy thì còn hiếm nên giao thông đi lại chính vẫn là con đường đi vòng ra Đông Hà, Quảng Trị. Ôtô cơ quan thời đó khó khăn, đi xa phải tốn kém nhiều nên phải dựa vào xe khách. Trong đợt công tác dài ngày tại A Lưới cùng với các đồng nghiệp, khi về không mua được vé xe, chờ đợi cho có xe thì quá lâu nên chúng tôi quyết định đi bộ từ A Lưới về Huế sau khi tham khảo ý kiến của các anh ở phòng y tế huyện là người dân tộc Pakô tại đây. Họ nói với chúng tôi rằng thỉnh thoảng vẫn đi bộ từ huyện về thành phố và ngược lại khi không đi được bằng xe ôtô. Như vậy, chúng tôi quyết định đi bộ về nhà theo con đường này, xuất phát từ sáng sớm ngày trước với ba lô trên vai đi bộ suốt ngày đêm, đem theo mỗi người một gói xôi và bi đông nước, chỉ dừng lại nghỉ một lát nếu quá mệt mỏi, khi uống hết nước mang theo phải uống ngay cả nước suối. Sáng ngày hôm sau, chúng tôi về được đến Huế trong tình trạng sức khỏe suy giảm, đôi chân sưng đau và tụ máu... Trên đoạn đường dài 80 cây số đi bộ đường rừng núi, để có ý chí vượt qua, chúng tôi động viên nhau bằng câu thơ: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Có người trong nhóm đồng nghiệp nản lòng vì quá mệt mỏi, tôi cũng mệt mỏi như họ nhưng đã phải nói: “Các anh đi bộ là phải đi giống như bộ đội Trường Sơn trong cuộc kháng chiến cứu nước”. Một đồng nghiệp hỏi: “Thế thì đi như thế nào?”. Tôi chỉ vào đầu và nói: “Đi bằng cái đầu, không đi bằng đôi chân”. Cả nhóm đã hiểu nên hoàn thành lộ trình đi bộ như đã định. Trong suốt quá trình công tác, người làm y tế dự phòng phải thường xuyên lưu động về cơ sở để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng đã vượt qua mọi khó khăn, trở lực bằng ý chí, nghị lực từ nghĩa bóng của câu nói này.

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh


Ý kiến của bạn