Nghe Xẩm Hà thành trong ngày giỗ tổ nghề hát xẩm

24-03-2014 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ngày 22/2 âm lịch năm nay cũng tròn 1 năm 1 tháng 1 ngày giỗ nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, nhóm xẩm Hà thành - thành viên của Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy âm nhạc dân tộc đã tổ chức một chương trình mang tên Xẩm Hà Thành,

Ngày 22/2 âm lịch năm nay cũng tròn 1 năm 1 tháng 1 ngày giỗ nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, nhóm xẩm Hà thành - thành viên của Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy âm nhạc dân tộc đã tổ chức một chương trình mang tên Xẩm Hà Thành, kỷ niệm giỗ tổ nghề hát xẩm và tưởng nhớ 1 năm ngày mất nghệ nhân Hà Thị Cầu tại đình Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội.

Các nghệ sĩ cất tiếng hát để tri ân tổ nghề. Ảnh: VĐ

Lễ giỗ tổ nghề được thực hiện hàng năm từ năm 2008 đã được phục dựng theo nguyện ước: “Trước khi chết mong một lần thấy lại lễ giỗ tổ nghề” của nghệ nhân Hà Thị Cầu. Rất hay lễ giỗ tổ nghề đã hồi sinh tại Văn Miếu  Quốc Tử Giám, Hà Nội để lần đó là lần duy nhất nghệ nhân Hà Thị Cầu được tham dự lễ giỗ tổ nghề sau phục dựng.

Tới dự Xẩm Hà thành có Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên; Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc; Giáo sư Vũ Khiêu, học giả nổi tiếng nghiên cứu về văn hóa Việt Nam. Giáo sư Vũ Khiêu dù tuổi cao, nhà xa vẫn đến tham dự buổi biểu diễn và đã nói trong sự xúc động: “Tôi hết sức xúc động khi thấy mọi người đến đông đủ. Hồi tôi ít tuổi, tôi nghe xẩm suốt ngày. Ngoài chợ, tàu điện... Tất cả các nơi đều có xẩm. Tiếng hát xẩm đã đi vào lòng tôi. Nhưng cảm giác đã rất lâu rồi nó bị bỏ quên. May còn cụ Hà Thị Cầu, may còn có Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hoá dân tộc... Mong mọi người hãy luôn phát huy những việc làm rất cao quý với tiếng hát xẩm của chúng ta...”.

Các nghệ sĩ hát xẩm trong ngày giỗ tổ.

Năm nay, lễ giỗ tổ nghề có sự tham gia của những thành viên chính:  Nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa - gần 20 năm theo học nghệ nhân Hà Thị Cầu và là người đầu tiên hát điệu Xẩm Tàu điện khi làn điệu này hồi sinh và các thành viên chính của nhóm, những người đều được sinh ra và lớn lên tại các địa phương và gia đình có truyền thống âm nhạc, được đào tạo bài bản và có niềm đam mê nhạc truyền thống. Trong đó, Nguyễn Quang Long, Mai Tuyết Hoa, Khương Cường may mắn được tham gia dự án phục hồi nghệ thuật hát xẩm cùng các bậc tiền bối ngay từ những ngày đầu. Năm nay còn có sự góp giọng của một vài học viên lớp học trong dự án đào tạo hát xẩm của Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Những nhà quản lý đình Kim Liên cũng tỏ ra rất phấn khởi và mong muốn từ năm nay, lễ giỗ tổ nghề hát xẩm sẽ được tổ chức thường xuyên tại đình Kim Liên.

Bài, ảnh: Tuyết Lan

Theo truyền thuyết, thái tử con vua Trần tên Trần Quốc Đĩnh bị hãm hại tới mù mắt và bị bỏ rơi giữa chốn rừng sâu núi thẳm. Hai mắt mù lòa, Trần Quốc Đĩnh chỉ biết khóc than và ngủ thiếp đi. Trong mơ, Bụt hiện ra dạy cho ông cách làm một cây đàn với dây đàn làm bằng dây rừng và gẩy bằng que nứa. Tỉnh dậy, Thái tử mò mẫm làm cây đàn theo lời Bụt dạy và thật lạ kỳ, cây đàn vang lên những âm thanh rất hay. Sau đó, những người đi rừng nghe tiếng đàn đã tìm thấy và đưa ông về. Trần Quốc Đĩnh dạy đàn cho những người nghèo, người khiếm thị để họ có nghề kiếm sống. Hát xẩm đã ra đời từ đó và Trần Quốc Đĩnh được suy tôn là ông tổ nghề hát xẩm nói riêng cũng như hát xướng dân gian Việt Nam nói chung. Người dân lấy ngày 22/2 âm lịch làm ngày giỗ ông tổ nghề hát xẩm!

 


Ý kiến của bạn