Hà Nội

Nghệ vàng với hai vị thuốc khương hoàng và uất kim

29-09-2019 07:00 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Nghệ vàng cung cấp 2 vị thuốc khương hoàng và uất kim có tính chất thuốc khác nhau, cần phân biệt rõ

Nghệ vàng - một cây dược liệu dễ tìm vì được trồng nhiều ở các vườn gia đình. Nghệ vàng có tên khoa học Curcuma longa L. thuộc họ gừng (Zingiberaceae). Nghệ vàng cung cấp 2 vị thuốc khương hoàng và uất kim có tính chất thuốc khác nhau, cần phân biệt rõ; vì một số tài liệu của Việt Nam đã gộp chung khương hoàng và uất kim trong một tên khoa học Rhizoma Curcumae longae với cùng tính vị, quy kinh; công năng, chủ trị; cách dùng và liều lượng hoặc gộp chung trong nhóm thuốc hoạt huyết khử ứ.

Thân rễ nghệ vàng (thường gọi củ nghệ vàng) có tên dược liệu khương hoàng (Rhizoma Curcumae longae).

Tính ấm (ôn); vị cay (tân), đắng (khổ); vào các đường kinh Tỳ và Can.

Công năng: hành khí, phá huyết, chỉ thống sinh cơ.

Chủ trị: Kinh nguyệt không đều, bế kinh, đau tức sườn ngực, khó thở. Phụ nữ đau bụng sau đẻ do sản dịch chưa sạch; kết hòn cục (trưng hà) hoặc ứ huyết do sang chấn (tụ máu do chấn thương); viêm loét dạ dày, vết thương lâu liền miệng.

Liều lượng: Ngày dùng 6 - 12g. Dạng thuốc sắc hoặc bột. Dùng ngoài dưới dạng dịch tươi bôi vào vết thương để chóng lên da non.

Nghệ vàng với hai vị thuốc khương hoàng và uất kimUất kim là phần rễ phình ra thành củ của cây nghệ vàng.

Rễ nghệ, tên dược liệu uất kim (Radix Curcumae longae).

Tính lạnh (hàn); vị cay, đắng; vào các đường kinh Can, Tâm và Phế.

Công năng: Hành khí hóa ứ; thanh tâm giải uất; lợi mật hết hoàng đản.

Chủ trị: Bế kinh, thống kinh; ngực bụng trướng đau; đau như kim chích; hôn mê nông do bệnh nhiệt; phát cuồng, điên giản; hoàng đản, nước tiểu đỏ.

Liều lượng:  3 - 9g/ngày.

Thầy thuốc lựa chọn đúng tính chất của thuốc thích ứng với bệnh, sẽ quyết định hiệu quả trong điều trị. Cụ thể tính chất của thuốc gồm 4 loại (tứ khí):

Hàn (lạnh), nhiệt (nóng), ôn (ấm) và lương (mát).

Các vị thuốc lạnh, mát thuộc âm; gọi là âm dược.

Các vị thuốc nóng, ấm thuộc dương; gọi là dương dược.

Âm dược dùng chữa các chứng bệnh nóng, ấm.

Dương dược dùng chữa chứng bệnh lạnh, mát.

Ngoài ra còn có những vị thuốc có tính bình, dùng được cho cả triệu chứng bệnh nóng và lạnh.

Cụ thể: Khương hoàng (củ nghệ vàng) là gia vị phổ biến để nấu các món ăn: Mì Quảng; cá kho; lòng heo xào nghệ... Những món ăn truyền thống này đã giúp cơ thể người chịu đựng được thời tiết lạnh giá; phòng chống được bệnh cảm mạo do lạnh; các chứng đau nhức cơ thể do phong, hàn và thấp... Nhưng nếu vẫn dùng củ nghệ vàng (tính ấm) để gia vị thức ăn vào cả mùa hè (nắng nóng) là một thói quen không lợi cho sức khỏe.

Đau dạ dày (vị quản thống) thể tỳ vị hư hàn với các triệu chứng đau lâm râm vùng thượng vị, thích nóng, sợ lạnh; thời tiết nóng hay chườm nóng thì giảm đau, gặp lạnh đau tăng, ấn vào dễ chịu, nôn ra nước trong, người mỏi mệt; rêu lưỡi trắng mỏng; mạch hư trì. Việc dùng bột khương hoàng để điều trị sẽ thu được hiệu quả rất cao (Tỳ vị hư hàn sẽ được tính ấm của khương hoàng giúp phục hồi).

Nhưng nếu đau dạ dày do tỳ vị âm hư với các triệu chứng vùng thượng vị đau có cảm giác nóng rát; người bứt rứt; miệng ráo họng khô, khát đòi uống nước; ăn kém; đi tiêu phân khô; lưỡi đỏ, ít rêu; mạch tế sác hoặc tế huyền. Nếu vẫn dùng khương hoàng để điều trị thì bệnh sẽ nặng thêm (âm hư đã nội nhiệt, gặp tính ấm của khương hoàng thêm tác hại, như kinh điển đã nêu).



Tâm trạng u uất; uất ban đầu làm khí trệ đọng, uất lâu dài hóa hỏa. Trường hợp này, không dùng khương hoàng có tính ấm để điều trị; chỉ thích hợp với uất kim có tính lạnh (Có lẽ chính vì vậy được liệu được gọi tên uất kim. Dược liệu quý như vàng để chữa uất).

Suy nghĩ uất ức, lâu ngày sinh đàm thấp; đàm thấp bức bách cổ họng dẫn đến có cảm giác như có hạt mơ vướng mắc trong cổ họng; nhưng không thể khạc ra hoặc nuốt xuống. Đông y gọi là mai hạch khí.

Chủ chứng: Khí nghịch làm họng vướng mắc, cảm giác trong họng có vật làm nghẽn, không thể nuốt xuống hoặc khạc ra; ngực buồn nôn; rêu lưỡi trắng trơn; mạch huyền hoạt.

Chẩn đoán: Đàm kết do uất ức

Phép chữa: Lý khí hóa đàm

Bài thuốc: Bán hạ hậu phác thang gia vị: bán hạ chế 10g, hậu phác 6g, phục linh 15g, chỉ xác 6g, uất kim 10g, tô diệp 10g, cát cánh  9g, huyền sâm 12g. Sắc uống.

Thầy thuốc cần phân biệt rõ sự khác nhau về tính chất của hai vị thuốc khương hoàng vị cay, đắng  tính ấm; vào 2 đường kinh Tỳ và Can.

Uất kim vị cay, đắng; tính lạnh; vào 3 đường kinh Can, Tâm và Phế; để khi dùng điều trị đạt được hiệu quả cao; đặc biệt cần lưu tâm đến tác dụng thanh tâm giải uất  làm mát tim, cởi bỏ uất của vị thuốc uất kim.


Lương y Nguyễn Ngữ
Ý kiến của bạn