Nghề truyền thống... truyền bệnh!

05-09-2008 16:31 | Thời sự
google news

Mặc dù đã được công nhận là làng nghề sản xuất bánh kẹo truyền thống (làng nghề La Phù, Hoài Đức, Hà Nội), tuy nhiên được tận mắt chứng kiến công nghệ và phương pháp sản xuất bánh kẹo tại đây khiến không ít người tiêu dùng phải giật mình.

Mặc dù đã được công nhận là làng nghề sản xuất bánh kẹo truyền thống (làng nghề La Phù, Hoài Đức, Hà Nội), tuy nhiên được tận mắt chứng kiến công nghệ và phương pháp sản xuất bánh kẹo tại đây khiến không ít người tiêu dùng phải giật mình.

 
Hãi hùng... nghề làm bánh

Theo chân đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSTP huyện Hoài Đức, chúng tôi có mặt tại cơ sở sản xuất bánh Trung thu Thanh Vân ở xóm Tiền Phong, thoạt nhìn qua khuôn viên và khung cảnh trong xưởng sản xuất cũng đủ thấy hãi hùng. Bên cạnh mương nước đen sì, xưởng sản xuất bánh là gian nhà cấp 4 ẩm thấp, nhếch nhác, bày ngổn ngang những đồ dùng, dụng cụ sản xuất bẩn thỉu, mất vệ sinh. Không chỉ vậy, bên cạnh khu lò nướng thủ công chất đầy củi than là những chậu nước đường đã nổi váng, không đậy nắp, những thùng nhựa đựng đầy một thứ dung dịch xanh lè vẫn được dùng để tạo màu cho loại bánh cốm. Trên giá gỗ đựng nguyên liệu kê sát tường, là những lọ, hộp đựng nguyên liệu, phụ gia và cả phẩm màu làm bánh vứt lộn xộn, bừa bãi trông rất mất vệ sinh. Cầm một hộp phẩm màu đã sử dụng hết già nửa lên nhìn thử, cố gắng lắm mới tìm thấy dòng chữ lờ mờ ghi tên loại sản phẩm là Pea greens, xuất xứ Ấn Độ. Ngoài ra, khi nhìn một hộp phẩm màu tương tự thì lại thấy chỉ có duy nhất dòng chữ tiếng Anh ghi tên sản phẩm Apple greens, xuất xứ tại Trung Quốc, còn lại toàn bộ dòng chữ in trên nhãn mác đều là chữ Trung Quốc mà không có bất kỳ dòng chữ, nhãn phụ nào bằng tiếng Việt, dễ gây ngộ nhận đối với người tiêu dùng. Như để che giấu, anh Nguyễn Viết Thành, chủ cơ sở sản xuất bánh đã nhanh tay thu cất hộp phẩm màu trên rồi vội vàng giải thích "phẩm màu đó do cậu con trai mới đi mua về chứ cơ sở chưa bao giờ sử dụng loại phẩm màu không nguồn gốc rõ ràng...". Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, toàn bộ nguyên liệu sản xuất bánh Trung thu của cơ sở Thanh Vân được nhập từ những "mối hàng quen" trong làng hoặc trên chợ Đồng Xuân nên không hề có bất kỳ giấy tờ, hóa đơn để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Ngoài giấy phép đăng ký kinh doanh, cơ sở này không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, giấy công bố chất lượng sản phẩm cũng như các giấy tờ khác có liên quan. Không chỉ thế, khi kiểm tra nhãn mác trên sản phẩm bánh cốm của cơ sở còn phát hiện nhãn mác in hạn sử dụng... đến tận ngày 30/12/2008 nhưng không hề in ngày sản xuất, đồng thời số công bố chất lượng sản phẩm được cấp từ năm 2002, đến nay đã hết hạn mà cơ sở vẫn chưa làm thủ tục để được cấp phép trở lại.

Không riêng gì cơ sở trên, cơ sở sản xuất bánh Trung thu Bảo Châu, xóm Thống Nhất cũng rơi vào cảnh tương tự. Những chiếc bánh nướng mới ra lò được vứt ngổn ngang ngay trên nền gạch, không có giá kê đỡ, với sàn nhà ẩm ướt, không được bảo đảm về mặt vệ sinh như vậy ai dám bảo đảm về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, với gần 20 công nhân đang hì hục sản xuất, người đeo găng tay người không, cho thấy cơ sở này chưa thực hiện triệt để các tiêu chí về ATVSTP cho nên việc gây mất vệ sinh cũng là điều hiển nhiên. Trong khi đó, mỗi ngày cơ sở này cho ra lò hàng trăm kilogam bánh Trung thu thế nhưng toàn bộ nguyên liệu sản xuất bánh từ bột mì, lạp xường, trứng gia cầm... đều không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc rõ ràng. Khi kiểm tra, cơ sở cũng không xuất trình được bất kỳ giấy tờ có liên quan như giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, giấy công bố tiêu chuẩn chất lượng. Nghiêm trọng hơn, cơ sở này đã dùng nhãn mác của cơ sở sản xuất bánh Trung thu Tuấn Linh (có địa chỉ tại đường Hồng Hà, Hà Nội). Lý giải về việc này, ông chủ cơ sở sản xuất bánh Trung thu Bảo Châu thừa nhận "cơ sở Tuấn Linh có gửi nhãn mác và đặt hàng chúng tôi sản xuất bánh trung thu cho họ, nhưng do còn bất đồng về giá cả nên chúng tôi chưa đồng ý...".

 Dụng cụ làm bánh kẹo quá bẩn.
Tự hủy hoại làng nghề

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện toàn xã có trên 40 cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo các loại, vào mùa Trung thu nhiều cơ sở tranh thủ chuyển sang làm thêm bánh nướng, bánh dẻo, trong đó có 6 cơ sở sản xuất bánh Trung thu có quy mô lớn. Tuy nhiên, do đặc thù sản xuất theo mùa vụ, chỉ làm cấp tập trong một thời gian ngắn nên hoạt động sản xuất bánh Trung thu tại hầu hết các cơ sở sản xuất nơi đây đều diễn ra rất lộn xộn, không bảo đảm ATVSTP, VSMT và vệ sinh ngoại cảnh nơi sản xuất, chế biến bánh. Trong khi đó, bản thân chủ cơ sở sản xuất cũng như người lao động tỏ ra thiếu ý thức trong việc thực hiện các tiêu chí về ATVSTP và bảo đảm chất lượng sản phẩm. Theo các thành viên đoàn kiểm tra, việc vi phạm các quy chế về ATVSTP kể trên là thực trạng phổ biến tại làng nghề bánh kẹo La Phù từ nhiều năm nay. Mặc dù người sản xuất đã được tuyên truyền, phổ biến kết hợp với kiểm tra thường xuyên nhưng hiện vẫn chưa được cải thiện là mấy. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, người sản xuất không ý thức được việc bảo vệ giá trị truyền thống, bảo vệ chất lượng sản phẩm thì chẳng bao lâu nữa chính họ sẽ tự hủy hoại làng nghề truyền thống của mình.

Bà Hoàng Thị Phúc, Phó Trưởng phòng Y tế huyện Hoài Đức cho biết: Sau khi kiểm tra tại làng nghề La Phù, đoàn đã tạm đình chỉ sản xuất đối với các cơ sở vi phạm, đồng thời yêu cầu các cơ sở này phải khắc phục, hoàn thiện và bổ sung những yêu cầu để có thể tiếp tục sản xuất. Ngoài ra, đoàn cũng sẽ tiến hành các đợt kiểm tra đột xuất trong thời gian tới nhằm phát hiện các sai phạm cũng như bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Anh Hoàng


Ý kiến của bạn