Nghề treo mình trên không bảo vệ "mạch máu" năng lượng quốc gia

22-08-2022 11:02 | Xã hội
google news

SKĐS - Những kỹ sư, công nhân ngành truyền tải điện thường nói rằng cuộc sống có thể thiếu nhiều thứ nhưng công việc thì không thiếu khó khăn và hiểm nguy.

Tôi đã từng nghe có người nói nguồn điện quan trọng như là máu cho các hoạt động sinh hoạt và sản xuất vậy nên đường dây truyền tải điện như là mạch máu vận chuyển đi khắp mọi miền Tổ quốc. Để đảm bảo "mạch máu" ấy được an toàn vận hành thông suốt, liên tục cần có những người cần mẫn, dành phần lớn thời gian của mình để tới những cột điện cao vút, treo mình trên những sợi dây điện, đối mặt với nhiều hiểm nguy. Họ là những kỹ sư, công nhân của ngành truyền tải điện.

Những người treo mình trên không bảo vệ "mạch máu" năng lượng quốc gia - Ảnh 1.

Những con người dành nhiều thời gian trên những đường dây truyền tải điện chênh vênh (ảnh: Truyền tải điện Quảng Bình).

Với thâm niên gần 30 năm trong nghề, anh Đoàn Mạnh Hùng (SN 1972), công nhân quản lý vận hành đường dây bậc 7/7 Đội truyền tải điện Đồng Hới thuộc Truyền tải điện Quảng Bình có cho mình những trải nghiệm đặc biệt.

Dù đêm hay ngày, anh cùng những đồng nghiệp thường xuyên thực hiện những chuyến "phượt" dọc tuyến đường dây truyền tải điện. Nào là leo núi, vượt đèo, băng suối, dấu chân của những kỹ sư, công nhân ngành truyền tải diện luôn hướng đến những cột điện, ở mọi địa điểm, mọi địa hình.

Những người treo mình trên không bảo vệ "mạch máu" năng lượng quốc gia - Ảnh 2.

Công việc này dành cho những người có "thần kinh thép" bởi họ phải làm việc ở độ cao cả trăm mét mà điểm đặt chân chỉ là những sợi dây điện (ảnh: Truyền tải điện Quảng Bình).

Theo anh Hùng, trung bình tối thiểu mỗi tháng 1 lần, anh cùng đồng nghiệp phải đi kiểm tra định kỳ tình trạng các tuyến đường dây. Cùng với đó thực hiện nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa đường dây trong khu vực mình quản lý. Những lúc đi kiểm tra trên dây thường theo nhóm 3, 4 người cùng đi để hỗ trợ nhau nếu có sự cố và cùng trao đổi công việc cho đỡ căng thẳng.

"Đường dây siêu cao áp, cột điện được dựng không căn cứ vào đường bộ, cứ thẳng tắp, mặc phía dưới là gì, ở đâu có cột điện là ở đó có chúng tôi. Nghề truyền tải điện luôn vất vả, nguy hiểm, tuy nhiên làm lâu thì cũng quen, xa dây xa cột lại nhớ nghề ngay", anh Hùng chia sẻ.

Những người treo mình trên không bảo vệ "mạch máu" năng lượng quốc gia - Ảnh 3.

Công việc vất vả từ mặt đất tới trên không (ảnh: Truyền tải điện Quảng Bình).

Công việc của những kỹ sư, công nhân truyền tải điện, dù nắng hay mưa đều vất vả, vì cột điện cao thế thường băng qua cánh rừng, nơi hoang vu, trên đỉnh núi nên việc tiếp cận hết sức khó khăn. Có những lúc họ phải đi bộ cả ngày mới tới được vị trí cột điện cần sửa chữa, rồi lại trèo lên những cột điện cao gần cả trăm mét, chênh vênh giữa trời. Trên cột điện cao rất dễ hoa mắt, lộn nhào.

"Ngồi trên dây những ngày gió lớn nó cứ chao như võng, cao cả trăm mét, lúc này rất dễ có cảm giác như say sóng, chao đảo nhưng với chúng tôi là chuyện bình thường. Nghề chúng tôi không dành cho người sợ độ cao hay có bệnh lý như tim mạch hay huyết áp. Chưa kể mỗi lần trèo lên cột mất rất nhiều thời gian, nên để hoàn thành công việc đúng tiến độ, việc ăn trưa ngay trên cột điện với chúng tôi là chuyện thường xuyên", anh Hùng chia sẻ thêm.

Những người treo mình trên không bảo vệ "mạch máu" năng lượng quốc gia - Ảnh 4.

Những bữa cơm trên cao của người kỹ sư, công nhân truyền tải điện (ảnh: Truyền tải điện Quảng Bình).

Anh Hoàng Duy Khánh, công nhân quản lý vận hành đường dây bậc 6/7, thuộc Đội truyền tải điện Lệ Thủy cũng đã ngót nghét 17 năm trong nghề chia sẻ, ngày nắng thực hiện nhiệm vụ đã khó khăn, đến những ngày mưa thì công việc càng bội phần nguy hiểm. Bởi chỉ cần thoáng thấy dấu hiệu mưa, dù đã trèo lên cao rồi nhưng cũng phải trèo xuống ngay lập tức vì sợ sấm sét. Việc duy tu bảo dưỡng đường dây cũng hết sức gấp rút và tuân thủ các quy định, thời gian cắt, đóng điện. Mỗi lần sửa chữa đường dây đều phải tranh thủ thời gian hết sức.

"Anh em ngành truyền tải điện khi lên cột sửa chữa, mùa nắng to thì mất nước nhanh, mùa đông thì gió rít buốt da, đang làm mà gặp cơn mưa thì mọi công việc đều bị trở ngại. Cũng vì đặc thù của lưới điện siêu cao áp nên việc bảo trì hay sửa chữa luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, biện pháp an toàn", anh Khánh kể.

Những người treo mình trên không bảo vệ "mạch máu" năng lượng quốc gia - Ảnh 5.

Công việc có nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng họ luôn yêu nghề và thực hiện tốt nhiệm vụ và quy định nghề nghiệp (ảnh: Truyền tải điện Quảng Bình).

Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Giám đốc Truyền tải điện Quảng Bình cho biết, hiện đơn vị có gần 120 cán bộ, nhân viên, quản lý hơn 388,86km đường dây 500kV mạch 1, mạch 2 và mạch 3 cùng 181,79km đường dây 220kV.

Trong đó khoảng 100 người lao động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, vận hành đường dây, trạm biến áp. Công việc truyền tải điện hết sức vất vả và nguy hiểm, do đó đòi hỏi các nhân viên luôn phải tuân thủ quy trình quy phạm, đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động.

Những người treo mình trên không bảo vệ "mạch máu" năng lượng quốc gia - Ảnh 6.

Những người kỹ sư, công nhân truyền tải điện luôn cần mẫn với nhiệm vụ của mình (ảnh: Truyền tải điện Quảng Bình).

"Phía Truyền tải điện Quảng Bình cũng thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống CBCNV, động viên anh em cùng nhau vượt khó khăn. Sự quan tâm thấu đáo cũng như việc nghiêm khắc thực hiện các biện pháp an toàn giúp người lao động an tâm công tác, thực hiện công việc nghiêm túc', Ông Lâm cho biết.


Hùng Trần
Ý kiến của bạn