Tôi đi Hương Thủy, mừng đầy tháng con trai của em Lan, bạn bè đến khá đông, ngồi chật bốn mâm cơm. Ai cũng mừng cho Lan mẹ tròn con vuông. Số là trước hôm đẻ một đêm một ngày, nằm ở bệnh viện đa khoa, Lan đau quằn quại. Đến nỗi Lan nói với mẹ: “Con chỉ đẻ một lần thôi mẹ à, đau thế này con làm sao chịu được”. Cô hộ lý bảo: “Đau thế này chắc phải mổ”. Mẹ Lan lên gặp bác sĩ Trưởng khoa Phụ sản Tôn Thất Phúc, ông vội xuống gặp ngay Lan, bắt mạch, xem bụng xong, ông nói: “Chịu khó đau một chút, em sẽ đẻ bình thường, không phải mổ đâu”. Quả nhiên sáng hôm sau, Lan lên bàn đẻ. Chỉ nửa tiếng sau đẻ an toàn.

Bác sĩ Tôn Thất Phúc thăm khám bệnh nhân.
Trong bàn ăn, các chị phụ nữ đều khen bác sĩ Phúc. Một chị nói: “Chị em phụ nữ Hương Thủy chúng tôi, ai đi đẻ được gặp bác sĩ Phúc cũng mừng lắm. Vì có bác là yên tâm rồi. Trường hợp nào cũng thấy bác hết lòng. Như trường hợp đau quằn quại của Lan, đi đẻ ở bệnh viện khác chắc phải mổ rồi. Đẻ mổ thì phức tạp lắm”. Mọi người trong mâm đều đồng tình với ý kiến của chị.
Tôi gặp Giám đốc Bệnh viện đa khoa thị xã Hương Thủy, Nguyễn Văn Vĩ, hỏi chuyện bác sĩ Tôn Thất Phúc, ông gật đầu cười:
- Hình như trời sinh ông Phúc ra để lo cho đàn bà, trẻ con. Vì vậy, vào nghề, ông nhập ngay vào khoa phụ sản. Bệnh nhân nào lọt vào tay ông Phúc thì khỏi nói, ông tận tình như chăm sóc chính người thân của mình. Ông Phúc thường nói một câu đúng với tấm lòng của ông: “Đỡ đẻ mà được nghe tiếng trẻ con khóc tôi mừng lắm”. Bởi trẻ khóc coi như mẹ tròn con vuông rồi.
Tôi gặp bác sĩ Phúc, từng nét trên khuôn mặt ông, nhất là ánh mắt rất cương nghị, đúng tố chất của một người đàn ông. Đã là một người đàn ông thì xông xáo lắm, nghĩ vậy, tôi hỏi ông:
- Vì sao ông đắm đuối trong khoa phụ sản vậy?
Bác sĩ Tôn Thất Phúc đáp:
- Tôi lớn lên bên cạnh người anh con cô cậu rất yêu mến tôi là bác sĩ phụ sản Lê Văn Toàn. Anh Toàn chăm sóc bệnh nhân rất tận tình. Tình cảm máu thịt ấy anh Toàn truyền sang tôi lúc nào không biết. Đã thế quê tôi lại nghèo, những bà đi đẻ thật tội, thiếu thốn đủ thứ, sự cố ấy cũng đã thành máu thịt trong tôi, và thế là tôi đi học ngành phụ sản Trường đại học Y. Hình như trời đã nhập cái nghiệp ấy vào trong tôi, anh ạ.
Khi ra trường, về bệnh viện, bác sĩ Tôn Thất Phúc được phân công làm Đội trưởng Đội bà mẹ và trẻ em của 2 xã. Thôi thì lo đủ thứ, chăm sóc cho các bà mẹ, chăm sóc cho trẻ em hiện tại và trẻ em tương lai. Vì thế mà lo đủ thứ, nào là đặt vòng cho phụ nữ, nào là phổ biến cách dùng bao cao su và truyền đạt cho chị em cách tránh thai, khi có thai thì chăm sóc cho đứa con trong bụng như thế nào. Chính tấm lòng tận tình ấy, khi bác sĩ Quang, Trưởng khoa Sản của Bệnh viện đa khoa Hương Thủy chuyển công tác thì bác sĩ Tôn Thất Phúc được điều về thế chỗ bác sĩ Quang ngay. Ông làm Trưởng khoa Sản từ đó đến giờ.
Nghề nghiệp của ông là được quan tâm trực tiếp tới việc lên bàn đẻ của phụ nữ và đón cháu bé trên tay, ông hết lòng nên được chị em phụ nữ thán phục và tin cậy.
Và ông đã cứu được bao sinh mạng.
Trường hợp chị Đinh Thị Như là một trong những ca đẻ như thế. Chị Như ôm bụng đến bệnh viện, xin được mổ. Bác sĩ Tôn Thất Phúc đã đón chị, khám cho chị ngay, không thấy có biểu hiện gì khác lạ, vậy vì sao chị lại xin mổ.
Chị Như kể cho anh nghe rằng, chị vẫn khỏe mạnh và quê ở đội 10, xã Thủy Phương, nghề của chị là làm ruộng, không kể lần có thai này, chị đã 5 lần có thai. Nhưng không hiểu sao, lần nào cũng vậy, cứ đến gần ngày dự kiến sinh thì chị sẩy thai. Cả 5 lần không có một con nào sống với chị. Vì vậy lần này, chị đã có thai tới tuần thứ 37, chị đến xin bác sĩ mổ lấy thai cho, không đợi đến hẹn sinh nữa.
Bác sĩ thấy chị nói có lý, khám lại kỹ càng và quyết định mổ cho chị. Đó là một cháu trai. Cháu khỏe mạnh cho đến tận bây giờ. Nếu chỉ cần thủ cựu, nấn ná đợi đẻ như các bà mẹ khác, không biết số phận của cháu bé thế nào.
Chị Như mổ đẻ xong, bác sĩ Phúc khám lại cho chị, lúc ấy mới phát hiện ra hai sừng trong tử cung của chị bị dị dạng, vì vậy mà sẩy thai. Ông khuyên chị không nên đẻ nữa.
Những trường hợp khó khăn có con như chị Như, nghe tiếng trẻ khóc thấy sung sướng là phải.
Trường hợp một chị phụ nữ ở xã Phú Sơn thì bác sĩ Phúc lại ứng xử khác. Chị chưa đến tháng đẻ nhưng không hiểu sao máu bên trong chảy ra nhiều thế. Khi chồng chị đưa chị tới bệnh viện, do máu chảy nhiều, chị đã bị choáng. Bác sĩ Phúc đưa bệnh nhân đi khám, ông phát hiện ra thai của chị nằm ngoài tử cung, bào thai ấy lại nằm ở vị trí sừng phải tử cung, bị đè nặng vào chỗ yếu nhất nên tử cung bị vỡ.
Trường hợp này nếu không hiểu nguyên nhân máu chảy mà chuyển viện thì bệnh nhân sẽ tử vong ngang đường vì mất máu nhiều.
Hỏi ra, bác sĩ biết sản phụ đã có 3 người con rồi, ông quyết định mổ, cắt một nửa tử cung cho an toàn. Mổ xong ông cho tiếp ngay 3 đơn vị máu, sản phụ hồi tỉnh dần, huyết áp ổn định.
Ở mỗi trường hợp, bác sĩ có biện pháp xử lý đúng và kịp thời để cứu bệnh nhân.
Nhớ bữa ấy, bác sĩ Phúc đang giở ca mổ trong phòng mổ, chị La vào báo:
- Chị Nguyễn Thị Tuyết, 35 tuổi, người Thủy Châu vừa được chồng đưa tới bệnh viện, không hiểu sao máu chảy qua âm hộ rất dữ.
Đang mổ, ông chưa ra được, ông bảo chị La hãy truyền cho Tuyết một liều dịch, xong ca mổ ông sẽ ra ngay.
Đúng 10 phút sau, bác sĩ ra gặp Tuyết, qua thăm khám ông chẩn đoán ngay nguyên nhân là do Tuyết đi tháo vòng, nhân viên tháo vòng đã quá tay, chọc thủng tử cung mặt trước nên máu chảy ra nhiều. Bệnh nhân trong tư thế choáng váng. Ông đưa ngay vào nằm ở khoa sản, cho hồi sức. Không thể chần chừ. Chậm, máu chảy nhiều sẽ chết. Thế là cùng lúc mổ, ông cho xét nghiệm và làm bệnh án.
Mổ xong, cầm máu xong, ông cho phục hồi tử cung. 3 năm sau bệnh nhân đến bệnh viện xin đẻ. Vậy là Tuyết có đứa con thứ tư.
Mới đây nhất, ngày 31/10/2013, sản phụ Võ Thị Liễu, 35 tuổi, ở xã Phú Sơn đến bệnh viện trong tình trạng tổng trạng bình thường, da niêm mạc hồng nhạt, không phù, mạch 80 lần/phút, huyết áp 120/80mmHg. Nhưng cổ tử cung đã mở hết, ối vỡ hoàn toàn, ngôi mông, dây rốn đứa trẻ sa trước, ngôi và chân lọt thấp. Tim thai không nghe được.
Bác sĩ tiên lượng: một là người mẹ dễ bị vỡ tử cung và sẽ bị băng huyết sau sinh, hai là đứa con có nguy cơ tử vong.Hỏi ra thì bệnh nhân cho biết bị đau bụng từng cơn từ lúc 5 giờ sáng.
Sự cố không thể chậm trễ, 10 phút sau bác sĩ Phúc cho bệnh nhân đẻ đường dưới kéo thai, sau 5 phút lấy được bé trai nặng 3,7kg nhưng nhợt nhạt, đặc biệt là bé không còn thở nữa. Để kịp thời cứu cháu bé, ông tiến hành hồi sức, bóp bóng thổi ngạt xoa bóp tim, sau 5 phút bé hồng hào trở lại và bật tiếng khóc to.
Đối với sản phụ, ông cho tiến hành bóc nhau tử cung toàn vẹn không nứt. Sản phụ được theo dõi sát 15 phút 1 lần.
Đến gần 9 giờ sáng sản phụ tỉnh táo, tiếp xúc tốt, mạch 90 lần/phút, huyết áp 120/80mmHg, tử cung co kém, máu âm đạo rỉ ra liên tục. Kiểm tra lòng tử cung bằng dụng cụ. Tiếp đó bệnh nhân được hồi sức tích cực, đồng thời kiểm tra nhóm máu người nhà để chuẩn bị tiếp máu cho sản phụ.
Tiếp tục hồi sức và hội chẩn lần 2, băng huyết nặng sau sinh do đờ tử cung. Bác sĩ Phúc chuyển mổ cấp cứu cắt tử cung bán phần cầm máu, được tiếp 5 đơn vị máu nhóm A của người nhà và nhân viên bệnh viện, 5 đơn vị máu nhóm A. Qua phẫu thuật huyết áp dao động liên tục.
Sau 3 giờ vừa phẫu thuật, vừa hồi sức sản phụ ổn định mạch, huyết áp ổn định, đồng thời chuyển hậu phẫu theo dõi sát, tiếp tục cho truyền máu đồng nhóm. Sản phụ khỏe dần, mạch, huyết áp ổn định và cho con bú tốt.
Đây là trường hợp hy hữu ca sinh ngược bị đờ tử cung, sau sinh được cứu sống cả mẹ lẫn con. Trước đó, tại Bệnh viện Hương Thủy, sản phụ Ngô Thị Diệu xã Thủy Phù nhập viện để sinh con thứ hai cũng bị đờ cứng tử cung và mất máu sau khi sinh. Khi đưa chuyển lên tuyến trên, bị băng huyết nặng nên sản phụ đã tử vong tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Rõ ràng các ca bệnh nhân sản phụ được lọt vào tay bác sĩ Tôn Thất Phúc chẳng là một hy vọng đáng mừng đó sao. Tiếng trẻ khóc đúng là niềm vui khó tả.
Ông tâm sự với tôi:
- Ngày trước, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã căn dặn thầy thuốc: Đến tay thầy thuốc là sức khỏe, là sinh mệnh của bệnh nhân. Cứu người là cái tâm mà người thầy thuốc phải tâm niệm để đưa bệnh nhân trở lại cuộc đời. Chữ “Tâm” ấy luôn nhắc nhở tôi anh ạ.
Trời ban cho ông Phúc cái nghiệp lo cho đàn bà và trẻ con là phải lắm. Hèn chi người phụ nữ nào ở Hương Thủy cũng quý mến, kính trọng ông.
Nhà văn Nguyễn Quang Hà