Năm 2009 được lấy là Năm ngoại giao văn hóa của Việt Nam và du lịch được đề cập đến như là một cách thức tạo hình ảnh hấp dẫn cho du khách đến với Việt Nam, đồng thời qua đó giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc của Việt Nam tới bạn bè thế giới. Đây là chủ trương mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bàn với các nhà hát, các công ty lữ hành và Nhà hát Tuổi trẻ là đơn vị đầu tiên đã có sự kết hợp với Công ty MayaViet trong chương trình: Trình diễn với thế giới. Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trò chuyện với ông Trương Nhuận - Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ về sự “bắt tay” đầu tiên này.
- Văn hóa cần gắn với du lịch bởi một điều dễ nhận thấy là quảng bá văn hóa qua hoạt động du lịch là hình thức hữu hiệu nhất, dễ tạo thiện cảm nhất về một đất nước. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?
- Từ lâu, Nhà hát Tuổi trẻ đã có sự kết hợp biểu diễn nghệ thuật phục vụ các tour du lịch nhưng chưa tạo ra được thành thông lệ biểu diễn định kỳ tại nhà hát. Hằng năm chúng tôi vẫn có những chuyến đi nước ngoài biểu diễn theo lời mời của các công ty du lịch chứ chưa tạo được thành chương trình độc lập biểu diễn thường xuyên. Ai cũng thấy lâu nay diện mạo phục vụ văn hóa nghệ thuật cho khách du lịch của Hà Nội đơn điệu, phần lớn du khách đến Hà Nội đã có câu nói vui rằng: Ăn cơm tối, xem rối nước, tour nào cũng chỉ xem rối nước chứ chẳng biết xem gì. Lần này nhà hát mạnh dạn kết hợp với Công ty tư vấn maketing và PR MayaViet – một công ty tổ chức hoạt động tốt với các tour du lịch lớn, trên cơ sở nắm bắt thị hiếu khách du lịch, kết hợp làm chương trình ca múa nhạc dân tộc mang tên Trình diễn với thế giới.
Chương trình Trình diễn với thế giới. |
- Tên chương trình có vẻ to tát quá, Nhà hát Tuổi trẻ xây dựng chương trình dựa trên ý tưởng gì?
- Về thực chất, chương trình mới chỉ là một góc nhìn văn hóa nghệ thuật Việt Nam, hy vọng đến một ngày nào đó sẽ xây dựng được những chương trình nghệ thuật đặc sắc hơn. Chương trình đầu tiên này gồm 11 tiết mục chia 3 nhóm chính: múa, độc tấu, hát dân ca nhưng chúng tôi cũng đã đưa vào đủ màu sắc của các vùng miền như múa Trảy hội mùa xuân - Trống cơm của nông dân đồng bằng Bắc bộ khi Tết đến xuân về; múa Lời ru của rừng mang âm hưởng vùng đất Tây Nguyên; múa Mùa xuân tìm bạn miêu tả cảnh sinh hoạt của người Mông với tiếng khèn dìu dặt tìm bạn tình; múa Mai vàng biểu tượng của vùng đất nắng phương Nam như lòng hiếu khách của người dân Nam bộ nói riêng và người Việt Nam nói chung... Độc tấu đàn bầu, đàn T’rưng, đàn nguyệt, sáo trúc là những nhạc cụ độc đáo của Việt Nam. Ngoài ra còn có các ca khúc dòng dân gian như Thằng Bờm, Đêm ả đào.
Bên cạnh đó nhà hát cũng khai thác thế mạnh của đoàn kịch hình thể, đã xây dựng một chương trình nghệ thuật hình thể ít lệ thuộc vào ngôn ngữ để phục vụ theo yêu cầu của du khách.
- Kịch nói là một trong những thế mạnh của Nhà hát Tuổi trẻ, đặc biệt chương trình Đời cười những năm gần đây đã thu hút một lượng lớn khán giả, các anh có kế hoạch khai thác không?
- Có đấy, với ưu thế đã tạo ra thương hiệu được khán giả biết đến, có một đội ngũ diễn viên tâm huyết với nghề và có nhiều gương mặt diễn viên nổi tiếng, chúng tôi đã thành lập câu lạc bộ hài kịch bằng tiếng Anh, hiện nay đang nhờ các chuyên gia Trung tâm tiếng Anh Apolo hỗ trợ chỉnh sửa ngôn ngữ để diễn hài kịch Đời cười bằng tiếng Anh. Đây là một cách đa dạng hóa các chương trình biểu diễn để phục vụ các tour du lịch.
- Được biết các nước như Thái Lan, Trung Quốc..., việc kết hợp giữa các nhà hát, đoàn nghệ thuật biểu diễn nghệ thuật dân tộc với các tour rất chặt chẽ, du khách đã đi tour đều được xem các chương trình nghệ thuật này. Vì thế các đoàn nghệ thuật dân tộc ngày nào cũng diễn và một ngày tới mấy suất. Hiện nay du khách nước ngoài đến Việt Nam khá đông, vậy mà mới có Nhà hát Tuổi trẻ có chương trình riêng biểu diễn phục vụ du khách vào mỗi thứ tư hàng tuần, có lẽ là quá ít?
- Điều đó còn phải phụ thuộc vào tour du lịch, hơn nữa muốn làm được việc đó thì phải có một cơ chế khác. Thái Lan hay Trung Quốc và các nước khác làm được điều đó vì họ có một cơ chế linh hoạt, tạo được sự kết hợp chặt chẽ giữa các nhà hát với các tour lữ hành. Hiện nay chúng tôi cũng không áp đặt khô cứng mỗi tuần một buổi vào tối thứ tư mà tour yêu cầu vào buổi khác trong ngày, nhà hát vẫn có thể linh hoạt bố trí biểu diễn. Chúng tôi dự định nếu lượng khách tăng có thể sẽ tăng lên 2-3 ngày biểu diễn. Còn hoạt động cuối tuần tại nhà hát chủ yếu vẫn dành cho kịch nói.
- Chương trình “Trình diễn với thế giới” bắt đầu từ ngày 18/3, vậy sau gần 1 tháng hoạt động, phản hồi của du khách thế nào?
- Chương trình này không chỉ phục vụ cho khách du lịch mà còn phục vụ cả khán giả yêu thích nghệ thuật dân tộc. Nói chung mỗi đêm diễn bán được 2/3 số vé. Với một rạp hát sức chứa hơn 500 người, lượng khách như thế cũng là tốt rồi.
- Ở chương trình nghệ thuật phục vụ du lịch của các nước thì trong chương trình biểu diễn họ thường xen kẽ một số bài hát của các nước để gây hào hứng cho du khách khi nơi đất khách quê người họ được nghe chính bài hát của dân tộc mình. Các anh có ý định làm như thế trong chương trình của mình?
- Hiện nay ở chương trình Đời cười mới làm những câu chuyện sinh hoạt của Việt Nam, xu hướng lâu dài sẽ điều chỉnh dần. Còn trong chương trình ca múa nhạc, chúng tôi cũng đã chuẩn bị một số ca khúc nổi tiếng của các nước để khi du khách có yêu cầu thì có thể đáp ứng ngay.
Hoạt động này là hưởng ứng Năm ngoại giao văn hóa của chính phủ, đồng thời đây cũng là một hướng đi mới sáng tạo, tăng thu nhập cho diễn viên, nhưng lớn hơn là có kinh nghiệm để tạo ra những giá trị tinh thần lớn, mở ra hướng mới làm đa dạng hóa việc giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông.
Phạm Linh Chi (thực hiện)