Nghệ thuật vẽ tranh đường phố: Cần loại bỏ nếu thô vụng

10-11-2018 12:04 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Graffiti (nghệ thuật vẽ tranh đường phố) du nhập Việt Nam khoảng hơn 15 năm qua, góp phần tích cực tạo thêm không gian tươi mới bằng những bức tranh sơn đầy nghệ thuật. Tuy nhiên, nhiều tác phẩm graffiti ở nước ta với cách làm vô lối, thiếu ý thức của người thể hiện đã làm bẩn phố phường, ảnh hưởng đến văn minh đô thị.

Khi mới xuất hiện, graffiti có nghĩa là “tranh sơn xịt”, nhưng qua thời gian được nhiều người gọi với tên gọi nghệ thuật vẽ tranh đường phố - nơi các cá nhân nổi loạn thể hiện bản thân thông qua những hình vẽ nguệch ngoạc nhưng đầy sáng tạo. Đồ nghề để vẽ graffiti rất đơn giản với một bình sơn cùng một vài công cụ bổ trợ khác là thước dây, bút chì... Giới nghệ sĩ gắn bó với graffiti cho biết, các mảng tường ở nơi công cộng là chất liệu để nghệ sĩ thể hiện “khả năng” của mình bằng cách sơn lên đó. Trên thế giới, graffiti phát triển ở nhiều quốc gia như Mỹ, Đức, Nga, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Graffiti có mặt tích cực khi tạo nên nét đẹp mới, độc đáo riêng cho mỗi không gian, công trình kiến trúc. Nhiều tác phẩm graffiti đích thực góp phần làm đẹp cho không gian công cộng. Qua các tác phẩm graffiti chuẩn mực, người xem cảm nhận được người thể hiện (cá nhân, nhóm người) không bị lệ thuộc vào những ràng buộc từ bên ngoài, các bức vẽ graffiti thoát khỏi sự gò bó trong thế giới nghệ thuật chính thống, thể hiện được cái tôi cá nhân cũng như cá tính nghệ thuật.

Theo trào lưu thế giới, graffiti xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 2000 và được giới trẻ yêu thích. Do đó, những bức vẽ bằng sơn tại những điểm công cộng như tường nhà bỏ hoang, tường rào công trình xây dựng, cửa cuốn nhà dân... mọc lên như nấm sau mưa. Trong vô vàn tác phẩm graffiti đã có ở nước ta, không ít tác phẩm graffiti được người dân yêu mến. Mới nhất là con đường graffiti tại đường Huyền Trân Công Chúa dẫn lên khu di tích lăng Tự Đức (phường Thủy Biều, TP. Huế). 3 tháng trước, khoảng 100 họa sĩ trong và ngoài nước đã đến đây, cùng vẽ lên bức tường cũ kĩ này những bức tranh nhiều màu sắc với nhiều chủ đề và được vẽ theo phong cách ngẫu hứng. Hình ảnh các nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh, đáng yêu đã giúp không gian nơi đây khác hơn, vừa mang nét yên bình của Huế nhưng vẫn pha lẫn một chút hiện đại.

Nghệ thuật vẽ tranh đường phốVẽ graffiti một cách vô lối trên cửa cuốn khi chưa được sự đồng ý của gia chủ không còn hiếm ở Hà Nội, TP.HCM, ...

Vài năm trở lại đây, trên đường phố TP.HCM, rất nhiều tuyến đường đã trở nên đẹp mắt hơn với những hình vẽ graffiti đầy màu sắc và hình ảnh dễ thương. Năm 2017, Quận đoàn quận 1 (TP.HCM) kết hợp với Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển thực hiện loạt tranh vẽ graffiti với thông điệp bảo vệ môi trường được rất nhiều người ủng hộ. Thậm chí một số đoàn thể còn dùng hình ảnh của graffiti để truyền đạt các thông điệp nhân văn đến với mọi người. Trong khi đó, tại Hà Nội, cụm tác phẩm graffiti của nhóm nghệ sĩ người Anh ở phố Đặng Thai Mai (quận Tây Hồ) được đánh giá bức tranh graffiti đẹp nhất tại Thủ đô khi mở ra một không gian nghệ thuật mới của phương Tây giữa lòng Hà Nội cổ kính. Các tác phẩm graffiti trên phố Đặng Thai Mai dài khoảng 200m, cao 2m45, được vẽ bởi một nhóm họa sĩ tình nguyện người Anh. Những bức tranh tại đây được vẽ với màu sắc hết sức sống động, đẹp mắt. Ngoài ra, những bức tường công cộng, tường bao quanh sân bóng, nhà dân, trường mầm non một số khu vực tại Hà Nội cũng xuất hiện những bức vẽ graffiti với đủ kiểu cách, thể loại...

Tuy nhiên, nghệ thuật graffiti ở nước ta cũng cho thấy nhiều sự hạn chế. Từng làm nóng dư luận là sự việc đoàn tàu của Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đỗ tại tầng 3 (nhà ga Cát Linh) chưa đi vào hoạt động nhưng bị vẽ bậy lên phần đầu và thân tàu. Các hình vẽ được thể hiện theo phong cách graffiti với những ký tự viết tắt và các dòng chữ nước ngoài. Đặc biệt, dư luận từng dậy sóng khi gần một trăm mét dài của bức tường chùa Thiên Niên (Hà Nội) đã bị nhiều hình vẽ graffiti bôi bẩn, gây mất mỹ quan, không phù hợp với văn hóa và tín ngưỡng Phật giáo. Sự việc này cho thấy những người vẽ lên tường chùa Thiên Niên rất thiếu ý thức, không tôn trọng nơi thờ tự và chốn tôn nghiêm. Ngoài ra, nhiều bạn trẻ còn ngang nhiên vẽ lên tường, cửa cuốn nhà dân khi chưa được sự đồng ý của gia chủ. Thậm chí, một số người thiếu ý thức còn dùng bình sơn xịt tạo những ký hiệu tại bảng chỉ dẫn, biển chỉ báo giao thông ở các thành phố lớn tại TP.HCM, Hà Nội... gây mất mỹ quan đô thị và gây bức xúc dư luận.

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), nếu tổ chức vẽ graffiti nghiêm ngắn ở những đoạn phố được quy hoạch, những làng biển, làng quê và được tham khảo ý kiến từ chuyên gia văn hóa thì đó là điều đáng làm. Tuy nhiên, một số người lấy lý do làm đẹp đường phố, bảo vệ môi trường rồi phủ màu ngô nghê lên một cách thô vụng, nét vẽ thiếu chuyên nghiệp thì chỉ làm bẩn đường phố và graffiti kiểu này cần phải loại bỏ.


Sơn Tùng
Ý kiến của bạn