Nghệ thuật từ rác thải: Lạ và ý nghĩa

04-12-2019 07:01 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Rác thải vốn là vật vô hồn, nhưng nhiều nghệ sĩ ở nước ta đã biến rác thải thành tác phẩm nghệ thuật được công chúng chú ý. Đa dạng về cách sáng tạo nhưng các tác phẩm làm từ rác thải đều có chung đích đến: giúp người xem có cảm nhận, góc nhìn đa chiều về tình trạng ô nhiễm môi trường trong xã hội hiện đại.

Một trong những vấn đề và thách thức đối với nước ta hiện nay, theo tính toán của những tổ chức uy tín về môi trường thế giới, mỗi năm 94 triệu dân Việt Nam xả ra môi trường hàng trăm ngàn tấn chất thải nhựa. Chính vì điều này, nhiều nghệ sĩ ở Việt Nam đã cùng lên tiếng kêu gọi con người bảo vệ môi trường sống đang ngập tràn rác thải, đồng thời cùng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, tương tác nhằm đẩy lùi tình trạng ô nhiễm môi trường. Từ những tác phẩm nghệ thuật, các nghệ sĩ tin tưởng sẽ truyền tải thông điệp mạnh mẽ, khuyến khích cộng đồng hạn chế tối đa rác thải nhựa, sử dụng đồ nhựa có ý thức hơn và trân trọng môi trường sống hơn.

Mới đây, tại Phố sách Hà Nội, triển lãm “Be The Change - Hãy tạo ra sự thay đổi bạn muốn thấy trên thế giới này!” đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao từ người dân. Tại triển lãm này, tác phẩm Những cú hút của nghệ sĩ Đỗ Hiệp tái hiện hình ảnh chú Tễu - nhân vật dẫn chuyện trong các tích trò rối nước dân gian bằng một vạn ống hút nhựa thu gom từ các quán cà phê tại Thủ đô. Trong khi đó, nghệ sĩ Doãn Hoàng Kiên ghi dấu ấn với tác phẩm Rùa bằng cách sắp đặt những bức ảnh do nhiếp ảnh gia Trần Việt Đức chụp về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở bãi biển và các nơi công cộng. Tác phẩm Cây đời của Flinh và Đặng Thùy Anh lại là những vòng tròn thép với đầy chậu cây bàng nhỏ. Tác phẩm này độc đáo bởi chậu cây là hộp đựng các sản phẩm về tóc đã bỏ đi từ các salon tóc trên toàn quốc. Ngoài ra, tác phẩm sắp đặt Hóa nhựa của nghệ sĩ Phạm Trần Quân là 3 hình nhân trong dáng vẻ ủ rũ vì ô nhiễm nhựa, được phối ghép bằng túi nilon, ống hút, chai nhựa... thu gom từ các gia đình trong khu phố gần nhà tác giả cũng thu hút sự quan tâm của khách thưởng lãm.

Nghệ thuật từ rác thảiCác triển lãm ở nước ta gần đây với những tác phẩm nghệ thuật làm từ rác thải nhựa luôn hút người xem.

Trong năm 2019, nhiều tác phẩm từ rác thải kêu gọi cộng đồng cùng bảo vệ môi trường đã được thực hiện ở nước ta. Có thể kể đến tác phẩm nghệ thuật sắp đặt với hình tượng con cá được tạo hình từ những cành cây khô, bẹ dừa và từ chính rác thải nhựa được dựng lên ngay trên bờ biển Linh Trường (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) do nhóm họa sĩ, giảng viên và sinh viên ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội thể hiện. Với ý nghĩa “Biển không rác - Đừng chỉ mong ước - Hãy hành động”, tác phẩm sắp đặt này kêu gọi người dân hãy hành động bảo vệ môi trường biển. Bên cạnh đó, từ trung tuần tháng 7 đến hết tháng 8/2019, triển lãm sắp đặt “Xả rác ít thôi!” tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) cũng hút người xem khi cung cấp những thông tin liên quan đến tác hại của rác thải đối với môi trường và sức khỏe của con người. Đúng với tên gọi của triển lãm, các hiện vật trong triển lãm “Xả rác ít thôi!” là các đồ dùng, nhựa tái chế hoặc rác thải như chai, lọ, túi nilon... Cùng là những vật dụng quen thuộc trong gia đình, nhưng khi xuất hiện trong triển lãm với thông điệp truyền tải, những vật dụng này đưa lại cho người xem sự rùng mình về tác động từ những đồ vật rác thải nhỏ nhất.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tháng 9/2019 đã mời 15 học sinh từ một số trường học tại Hà Nội cùng tham gia “Xưởng sáng tạo nghệ thuật” dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ Bianca Hoffrichter (Australia). Các em học sinh đã được nghệ sĩ Bianca Hoffrichter hướng dẫn cách sáng tạo và làm ra sản phẩm từ những túi nilon tái chế, chụp ảnh về thực trạng sử dụng đồ nhựa trong cuộc sống chung quanh mình, sau đó các tác phẩm được đưa ra triển lãm với tên gọi Nghĩ khác. Người xem đến với triển lãm rất ngạc nhiên khi thấy những bức vẽ trên nilon đẹp như trên giấy và những bộ váy áo được trang trí bằng vỏ bọc kẹo nhưng vẫn đẹp long lanh. Qua đó, các tác phẩm đã đem đến một cái nhìn về mối quan hệ giữa chúng ta với đồ nhựa và những phương cách tái sử dụng đồ nhựa sáng tạo.

Tạo tiếng vang còn phải kể đến triển lãm Hành tinh nhựa tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (Hà Nội) gồm các tác phẩm sắp đặt, điêu khắc, tương tác do các nghệ sĩ có tên gọi “Tò he” thực hiện. Trong đó, 4 tác phẩm điêu khắc Đại dương, Cánh đồng, Lốc xoáy, Gia đình rất được chú ý. Thông qua hàng chục nghìn vật liệu nhựa đã qua sử dụng, được thu gom từ khắp mọi nơi, các nghệ sĩ đã tạo ra các tác phẩm kích cỡ lớn, mở ra những góc nhìn không giới hạn về cuộc sống, về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người và giữa con người với chính bản thân mình. Ở đó, nhựa là một hiện hữu không thể chối bỏ. Được sáng tạo từ đồ nhựa đã qua sử dụng vốn bị cho là không còn công dụng nhưng các tác phẩm trong triển lãm đã gợi mở những chiêm nghiệm về giá trị của nhựa, tự thân là một phát minh quan trọng của nhân loại, song qua quá trình sử dụng thiếu ý thức của con người đã gây nên nhiều hệ lụy tiêu cực đối với môi trường sống.


Phạm Hoa
Ý kiến của bạn