Hà Nội

Nghệ thuật truyền thống: Vui buồn từ chương trình giải trí

20-12-2017 12:05 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thời gian gần đây, nhiều gameshow, chương trình giải trí trên truyền hình ở nước ta có những tiết mục về nghệ thuật truyền thống (chèo, cải lương, ca trù...) được người xem đón nhận.

Từ đó, nhiều khán giả kỳ vọng nghệ thuật truyền thống sẽ có thêm sức sống. Tuy nhiên, một số phần trình diễn quá đà, ít tính sáng tạo đã không cho thấy được “chất” của nghệ thuật truyền thống.

Mừng thầm...

Không thể phủ nhận, các chương trình thực tế, gameshow nở rộ ở nước ta vài năm trở lại đây và hiện tại giúp người xem có thêm lựa chọn giải trí trên sóng truyền hình. Nhiều chương trình, cuộc thi chuyên về cải lương như Chuông vàng vọng cổ, Ai rành sáu câu, Hò xự xang xê cống, Tài tử tranh tài... đã giúp bộ môn cải lương lan tỏa qua các phần trình diễn của các thí sinh chuyên và không chuyên (hoặc nghệ sĩ). Trong khi đó, các gameshow như Làng hài mở hội, Cười xuyên Việt, Cùng nhau tỏa sáng, Hội ngộ danh hài, Ơn giời! Cậu đây rồi... cũng có không ít trích đoạn từ những vở cải lương, chầu văn, chèo được đưa lên sân khấu để tô điểm và tạo sự mới lạ cho chương trình đó. Vì vậy, bên cạnh việc giới thiệu, tìm kiếm các tài năng trẻ trong các lĩnh vực âm nhạc, xiếc, nhảy, sân khấu... thì các gameshow, chương trình đã nỗ lực đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với khán giả.Sao nối ngôi (phiên bản nhí) - chương trình tìm kiếm tài năng nhí về nghệ thuật cải lương được khán giả đón nhận thời gian qua.

Sao nối ngôi (phiên bản nhí) - chương trình tìm kiếm tài năng nhí về nghệ thuật cải lương được khán giả đón nhận thời gian qua.

Dễ dàng nhận thấy, từ các chương trình giải trí, gameshow khán giả đã được thưởng thức một số tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống ấn tượng. Điển hình tiết mục của nam ca sĩ Hoài Lâm với tạo hình và giọng hát nhẩn nha rất giống với nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu trong chương trình Gương mặt thân quen. Hoặc các màn biểu diễn nghệ thuật hát xẩm, chèo, tuồng cổ của cậu bé Đức Vĩnh tại chương trình Tìm kiếm tài năng Việt Nam rất chất lượng, điêu luyện và thuyết phục các giám khảo, khán giả cả nước. Vì vậy, Đức Vĩnh sau đó đã lên ngôi quán quân. Trong khi đó, thí sinh Lê Dương Bảo Lâm trong chương trình Cười xuyên Việt từng khiến không ít người xem xúc động, rơi nước mắt với tiết mục Kép Tư Bền...

Gần đây, chương trình truyền hình về nghệ thuật truyền thống cải lương được khán giả chú ý, đón nhận là Sao nối ngôi (gồm phiên bản nhí và phiên bản cho người lớn - PV). Tại chương trình này, các thí sinh đều là con của những nghệ sĩ tên tuổi, họ thừa hưởng tài năng và truyền thống nghệ thuật của gia đình tuy có thể mỗi người đều chọn một lĩnh vực, con đường riêng. Các phần thi của thí sinh được dàn dựng công phu và độc đáo, kết hợp nhiều thể loại như: tân nhạc, cổ nhạc - cải lương, kịch nói, nhảy múa... để chinh phục các giám khảo là nghệ sĩ giàu kinh nghiệm. Theo NSND Bạch Tuyết, qua Sao nối ngôi và những gì thế hệ tiếp nối thể hiện, nghệ thuật cải lương dù có lúc thăng lúc trầm nhưng sẽ không bao giờ chết.

Nỗi lo chất lượng

Không thể phủ nhận, nghệ thuật truyền thống được đưa lên sân khấu gameshow, chương trình kể trên đã giúp một số loại hình nghệ thuật tưởng chừng như thất thế lại được sáng đèn và nhiều người biết đến. Tuy nhiên, thực tế cũng phản ánh thí sinh, người chơi khi biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong các chương trình, gameshow giải trí còn không ít “sạn”.

Ngược dòng thời gian, trong chương trình Gương mặt thân quen 2016, thí sinh Bạch Công Khanh trong đêm thi cuối đã hóa thân thành NSND Bạch Tuyết với trích đoạn cải lương Kiều Nguyệt Nga. Tuy nhiên, phần hóa thân của Bạch Công Khanh chưa thuyết phục, đồng thời khán giả tỏ ra thất vọng bởi “Xem Kiều Nguyệt Nga mà như thể Thị Mầu bị chuốc rượu”. Bên cạnh đó, công chúng xem tiết mục Tấm Cám với sự tham gia của diễn viên Ngọc Lan trong chương trình Ơn giời! Cậu đây rồi từng phát hoảng với tạo hình giả gái “xấu hết chỗ” của Chí Tài, Trường Giang. Ngoài ra, tại chương trình Hội ngộ danh hài, trong tiết mục tái hiện một trích đoạn hài hước của vở cải lương nổi tiếng Đời cô Lựu, MC Trấn Thành (vai anh thợ bạc) có lời thoại trước vẻ đẹp “phồn vinh” của cô ôsin (NSND Ngọc Giàu) khiến khán giả thấy nhảm nhí hơn là gây cười: “Anh đi ngao du khắp chốn chưa thấy người phụ nữ nào có nét đẹp hội tụ như em. Thịt, cá, trứng, sữa nằm trong em hết đó em ơi. Em là tháp dinh dưỡng bao béo phì đó em”.

Trước những tiết mục “lỗi” kể trên, một số nghệ sĩ làm nghề không khỏi băn khoăn và tỏ ý lo ngại. Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên chỉ ra rằng, đa số các tiết mục chỉ là những lựa chọn mang tính tùy hứng của nghệ sĩ, chứ không phải do trăn trở vì nghệ thuật truyền thống mà làm. Theo NSƯT Triệu Trung Kiên, việc nghệ sĩ, thí sinh lựa chọn biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong chương trình, gameshow trên cơ sở tiết mục đó có thể giúp họ đạt được những mục đích như gây cười. Tuy nhiên, khi bị chỉ trích, người ta lại nhân danh làm mới nghệ thuật truyền thống và đó là sự bao biện nực cười. Trong khi đó, theo nghệ sĩ hát bội Thái Hòa, các tiết mục dàn dựng không kỹ lưỡng, chú trọng hình thức để gây sự chú ý, chạy theo phong trào chứ chưa thực sự trọng tâm vào chất lượng tiết mục. “Tôi nghĩ nhà sản xuất quan tâm tới rating (sự quan tâm theo dõi của khán giả đối với chương trình - PV) nhiều hơn chứ chưa thực sự chú tâm vào việc muốn vực dậy những bộ môn nghệ thuật truyền thống” - nghệ sĩ Thái Hòa chia sẻ.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn