Nghệ thuật truyền thống lên phim: Ít nhưng chất

01-12-2020 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đưa nghệ thuật truyền thống vào điện ảnh là cách làm góp phần bảo lưu và quảng bá giá trị nghệ thuật xưa đến với khán giả. Mặc dù số lượng còn hạn chế nhưng một số phim về nghệ thuật truyền thống gần đây ở nước ta đều có chất, đem lại nhiều xúc cảm với người xem.

Tác phẩm được chú ý gần đây là phim tài liệu Đoạn trường vinh hoa (đạo diễn Lê Mỹ Cường và Thanh Nguyễn) do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện trong hơn 1 năm. Sau những buổi chiếu miễn phí tại Hà Nội, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, bộ phim này đã được đem ra chiếu tại các cụm rạp của BHD Star từ trung tuần tháng 11/2020. Nhiều khán giả chia sẻ, Đoạn trường vinh hoa là phim gây xúc động mạnh vì cho thấy những hỉ - nộ - ái - ố của những con người theo đuổi nghệ thuật truyền thống trong đời sống đương đại.

Đoạn trường vinh hoa kể về hành trình gánh cải lương tuồng cổ của nữ nghệ sĩ Phương Ánh (nhân vật chính) còn sót lại rong ruổi qua những đình làng, cổ miếu ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trên ánh đèn sân khấu hoa lệ, họ là những ông hoàng bà chúa nhưng khi bức màn nhung sân khấu hạ xuống, họ cũng là những người lao động chân lấm tay bùn, chật vật với đời sống mưu sinh. Lênh đênh dọc ngang theo kênh nước miền Tây, gánh cải lương của nghệ sĩ Phương Ánh trải qua không ít thăng trầm. Tưởng chừng, ánh hào quang sẽ đến bên gánh cải lương dày dặn kinh nghiệm, lâu năm ấy, nhưng thực chất, chén cơm manh áo khiến cho họ chật vật để giữ được ước mơ với nghệ thuật tuồng cổ này.

Cảnh trong phim Đoạn trường vinh hoa.

Cảnh trong phim Đoạn trường vinh hoa.

Họa mặt, làm phục trang, chuẩn bị đạo cụ, thiết kế sân khấu,... tất tần tật, mỗi nghệ sĩ đều thành thạo như một chuyên viên chuyên nghiệp của các ê-kíp diễn hiện đại. Chỉ cần bước ra sân khấu, họ như những nhân vật hào sảng bước ra từ những câu hát chứ không phải là người vừa mới xắn tay áo, gấu quần để chạy từng bữa cơm đạm bạc, những giấc ngủ vội khi chưa kịp tẩy trang. Dù bao gian khó, tình yêu với những câu hát cải lương, nghệ thuật bao đời ấy vẫn khó ai thay thế được.

Thực tế, đưa những loại hình nghệ thuật truyền thống vào phim đã được nhiều nhà làm phim ở nước ta thực hiện từ lâu. Có thể kể đến phim Trăng nơi đáy giếng (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn), nhân vật Hạnh như được giải thoát khỏi những cay đắng, bế tắc của mình khi cô được tham gia vào màn hát văn - hầu đồng tại nhà bà thầy cúng. Được sống trong không khí uy linh của tín ngưỡng hầu đồng dường như tâm hồn Hạnh được an ủi. Hay trong Bao giờ cho đến tháng mười,  đạo diễn Đặng Nhật Minh đã cho nhân vật Duyên diễn chèo. Bên cạnh đó, trong phim truyền hình Thương nhớ ở ai (đạo diễn Lưu Trọng Ninh), ngoài nội dung chính khắc họa số phận bi kịch của những phụ nữ nông thôn thời hậu chiến, nhân vật Nương (Thanh Hương thủ vai) gây ấn tượng mạnh với những phân cảnh hát ca trù, xẩm và hát ru.

Đặc biệt phải kể đến phim chiếu rạp Song lang của đạo diễn Leon Lê, Ngô Thanh Vân sản xuất. Lấy bối cảnh Sài Gòn những năm 1980, chuyện phim xoay quanh cuộc tao ngộ giữa kép hát Linh Phụng (Isaac đóng) và Dũng Thiên Lôi (Liên Bỉnh Phát) - gã đòi nợ xuất thân gia đình cải lương. Khi đi đòi nợ tại đoàn cải lương Thiên Lý, Dũng chạm mặt Linh Phụng - kép nam chính của đoàn. Họ mới đến thành phố và bắt đầu những buổi diễn đầu tiên. Khi ở cùng Linh Phụng, Dũng dần bị cảm hóa và tìm lại tình yêu nghệ thuật mà anh cố quên đi. Hai con người xa lạ được kết nối bởi sợi dây liên kết vô hình, bởi tấm lòng với nghệ thuật cải lương. Song lang chinh phục được người xem bởi ngoài diễn xuất của 2 diễn viên chính, bối cảnh hoài cổ còn ở chỗ cải lương được đưa vào phim tự nhiên, bình dị, đời thường, với những phút giây thăng hoa của nghệ sĩ trên sân khấu nhưng ẩn chứa nhiều tâm sự phía sau cánh gà.

Phim điện ảnh khác cũng được yêu thích là Dạ cổ hoài lang của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Phim kể về ông Tư Lành (NSƯT Hoài Linh) và ông Năm Triều (Chí Tài) sống ở đất nước cờ hoa, nhớ về quê hương Việt Nam. Cảnh ông Tư Lành thể hiện nhạc phẩm chủ đề - Dạ cổ hoài lang - tạo cao trào cảm xúc khiến nhiều khán giả rơi nước mắt qua giọng hát nghẹn ngào, cùng ánh mắt rưng rưng của NSƯT Hoài Linh lột tả khoảnh khắc ông Tư Lành nhớ về người vợ quá cố.


Sơn Tùng
Ý kiến của bạn