Đạo diễn Hồ Ngọc Xum từng chia sẻ rằng ông đang mang một nỗi buồn rất ư là nghề nghiệp. Ấy là nỗi buồn của một người trong làng giải trí khi thấy những người nông dân, dân nghèo đang bị đẩy dần xa những phương tiện giải trí.
Trong mấy năm gần đây, số đầu phim Việt Nam được phát sóng lên tới hàng trăm bao gồm cả ngắn tập và dài tập. Nhưng trong số đó, phim có đề tài nông thôn, nông dân thực sự không nhiều. Gây tiếng vang nhất của đề tài này trong thời gian qua là hai bộ phim Ma làng và Gió làng Kình. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết, sau khi Ma làng phát sóng được khoảng 5 tập thì spot quảng cáo đăng ký đã lên tới hàng trăm cho mỗi tập phim. Điều này không biết có xảy ra với bộ phim Bỗng dưng muốn khóc vừa đạt giải Khán giả truyền hình yêu thích nhất năm 2008-2009 mới đây không nhưng rõ ràng với người xem, đề tài gì không quan trọng, miễn là phim phải hay. Sắp tới đây, bộ phim truyền hình về cựu Bí thư tỉnh ủy Phú Thọ Kim Ngọc nổi tiếng với cơ chế khoán hộ trong nông nghiệp được trình chiếu hứa hẹn sẽ thu hút được sự quan tâm của người xem. Duy chỉ có điều thắc mắc là tại sao phim về đề tài nông thôn, nông dân tạo sức hút với dư luận đâu kém các đề tài khác mà cứ ngày một ít đi và trở nên vô cùng lép vế so với các đề tài khác, nhất là so với đề tài thị dân cùng những vấn đề "hot" trong đời sống hiện đại. Đã thế, phần nhiều những bộ phim đang được trình chiếu nhan nhản ở màn hình lớn, màn hình nhỏ đều rất xa lạ với đông đảo công chúng nước ta với những ngôi nhà bạc tỷ, nội thất sa hoa, ô tô sang trọng, chân dài dập dìu, trang phục lộng lẫy,...
Cảnh phim Bí thư tỉnh ủy - bộ phim về nông thôn có nhiều hứa hẹn. |
Theo một số người thì hiện tượng này có nguyên nhân bắt đầu từ các phương tiện truyền thông. Vì rất nhiều các nguyên nhân chủ quan, khách quan như chủ yếu chạy theo thị hiếu của người dân thành phố để thu hút quảng cáo mà các phương tiện truyền thông đã vô tình "bỏ quên" người nông dân và nông thôn. Từ suy nghĩ nhầm lẫn dẫn đến hành động lệch lạc. Đội ngũ sáng tác xa rời và hết rung cảm về người nông dân, đặt mục tiêu kiếm tiền cũng như lợi nhuận làm đầu. Do đó, những tác phẩm nghệ thuật về đề tài trên ngày một ít đi để nhường chỗ cho những đề tài hào nhoáng hơn, bóng lộn hơn nhưng phần nhiều cũng tẻ nhạt hơn, nhàm chán hơn và xa rời thực tế hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những nguyên nhân sâu sa khác. Một đạo diễn làm phim truyền hình chia sẻ, không nhiều đạo diễn thích làm phim về đề tài nông thôn. Bởi, cùng một mức kinh phí, nếu làm phim về đề tài thành phố sẽ có chi phí thấp hơn và tiện lợi trăm bề như sẵn bối cảnh, sẵn diễn viên trẻ đẹp, có khi lại kêu gọi được sự tài trợ của doanh nghiệp qua những chiêu PR sản phẩm lấp ló trong các cảnh quay của phim. Còn làm về đề tài nông thôn thì vừa phải tốn nhiều công tìm hoặc xây dựng bối cảnh, vừa vất vả về đi lại, ăn ở, sinh hoạt cho các thành viên trong đoàn phim khiến chi phí bị đội lên. Vì vậy, ngay từ khâu kịch bản các tác giả đã không mặn mà, các đạo diễn không săn đón, dẫn đến số lượng phim về đề tài này ít là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Đối với lĩnh vực sân khấu, hiện tượng hiếm vở diễn về người nông dân và nông thôn cũng đang diễn ra. Đại diện cho kịch nói ở Hà Nội là Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát kịch Hà Nội suốt nhiều năm qua không hề có một vở diễn nào đề cập đến người nông dân. Có chăng, đó chỉ là một vài nhân vật được xây dựng trong hình hài ngộ nghĩnh có tác dụng gây cười, tạo chút gia vị cho vở mà thôi. Sân khấu dân tộc như tuồng, chèo, cải lương có khá hơn nhưng cũng chưa thể coi là khả quan với số lượng vô cùng khiêm tốn. Thực ra, ngoài đề tài lịch sử vốn là thế mạnh của các loại hình nghệ thuật này thì đề tài hiện đại chưa bao giờ được coi là mảnh đất tốt. Song, giữa áo cánh quần nâu với váy đầm, comple, cravat thì đề tài nông thôn vẫn được thể hiện khá thành công trên sân khấu truyền thống. Nhưng rồi hình ảnh người nông dân cũng mờ nhạt dần và đến gần đây thì vắng bóng hoàn toàn trên sân khấu dân tộc. Để xảy ra tình trạng này, các nhà hát không thể biện minh rằng khán giả đến rạp ngày hôm nay chủ yếu là người thành phố nên không thể dựng vở diễn phản ánh về người nông dân. Nếu vậy, hãy nhìn sang truyền hình, phim Ma làng, phim Gió làng Kình đâu chỉ có mỗi người nông dân xem, khán giả thành thị cũng "lên cơn sốt" đấy thôi. Thực tế phũ phàng này phản ánh rất rõ một thực trạng, sau khi cả đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, rùng rùng chuyển mình cùng nền kinh tế thị trường đầy sôi động, hấp dẫn và phức tạp thì tới thời điểm này, không chỉ truyền hình, các nhà hát cũng đã hết thiết tha với đề tài nông dân, nông thôn.
Trước hết, Việt Nam là một nước nông nghiệp với số dân chiếm trên 70% dân số, nhờ có nông dân, Việt Nam mới được xếp thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo. Nhờ có nông thôn, phong trào Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam đã phần nào phát huy được tác dụng khi các doanh nghiệp trong nước có những chú trọng đúng mức cho thị trường này thay vì mải mê chạy ra thị trường ngoại như trước kia. Điều này chứng tỏ rằng, cho đến nay, vai trò của người nông dân Việt Nam vẫn vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp phát triển đất nước nói chung. Phải chăng, giới giải trí đang đánh giá sai và có thái độ chia sẻ chưa đúng mức về người nông dân như các doanh nghiệp nước ta đã từng đánh giá sai thị trường nông thôn nội địa trước thời kỳ khủng hoảng kinh tế để bây giờ đang hối hả sửa sai với những nỗ lực lớn nhất có thể?
Nông thôn Việt Nam giờ đây có rất nhiều nông dân triệu phú; hàng xa xỉ phẩm như ô tô, tủ lạnh, điều hoà,... đã xuất hiện nhiều ở các làng quê. Bằng bàn tay, khối óc của mình, nhiều nông dân đã vượt khó, chăm chỉ, cần mẫn làm giàu ngay trên chính quê hương của mình với những đóng góp không nhỏ cho cộng đồng, xã hội. Đó chính là những nguyên mẫu sống động, hấp dẫn để các phương tiện truyền thông, các lĩnh vực nghệ thuật như truyền hình, sân khấu lấy làm chất liệu để xây dựng nên những hình ảnh thú vị về người nông dân trong thời đại mới.
Thu Hiền