Nghệ thuật kể bệnh chóng mặt

14-01-2020 09:00 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Chóng mặt là triệu chứng thường xuyên xảy ra, đặc biệt với các cụ già khi thăm khám. Ngồi ở “tuyến đầu” khi khám tổng quát, các bác sĩ luôn phải giữ cái “đầu lạnh” để tránh hoang mang khi các người bệnh kể chứng chóng mặt theo lối kể mơ hồ và khó đoán định như phim viễn tưởng.

Để giúp đỡ các người bệnh chóng mặt và chung tay với các bác sĩ dễ dàng hơn trong việc định bệnh, bài viết này hướng dẫn kể bệnh cho trúng thì bác sĩ mới chữa đúng, chữa khỏi được.

Sau một cú sốc đầu đời hay biến cố cuộc đời nào đó, bỗng nhiên bạn thấy chóng mặt mà trước giờ chưa bao giờ xảy ra. Lúc đó người bệnh hãy nghĩ đến chóng mặt kiểu tâm lý chứ không hẳn là chóng mặt bệnh lý. Chóng mặt kiểu tâm lý dễ nhận biết khi trời đất vẫn… đứng yên, không quay cuồng hay tối sầm lại nhưng bạn vẫn thấy đầu nhẹ hẫng, ngây ngây, choáng choáng như ở trên mây. Chóng mặt tâm lý thường xảy ra với các cụ hay chị em phụ nữ vốn tâm lý yếu nhưng vẫn thỉnh thoảng xảy ra với cánh đàn ông do tần suất công việc cao, áp lực cuộc sống lớn khiến tâm thần căng thẳng. Đây là kiểu chóng mặt rất dễ xảy ra trong cuộc sống hiện đại quay cuồng ngày nay nên người bệnh nhân cần nắm bắt để khai bệnh mạch lạc với bác sĩ để được trợ giúp về tâm lý thay vì loay hoay chẩn đoán các triệu chứng chóng mặt bệnh lý khác.

Phổ biến hơn nhóm chóng mặt tâm lý là chóng mặt xoay xoay. Người bệnh cứ khai rằng bản thân hay sự vật xung quanh xoay vòng tròn là bác sĩ có thể lập tức định được bệnh. Thêm một vài câu hỏi chuyên sâu, bệnh nhân có thể kể thêm các triệu chứng liên quan như chóng mặt khi thay đổi tư thế, điếc tai ù tai đi kèm hay bụng nôn nao, muốn ói mửa để các bác sĩ dễ xây dựng phác đồ điều trị theo hướng bệnh Meniere hay viêm dây thần kinh số 8…

Ảnh minh hoạ

Khi thấy choáng váng kiểu sắp xỉu, người bệnh có thể ghi nhớ để kể bệnh với bác sĩ những triệu chứng đại diện cho nhóm chóng mặt này như người không quay quay mà bạn bỗng thấy mắt tối sầm lại, người toát mồ hôi, da lạnh, mặt xanh tái… Khi đó, các bác sĩ sẽ có hướng điều trị cho bạn theo nhóm phản xạ vasovagal hoặc huyết áp hạ thấp khi ngồi hay đứng dậy.

Một triệu chứng không thể không nhắc đến là nhóm mất thăng bằng khi đi lại thường gặp ở người già. Đúng như tên gọi, cảm giác mất thăng bằng chỉ xảy ra khi bạn đi lại di chuyển, còn khi ngồi yên hay nằm sẽ không bị. Người bệnh khai kỹ những triệu chứng trên sẽ rất giúp ích cho các bác sĩ chẩn đoán bệnh. Các bác sĩ thường sẽ thăm khám thêm cho các cụ các bệnh lý ở mắt như cườm, bệnh lý về tai trong và các bệnh liên quan đến hệ thống thần kinh ngoại biên, tủy sống, tiểu não hay Parkinson để định rõ cơ quan nào đang làm các cụ mất thăng bằng.

Hiểu cụ thể về các triệu chứng, người bệnh sẽ dễ dàng kể bệnh với bác sĩ hơn và chủ động với các biện pháp phòng tránh, thủ sẵn thuốc trong tủ thuốc gia đình, bóp y tế mang theo người. Một số loại thuốc tỏ ra hiệu quả trong việc cắt cơn chóng mặt nhanh như Acetyl-DL-Leucine được sản xuất tại Pháp được nhiều chuyên gia khuyên dùng. Người bệnh cần hỏi ý kiến dược sĩ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Ngoài ra, thông qua việc ghi chú, trả lời 7 câu hỏi đơn giản sau đây, người bệnh sẽ càng dễ dàng hơn trong việc khai đúng bệnh với bác sĩ:

  1. Bạn cảm thấy chóng mặt cụ thể như thế nào: sắp xỉu, xoay vòng tròn, mất thăng bằng khi đi lại hay chỉ là đầu lâng lâng…
  2. Chứng chóng mặt này hay xảy ra khi nào: khi đứng lên ngồi xuống, khi đi lại, hay bất thình lình xảy ra và đỡ hơn nhiều khi nằm
  3. Triệu chứng kéo dài bao lâu và có thường xuyên tái phát, lặp lại…
  4. Các triệu chứng đi kèm: như điếc tai, ù tai hay không, có nôn mửa hay không, đau ngực, khó thở, muốn xỉu
  5. Tình trạng đã xảy ra bao lâu: Nên dùng con số mô tả cụ thể tránh những từ chung chung như mới đây, lâu lâu…
  6. Bạn có bệnh lý quan trọng nào không như huyết áp, tiểu đường
  7. Các loại thuốc bạn đang dùng, mang theo toa hay theo thuốc để bác sĩ xem


Ý kiến của bạn