Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới dù sử dụng nhiều kỹ thuật hình sự công nghệ cao trong điều tra thì không ít vụ án nhận dạng hung thủ qua kỹ thuật vẽ ký họa chân dung vẫn được sử dụng. Trong nhiều tình huống, nó trở thành phương pháp hữu hiệu để nhận dạng, phát hiện hung thủ nhanh chóng. Theo các chuyên gia, phương pháp này được ví như đưa “nghệ thuật pháp y” tham gia phá án.

Phác họa chân dung nghi phạm đang dần khẳng định vai trò hỗ trợ phá án.
Bắt phạm qua... “cây cọ”
Mới đây nhất, thủ phạm gây ra vụ bắt cóc cháu Trương Văn Hoài (1 ngày tuổi) - con của anh Trương Văn Hên (27 tuổi) và chị Nguyễn Thị Minh Tâm (41 tuổi, tạm trú tại Q.7) tại Bệnh viện đa khoa Q.7, TP.HCM đã sớm bị nhận dạng qua bức phác thảo. Qua đó, ngay sau khi nhận được tin báo từ ban lãnh đạo bệnh viện cùng người nhà cháu bé, Cơ quan CSĐT, Công an Q.7 đã nhờ họa sĩ (họa sĩ Phan Vũ Linh, 38 tuổi, giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM) tới bệnh viện tiếp xúc với cha mẹ cháu bé và các nhân chứng. Thông qua miêu tả từ nhiều nhân chứng, chân dung thủ phạm đã được nhanh chóng phác thảo. Bức chân dung sơ bộ này ký họa khuôn mặt người phụ nữ cao khoảng 1,5m - dáng người mập, da trắng, đeo dạng kính cận màu trắng được Cơ quan CSĐT và họa sĩ phối hợp chỉnh sửa bằng kỹ thuật 3D để giống với chân dung thật hơn. Chỉ 4 ngày sau đó, nghi phạm được cho là bắt cóc trẻ sơ sinh nói trên bị các lực lượng công an bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, thủ phạm Lê Thị Bích Trâm (SN 1989, ngụ P. Tân Hưng, Q.7, tạm trú xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) đã khai nhận toàn bộ hành vi “bắt cóc” của mình. Điều đáng nói là theo Đại tá Nguyễn Hoàng Tuấn - Trưởng CA Q.7: Hình ảnh phác họa chân dung của họa sĩ đã giúp cơ quan điều tra nhanh chóng khoanh vùng, tìm ra thủ phạm. Nhận dạng đối tượng qua bức phác họa giống tới hơn 90% hình ảnh thật của đối tượng Trâm khi bị bắt giữ. Trước đó, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai liên tục xảy ra các vụ cướp, hiếp. Đối tượng gây án thuộc dạng “xuất quỷ nhập thần” bởi hắn liên tục phạm tội trong thời gian dài mà không hề bị phát hiện. Trong khi tìm mọi cách giải quyết vẫn không có hiệu quả, Ban chuyên án liền nghĩ ra phương án tìm tới các nạn nhân để vẽ lại hung thủ qua những lời kể từ nạn nhân. Họa sĩ Võ Tấn Thành (63 tuổi, ấp Tân Bình, P. Bửu Hòa, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) được mời tham gia chuyên án với mật danh DB-99. Chỉ sau 2 tháng, “tác giả” của những vụ cướp, hiếp gây chấn động Quốc lộ 51 phải tra tay vào còng, đó chính là nhờ một phần đóng góp không nhỏ của họa sĩ Thành. Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Đồng Nai cũng nhận định: “Nhờ những nét vẽ của anh Thành mà lực lượng công an phá án nhanh hơn, anh em chiến sĩ đỡ tốn mồ hôi xương máu”.

Họa sĩ Linh phác họa chân dung nghi phạm giúp phá án.
Kỹ thuật cần nhân rộng
Việc đưa “nghệ thuật pháp y” nhập cuộc cũng tham gia phá án hiện tại còn rất hạn chế bởi những người có khả năng “truyền thần” dựng chân dung qua lời kể không phải nhiều. Bản thân trong các viện kỹ thuật hình sự, các trường có Bộ môn Pháp y chưa có những lớp đào tạo đặc biệt này. Đại tá Nguyễn Minh Thông - Chánh văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cho biết: Tại một số quốc gia phát triển đã thực hiện phương pháp này từ rất lâu, họ có cả ngành khoa học chuyên về lĩnh vực nhận dạng, có hệ thống dữ liệu điện tử trong đó chứa hầu hết các đặc điểm cấu trúc của nét mặt con người. Họ đào tạo ra đội ngũ cán bộ chuyên sâu về lĩnh vực này, khi cần truy tìm đối tượng chưa có hình ảnh, họ sẽ sử dụng các nhân chứng để dựng lên chân dung gần giống nhất với khuôn mặt thật của người cần truy tìm dựa trên hệ thống dữ liệu lưu trữ, cắt ghép lại thành hình dáng đầy đủ của người cần truy tìm. Thực tế, tại TP.HCM, phương pháp này cũng từng được áp dụng nhưng cũng là phương pháp vẽ thủ công và phải trưng dụng người có chuyên môn, kỹ thuật là các họa sĩ chứ chưa có cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực này. Hiện nay, ở Việt Nam, Bộ môn Khoa học kỹ thuật hình sự đã có và phục vụ rất hiệu quả cho quá trình điều tra. Tuy nhiên, chuyên môn sâu về phác thảo, khắc họa chân dung nghi phạm khi cần thiết thì hầu như chưa được đào tạo bài bản và chưa có đội ngũ chuyên môn về lĩnh vực này. Bởi vì khi dựng được chân dung đối tượng, đăng tải trên các phương tiện truyền thông thì hầu hết người dân đều có thể nhận diện, tố giác khi nhìn thấy. Thân nhân của nghi phạm - nếu biết cũng sẽ tìm cách tác động tới nghi phạm bởi chân dung đã được xác định thì khó có thể trốn thoát, buộc phải ra đầu thú.
Đại úy Nguyễn Công Minh - Đội trưởng Đội Giám định hóa kỹ thuật pháp lý và pháp y sinh vật, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Khi các nghệ sĩ pháp y có thể bắt đầu sáng tác chân dung, công việc đầu tiên và quan trọng nhất là tiến hành các cuộc phỏng vấn nhân chứng để có một hình dung về đối tượng. Nhưng việc phỏng vấn cũng cần phải được thực hiện theo những kĩ năng điêu luyện vì thông thường, các nhân chứng rất khó nhớ lại đặc điểm của nghi phạm một cách cụ thể.
Đại úy Minh đánh giá thêm: Công việc của nhà khoa học pháp y rất phức tạp, đặc biệt là việc vẽ lại chân dung của kẻ tình nghi. Việc phỏng vấn nạn nhân trong một sự kiện bi thảm và dựng lại được phần trí nhớ cùng với ấn tượng của họ là vô cùng khó khăn. Phải hết sức thận trọng khi làm điều đó. Thường thì trí nhớ của nhân chứng ghi lại các khuôn mặt cùng với những tình cảm của họ lúc chứng kiến sự kiện. Công việc của các nhà pháp y là phải lần ngược quá trình mã hóa những cảm xúc ấy để tìm ra nhân dạng chính xác của kẻ tình nghi.
Ngọc Đỗ - Viễn Phương