Nghệ thuật đường phố “thức giấc”

01-08-2020 17:00 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Nghệ thuật đường phố ở nước ta ra đời muộn hơn so với các nước trên thế giới, tuy nhiên gần đây đã có nhiều chương trình, không gian giúp các nghệ sĩ và khán giả gần nhau hơn, tạo thành sản phẩm văn hóa để hút khách du lịch.

Tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP. Hồ Chí Minh), các hoạt động nghệ thuật đường phố phục vụ nhân dân đã được tổ chức, diễn ra định kỳ vào tối hai ngày cuối tuần bắt đầu từ tháng 7/2020. Tại đây, công chúng và du khách được thưởng thức những tiết mục đặc sắc từ nghệ thuật truyền thống, xiếc, ảo thuật và các tiết mục nghệ thuật mang tính quốc tế. Người dân đã mãn nhãn với sự kết hợp giữa nghệ sĩ BeatBoxer Flow D với nghệ sĩ đàn nhị và sáo, nghệ sĩ xiếc tài danh Hiển Phước, Thanh Hoa, ảo thuật gia Trần Anh Đức, ban nhạc Flamenco Gipsy Fire, nhóm nhảy dance Sport Khánh Thi... trình diễn.

Tại sân đền thờ vua Hùng (nằm trong Thảo cầm viên TP.HCM) vừa qua, các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật hát bội cũng đã tổ chức hoạt động trưng bày mặt nạ, hình ảnh nhân vật, trang phục hát bội, các nghệ sĩ “khoe” kỹ năng vẽ mặt... Không gian mở nên rất đông gia đình đi chơi Thảo cầm viên ghé vào xem các nghệ sĩ biểu diễn. Từ những em nhỏ đến các bậc phục huynh đều ấn tượng với các trích đoạn các vở hát bội, hoặc NSƯT Hữu Danh trò chuyện về tính ước lệ của không gian, thời gian trong hát bội, kỹ thuật dùng roi cách điệu ngựa phi...

Nghệ thuật đường phố Các nghệ sĩ xiếc biểu diễn tại phố đi bộ Hà Nội.

Cuối tháng 5/2020, tại khu vực đường bao biển Bãi Cháy (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng tổ chức diễn diễu nghệ thuật xiếc đường phố phục vụ người dân. Trên hành trình diễu hành, các nghệ sĩ đã cống hiến cho du khách và người dân những tiết mục xiếc đặc sắc nhất kết hợp cùng âm thanh điện tử sôi động. Đó có thể là các nghệ sĩ biểu diễn lắc vòng, đi cà kheo, đi xe đạp nghệ thuật, giao lưu cùng du khách... Trong khi đó, người dân và du khách từng đến với Lễ hội hoa phượng đỏ ở Hải Phòng những năm gần đây cũng đã được hòa mình vào không gian nghệ thuật đường phố sống động. Ấn tượng nhất là Đoàn múa rối Hải Phòng dựng một bể nước nhỏ vài chục mét vuông,  rồi biểu diễn các tiết mục múa rối nước phục vụ miễn phí người dân. Giữa không gian phố phường, mọi người được thưởng thức các vở rối đa dạng, tạo hình những chú Tễu, người nông dân dắt trâu cày ruộng...được điều khiển bởi các nghệ sĩ tài hoa khiến lễ hội thêm sinh động, nhiều màu sắc.

Hoạt động nghệ thuật đường phố có lẽ phát triển nhất ở Hà Nội, đặc biệt từ lúc Thủ đô tổ chức phố đi bộ là các tuyến phố quanh khu vực Hồ Gươm. Hai ngày cuối tuần, từ sáng đến tối, ai cũng có cơ hội thưởng thức các loại hình văn hóa nghệ thuật từ truyền thống đến hiện đại. Loại hình văn hóa dân gian truyền thống có mặt trong nghệ thuật đường phố ở phố đi bộ Hà Nội hết sức dung dị với: xẩm, quan họ, đờn ca tài tử, sáo Mông. Bên cạnh đó là các phần trình diễn âm nhạc bác học phương Tây đủ thứ với: tứ tấu đàn dây, độc tấu ghi-ta, accoustic, Jazz, beatbox, ảo thuật, hip-hop, du ca. Bước đến phố đi bộ Hà Nội, mọi người có thể tìm cho mình loại hình nghệ thuật nào phù hợp và yêu thích. Nếu không thích âm nhạc có thể ngồi xem các họa sĩ chuyên lẫn không chuyên vẽ ký họa, xem triển lãm, chơi các trò chơi dân gian như ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, kéo co...

Nghệ thuật đường phố đã, đang phát triển ở nhiều tỉnh, thành ở nước ta là thực tế không thể phủ nhận. Hoạt động này có thể diễn ra trong một sự kiện hoặc được xây dựng thành một “sản phẩm văn hóa” được tổ chức thường xuyên như tại Hà Nội, TP.HCM. Nghệ thuật đường phố vừa thỏa “cơn khát” giải trí, thưởng thức nghệ thuật của đông đảo công chúng, lại vừa trở thành sân chơi bổ ích mang tính kết nối, giúp nghệ sĩ - khán giả không còn khoảng cách như biểu diễn ở sân khấu. Tính cơ động, ngẫu hứng của nghệ thuật đường phố cũng tạo ra một “sân khấu di động” mà ở đó các loại hình nghệ thuật biểu diễn được thể hiện theo nhiều cách khác nhau, trải dài từ đường phố này đến góc phố kia để tạo nên xúc cảm, ấn tượng với công chúng.


Sơn Tùng
Ý kiến của bạn