Nghệ thuật đương đại không thể xa rời truyền thống

13-07-2013 15:16 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nghệ thuật đương đại ở nước ta đang đi một con đường riêng, tách rời với những giá trị của di sản văn hóa dân tộc. Các nghệ sĩ trong lĩnh vực này luôn tự đề cao yếu tố tự do sáng tạo để tự “cắt mình” ra khỏi bề dày truyền thống dân tộc.

Nghệ thuật đương đại ở nước ta đang đi một con đường riêng, tách rời với những giá trị của di sản văn hóa dân tộc. Các nghệ sĩ trong lĩnh vực này luôn tự đề cao yếu tố tự do sáng tạo để tự “cắt mình” ra khỏi bề dày truyền thống dân tộc. Chính điều đó đã khiến cho nghệ thuật đương đại, dù không còn quá mới mẻ ở Việt Nam nhưng vẫn rất xa lạ với số đông công chúng...

Bỏ quên di sản

Trong quá trình hội nhập văn hóa quốc tế, nhiều luồng nghệ thuật mới đã du nhập vào nước ta. Nghệ thuật đương đại đã hình thành từ trào lưu đó. Các nghệ sĩ đam mê cái mới lạ đã mày mò, học hỏi và thử nghiệm với thứ nghệ thuật này. Nhưng tiếc rằng, trong khi không ít nghệ sĩ trên thế giới luôn ý thức rất rõ mặt trái của quá trình toàn cầu hóa, đó là sự suy thoái của những giá trị văn hóa truyền thống và họ tìm mọi cách để đưa những di sản này vào trong những sáng tạo nghệ thuật mới thì ở Việt Nam, phần lớn các nghệ sĩ làm nghệ thuật đương đại, tự cho mình đang “hiên ngang” trên con đường mới thênh thang, lại bỏ quên vốn di sản của cha ông để lại.

Nghệ thuật đương đại không thể xa rời truyền thống 1Tranh Điệu múa cổ của Nguyễn Tư Nghiêm.

Nhận định về tầm quan trọng của những di sản, như nét khu biệt nghệ thuật Việt, dân tộc Việt với thế giới, bà Đoàn Thị Thu Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) khẳng định: Khi các nghệ sĩ muốn tiến ra thế giới thì để khẳng định mình, không gì khác họ phải có nét riêng. Nét riêng đó chính là nét đặc sắc mang đặc trưng dân tộc, những giá trị di sản truyền thống của cha ông. Nhiều nghệ sĩ ở ta vẫn cứ lầm tưởng hội nhập là thế giới có thế nào mình cũng làm như thế, nhưng điều đó không phải, nếu anh chỉ giống họ thì anh sẽ chỉ là con số không mà thôi.

Di sản là tài sản quý mà các thế hệ trước để lại cho thế hệ sau. Những giá trị ấy không chỉ mang ý nghĩa về văn hóa dân tộc mà còn mang ý nghĩa lịch sử, giáo dục, thẩm mỹ rất cần được khai thác và phát huy trong cuộc sống hiện đại. Còn nghệ thuật đương đại là nghệ thuật đương thời, nói lên tiếng nói của cuộc sống hiện đại. Nhưng điều ấy cũng không có nghĩa nghệ thuật đương đại tách biệt hoàn toàn với những giá trị di sản của thế hệ trước để lại. Tuy nhiên, ở nước ta thời gian qua, dường như các nghệ sĩ đương đại đang “cố tình” tách biệt di sản và đương đại. Điểm qua một vài triển lãm hiện nay có thể thấy các nghệ sĩ chưa thực sự quan tâm đến di sản. Di sản là những giá trị bền vững, là cái gốc. Hiện trong các trường đại học mỹ thuật cũng chưa quan tâm đến vấn đề này.

Lấy ví dụ về di sản đình làng vùng châu thổ Bắc Bộ, giới nghiên cứu không khỏi xót xa trước thực trạng di sản này đang dần bị lãng quên, mất vai trò trong cộng đồng xã hội. Trước kia, đây là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng của làng xã, đặc biệt những nét điêu khắc, kiến trúc trang trí đẹp mắt, độc đáo. Nhưng hiện giờ, tất cả đang đứng trước nguy cơ mai một và biến mất. Con người dường như không có ý thức về sự cần thiết phải giữ gìn nó. Ngay đến giới nghệ sĩ vốn là những người phải rõ hơn ai hết về những giá trị đó cũng đang theo xu hướng loại dần nó ra khỏi những sáng tạo nghệ thuật của mình. Cứ nhìn qua những cuộc triển lãm, trình diễn, sắp đặt thời gian qua, đủ để thấy các nghệ sĩ “khát khao” cái mới như thế nào. Họ sẵn sàng gạt ra ngoài sáng tạo nghệ thuật những gì thuộc về quá khứ với lý luận rằng “nếu đưa vào thì đâu còn gọi là đương đại”. Vậy là ngay cả trong ý thức, nghệ sĩ cũng thấy rằng không cần phát triển sáng tạo trên nền cái cũ. Chính điều này sẽ góp phần làm cho những di sản bị mai một và đứng trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn vào một thời điểm nào đó...

Nói về điều này, TS. Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cho rằng: “Đừng đối lập di sản với đương đại bởi đương đại sẽ là di sản của 50 năm sau. Giữa hai cái di sản và đương đại là không có mâu thuẫn. Nó chỉ mâu thuẫn khi người sáng tạo không có cái chất di sản trong người để thể hiện thành tác phẩm”.

Di sản phải sống trong tiềm thức

Đúng như TS. Nguyễn Văn Việt đã nói, nếu không có chất di sản trong người thì dù có muốn, người nghệ sĩ cũng không thể có chất liệu để biến thành sáng tạo. Hiện trạng nghệ thuật đương đại xa rời với những giá trị di sản truyền thống, dù sao cũng chỉ là biểu hiện ra bên ngoài của sự yếu kém trong sáng tạo. Công chúng rõ ràng chỉ tôn vinh những sáng tạo là kết tinh của di sản và đương đại. Không có một nghệ sĩ nào có thể hùng hồn vỗ ngực tuyên bố rằng đứa con tinh thần của mình được đón nhận bởi nó hoàn toàn hiện đại. Dù muốn hay không muốn, các nghệ sĩ cũng phải chấp nhận một điều rằng, họ đã và đang sống giữa dòng chảy của di sản từ ngàn đời nay. Cái mới, dù có thế nào đi chăng nữa, cũng được thành hình “hoàn chỉnh” từ việc chưng cất những giá trị di sản.

Tuy nhiên, tiếp thu những giá trị di sản không phải là cứ bê nguyên xi hình ảnh của di sản vào, mà phải hiểu được tường tận về di sản đó để có thể chắt lọc tinh hoa của nó. Không phải cứ vẽ đình chùa, vẽ chữ Hán mới là tiếp thu giá trị di sản mà chúng ta phải biết tiếp thu từ bố cục, màu sắc, đường nét... Nếu nhìn vào tranh của các danh họa như Nguyễn Tư Nghiêm, hay nghe âm nhạc trong sáng tác của Nguyễn Cường... sẽ thấy được cái bệ đỡ truyền thống bởi dấu ấn di sản văn hóa trong đó. Cũng phải nói thêm, học hỏi tinh hoa văn hóa dân tộc để đưa vào những sáng tạo nghệ thuật đương đại là không dễ, đòi hỏi sự kì công. Muốn có một sự thay đổi thì trước tiên cần phải đào tạo để chính những sinh viên các trường nghệ thuật nhận thức được vấn đề. Một khi họ đã có ý thức về việc phát huy những giá trị di sản của cha ông thì tự khắc sẽ biết tìm được đường đi để kết hợp nó với những giá trị đương đại một cách nhuần nhuyễn nhất.

Một khi đã có những tác phẩm nghệ thuật không xa rời với giá trị di sản truyền thống thì chắc chắn công chúng sẽ hiểu và yêu mến. Dễ thấy thời gian qua, nghệ thuật đương đại vẫn cứ loay hoay trong việc tìm khán giả, cũng một phần bởi nó quá xa lạ với thẩm mỹ lâu đời của người Việt. Đã đến lúc các nghệ sĩ đương đại cần phải nhìn lại giá trị những sáng tạo của mình, nhận thức được ý nghĩa của di sản. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại mới thực sự là con đường đi tới trái tim khán giả. Nếu nghệ thuật đương đại Việt Nam không tiếp cận di sản truyền thống thì có thể chỉ là “bản nhái” của nghệ thuật đương đại châu Âu, châu Mỹ và trở nên xa lạ với chính người Việt Nam... Di sản phải là bệ đỡ cho chúng ta đi. Nghệ thuật đương đại học trong di sản ở thần thái. Mỹ thuật hiện đại, đương đại chưa cắt đuôi mỹ thuật truyền thống trong khi truyền thống đang làm rộn rã trên 90% dân số đất nước này. Muốn văn hóa Việt Nam đúng là Việt Nam thì phải hiểu được mỹ thuật truyền thống là gì, phải nắm bắt được thần thái của nó. Muốn bước vào tương lai một cách vững chắc phải bắt đầu từ truyền thống, hiểu truyền thống”.

Khánh Nguyên



Ý kiến của bạn