Nghệ thuật công cộng và nghệ sĩ Ly Hoàng Ly

27-01-2020 14:26 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới, tìm hiểu các nền văn hóa, quan sát đời sống con người ở các quốc gia khác nhau, tôi quan tâm rất nhiều môi trường sống, yếu tố tác động nhiều nhất đến nhân cách, hành vi của con người.

Môi trường sống không chỉ là thiên nhiên tươi đẹp, sạch sẽ mà còn chứa đựng những tác phẩm nghệ thuật công cộng (public art), một chất xúc tác quan trọng trong việc tạo ra những tương tác xã hội có ý nghĩa, mang đến những chia sẻ thú vị, giúp con người xuất hiện khả năng đối thoại, phản ánh bản thân với môi trường xung quanh.

Ly Hoàng Ly, con gái Hà Nội, cháu nội bác sĩ Hoàng Thụy Ba.

Ly Hoàng Ly, con gái Hà Nội, cháu nội bác sĩ Hoàng Thụy Ba.

Với đặc điểm sử dụng và biến đổi các không gian đơn thuần, có sẵn và tạo ra những trải nghiệm mới, kích thích trí tưởng tượng, xúc cảm, làm phong phú các giá trị thẩm mỹ cho cộng đồng dân cư, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa - nghệ thuật cũng như củng cố bản sắc chung của cộng đồng và mối liên kết, sự chia sẻ giữa các cá thể của cộng đồng đó...

Có thể nêu một vài ví dụ để thấy công trình nghệ thuật công cộng được thế giới chú trọng như thế nào:

Cloud Gate - Cổng mây của  Anish Kapoor (người Anh, gốc Ấn). Ra đời năm 2006. Nằm trong khuôn viên Công viên Thiên niên kỷ. Hay Waste Landscape - Phong cảnh phế thải của Elise Morin & Clemence Eliard (người Pháp), đã dùng hơn 60.000 đĩa CD bỏ đi trong một diện tích 600m2 tại Trung tâm Văn hóa Le Centquatre, Paris, Pháp. Hay Đài phun nước Crown Fountain của Jaume Plensa (người Tây Ban Nha) bao gồm hồ nước đá granite, hai màn hình LED, gạch thủy tinh, nước. Cao 15m. Ra đời năm 2004...

Khi tới những nơi đó, tôi không chỉ thấy người dân sở tại yêu quý và tự hào về thành phố của họ, họ sống thân thiện với môi trường, với người xung quanh mà còn thấy lượng khách khổng lồ từ khắp nơi trên thế giới đổ về để chiêm ngưỡng thành phố và các tác phẩm nghệ thuật công cộng ra sao. Và tôi bỗng nhớ tới người nghệ sĩ bé nhỏ Việt Nam đã từng “chiếm sóng” về loại hình nghệ thuật này trước các mối quan tâm của thế giới ra sao: Nghệ sĩ Ly Hoàng Ly.

Nhà thơ, họa sĩ...

Ly vốn là nhà thơ, từng đoạt các giải: khuyến khích (lần dự thi đầu tiên) và Giải Nhất (lần dự thi thứ 2) do báo Tuổi Trẻ TP. HCM tổ chức, ngay từ khi chị còn rất trẻ. Khó có thể kể hết những bài thơ hay của Ly Hoàng Ly như: Ăn xin hạnh phúc trong đêm,  hay Người đàn bà và căn nhà cổ...

Ly Hoàng Ly cũng từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1999, cũng bắt đầu với hội họa giá vẽ, với sơn dầu và các thể loại khác, nhưng nghệ thuật đương đại và mỹ học “hậu hiện đại” thời đó đã tác động mạnh mẽ đến chị. Ngay lập tức chị chuyển hướng sang hình thức biểu đạt mới như: sắp đặt, trình diễn, nghệ thuật video, đa phương tiện và public art. Từng có tác phẩm sắp đặt Đám mây (2008 - bằng chất liệu: sắt, nhựa... cùng 15.000m dây thừng nhuộm xanh. Kích thước 220x 400x700cm. Tác phẩm mang thông điệp khát vọng tuổi thơ của chính bản thân tác giả, nhưng được dành cho trẻ em khuyết tật Việt Nam, những em bé không trông chờ sự thương xót, song thực sự làm cho mọi người xúc động bởi sự bình thản và thơ ngây. Những ước mơ của các em thể hiện khát vọng sống, cho dù khoảng cách là rất xa, như những đám mây...) và nhiều tác phẩm ở các thể loại khác.

Sau đó, nhận học bổng Fulbright năm 2011 theo học và nhận bằng MFA tại Học viện Nghệ thuật Chicago (SAIC), chuyên ngành điêu khắc, vào năm 2013. Từ năm 2013 - 2014, chị thực tập tại Bộ sưu tập sách nghệ sĩ Joan Flasch, SAIC và đã thực hiện công trình nghệ thuật công cộng đầu tiên mang tên Thuyền nhà thuyền, một dự  án được ấp ủ nhiều năm, triển khai từ năm 2011. Tác phẩm này chất liệu bằng sắt, cao 3,8m, rộng 6,9m, dài hơn 7,2m và nặng 21 tấn, mọi người có thể đi vào từ nhiều phía, tác phẩm trở thành một nơi sinh hoạt công cộng mọi người có thể ngồi, uống cà phê, đọc sách, với chủ đích không chỉ là một khối điêu khắc đơn thuần, mà còn có thể trở thành một sân khấu trình diễn âm nhạc cổ điển hay đương đại, giao tiếp hội thảo, trưng bày triển lãm, và cũng có thể trở thành “nhạc cụ”... Một công trình/ tác phẩm không chỉ đáng kinh ngạc về độ lớn của các khối ghép, của thể tích, của hình dáng, thẩm mỹ mà kỹ thuật thực hiện nó.

Có vóc dáng gầy nhỏ, thanh thoát nhẹ nhàng, yểu điệu thục nữ của một cô gái Hà Nội. Chị vốn là cháu nội bác sĩ Hoàng Thụy Ba, 1 trong 2 bác sĩ đầu tiên của Trường ĐH Y Dược Hà Nội (cùng với bác sĩ Đặng Vũ Lạc) - người đã bảo vệ thành công luận án “Góp phần nghiên cứu u nội mạc trực tràng - âm đạo” tại Đại học Y khoa Paris và được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Cộng hòa Pháp cấp bằng bác sĩ ngày 1/10/1928. Từng sống ở Hà Nội và có tác phẩm sắp đặt về Hà Nội đầy ấn tượng, mang tên Xin chữ, Ly Hoàng Ly luôn làm giới chuyên môn cũng như người thưởng thức ngạc nhiên về những suy nghĩ táo bạo của mình, những tác phẩm của chị luôn là trải nghiệm mang tính tiên phong. Ly Hoàng Ly tiếp cận nghệ thuật qua lăng kính đa ngành, liên kết thơ ca, hội họa, video, nghệ thuật trình diễn, sắp đặt và nghệ thuật công cộng. Sáng tác của Ly luôn đồng thời là những câu hỏi về thân phận con người, về cuộc sống... Chị tâm niệm rằng: đặc tính của tác phẩm nghệ thuật công cộng mà chị theo đuổi, được sáng tác bởi trí tưởng tượng của cá nhân nghệ sĩ với nhu cầu thể hiện tư tưởng, phản biện xã hội nhưng sáng tạo ra không để dành cho một cá nhân có khả năng sưu tập, sử dụng riêng, mà lại dành cho tất cả mọi người.

Ly Hoàng Ly đã từng trưng bày rộng rãi tác phẩm của mình trong và ngoài nước. Một số triển lãm chung đáng chú ý bao gồm: Máu, Mồ hôi và Nước mắt, Saatchi Gallery, London, Anh (2017), Zonas Grises - Grey Zone, Museo de Antioquia, Colombia, (2016-2017), Thay đổi căn tính, Bảo tàng Nghệ thuật Đại học Mills, Oakland, Hoa Kỳ (2007). Năm 2017, nghệ sĩ Ly Hoàng Ly thực hiện triển lãm cá nhân quy mô lớn tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, TP. Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh tác phẩm Thuyền nhà thuyền của nghệ sĩ Ly Hoàng Ly.

Toàn cảnh tác phẩm Thuyền nhà thuyền của nghệ sĩ Ly Hoàng Ly.

Lọt vào tầm ngắm quốc tế

Ở Việt Nam hiện nay cũng đã bắt đầu có các tác phẩm điêu khắc công cộng như tượng đài hay điêu khắc hiện đại được trưng bày ở nơi công cộng hay trong các khuôn viên resort lớn, do nhà nước hoặc nhà sưu tập tư nhân sưu tập hoặc đặt hàng các nghệ sĩ hay điêu khắc gia uy tín, sáng tác.

Một tác phẩm nghệ thuật đặt ngoài trời thì khán giả không chỉ là những người chiêm ngưỡng thụ động, ngược lại họ chủ động tham gia tạo ra những kết quả khác nhau cho tác phẩm và do đó, khán giả trở thành người hoàn tất ý nghĩa của tác phẩm. Tác phẩm đầu tiên của Ly đặt ngoài trời nơi công cộng và có khán giả tương tác là installation Tháp mâm từ năm 2000, còn tác phẩm nghệ thuật công cộng đầu tiên triển lãm cho công chúng sử dụng và tương tác là Thuyền nhà thuyền năm 2017, nhưng tác phẩm nghệ thuật công cộng được đặt cố định ngoài trời đầu tiên là Mật mật mật vào năm 2019.

Tháp mâm gồm 400 chiếc mâm có tranh vẽ của chị đã “đi” nhiều nơi trên thế giới trong đó có Bảo tàng Dân tộc học Berlin và đã được bảo tàng Kamel Lazaar ở Tunisie sưu tập. Chị cũng vừa mới có chuyến đi dài tham dự Tuần Văn hóa Việt Nam lần 1 tại Portugal (cuối tháng 10/2019). Trong chuyến này, chị đã có buổi giới thiệu dự án 0395A.ĐC và tác phẩm nghệ thuật công cộng Thuyền nhà thuyền tới công chúng ở Lisboa. Từ ngày 17/10/2019 tác phẩm điêu khắc cỡ nhỏ Thuyền nhà thuyền 1 cũng được triển lãm tại bảo tàng São Roque. Trước đó vào trung tuần tháng 8/2019 Ly Hoàng Ly và gia đình sang Santiago, Chile dự Triển lãm Mỹ thuật đương đại Á - Úc - Thái Bình Dương, nơi hội tụ 37 tác phẩm của 19 nghệ sĩ từ các nước và vùng lãnh thổ.

Người của gia đình

Hiện chị vẫn đang là biên tập viên nội dung của Nhà xuất bản Trẻ, người mẹ chu đáo dành nhiều tình cảm trong việc chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái...

Ước nguyện lớn nhất của chị là ngày càng có nhiều nghệ sĩ Việt Nam quan tâm đến nghệ thuật công cộng và yếu tố mang tính quyết định là sự quan tâm của nhà nước và các tập đoàn đầu tư đô thị, vì nghệ thuật công cộng là một phần không thể thiếu của các đô thị hiện đại. Điều đó mang lại lợi ích thiết thực đối với người dân, những người luôn mong muốn được thụ hưởng những giá trị thẩm mỹ trong đời sống.


Nhà văn Trần Thị Trường
Ý kiến của bạn