Nghệ thuật chinh phục bệnh tự kỷ của Disney

16-11-2016 12:44 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Truyện cổ tích kể về những nhân vật thường vượt qua sự trớ trêu của số phận, chống lại cái xấu, làm đẹp cuộc đời bằng lòng tốt và tìm được tình yêu mong muốn.

Truyện cổ tích kể về những nhân vật thường vượt qua sự trớ trêu của số phận, chống lại cái xấu, làm đẹp cuộc đời bằng lòng tốt và tìm được tình yêu mong muốn. Dòng phim chủ đạo của Disney cũng được xây dựng dựa vào sơ đồ như vậy. Đôi lúc mô hình cổ tích này cũng lặp lại trong đời thực - phim Cuộc sống Người Vô danh của Disney công chiếu giữa năm 2016 kể về câu chuyện như vậy.

Ngôi nhà ấm áp và cực đẹp, sự nghiệp nhà báo thành đạt và hai con trai tuyệt vời - cuộc sống gia đình nhà Suskind viên mãn y hệt nội dung poster quảng cáo. Tuy nhiên tất cả thay đổi, khi Owen, con trai út của họ bắt đầu thể hiện những hành vi dị thường. Bố mẹ và anh trai mất dần mối quan hệ với Owen. Cậu bé tự biến khỏi cuộc sống gia đình. Giữa Owen và người thân xuất hiện bức tường vô hình.

Tự kỷ - kết luận chẩn đoán của bác sĩ lúc đó không khác gì bản án chung thân đối với gia đình nhà Suskind. Bố mẹ trẻ có cảm giác bản thân “lãnh án” ly khai vĩnh viễn với con trai. Owen suốt đời bị giam cầm trong thế giới lạ lẫm và bí ẩn.

Y hệt nhân vật cổ tích

Phim Cuộc sống Người Vô danh được xây dựng dựa trên tiểu thuyết tự thuật của nhà báo Mỹ nổi tiếng Rona Suskind, người có con trai Owen bị tự kỷ.

Phim tập trung nhiều hơn vào những trải nghiệm bất thường của bản thân Owen và con đường kỳ lạ dẫn đến sự tiếp cận với thế giới của nhân vật so với mối quan hệ bố - con hoặc những ký ức liên quan đến sự nuôi dưỡng trẻ khuyết tật.

Khi cha mẹ cậu bé tưởng chừng đã mất hoàn toàn mối quan hệ với con, bất ngờ xuất hiện bước ngoặt thực hiện nhờ... những truyện cổ tích của Disney.

Bằng việc sử dụng những đoạn hội thoại trong phim Disney, thời gian ngắn sau đó các thành viên trong gia đình đã thiết lập được mối quan hệ cởi mở và thân thiết với cậu bé. Dạng liên lạc kỳ lạ cùng với liệu pháp tích cực đã cho phép mọi người dần thu hẹp bức tường ngăn cách Owen và thế giới bên ngoài.bệnh tự kỷ

Poster quảng cáo phim Cuộc sống Người Vô danh ở Ba Lan.

Chữa bệnh bằng phim ảnh

- Tôi nghĩ, chữa bệnh tự kỷ bằng phim ảnh có thể hiệu quả vì hai lý do - bà Joanna Grochowska, bác sĩ tâm lý trị liệu (Quỹ Synapsis) bình luận trường hợp bé Owen Suskind. Thứ nhất, các bộ phim của Disney vốn là sở thích của nhân vật. Tiếp theo, bố mẹ Owen rất quan tâm quan sát con trai và sớm phát hiện, những tác phẩm đó chứa đựng tác dụng gì đó vượt ra ngoài phạm vi giải trí. Bà nhấn mạnh, bố mẹ cậu bé đã chinh phục rào cản khó vượt qua nhất đối với người tự kỷ - rào cản liên quan với kỹ năng thấu hiểu cảm xúc và quan hệ tương tác giữa con người với nhau.

- Nhiều bộ phim của Disney đề cập đến những vấn đề của con người, những trải nghiệm, cảm xúc mạnh và là nơi xuất hiện cả những nhân vật chính diện, cũng như phản diện - BS. Grochowska, vị chuyên gia từng sử dụng liệu pháp phim ảnh trong điều trị bệnh nhân tự kỷ chia sẻ. Nhân vật chính trong phim Disney bao giờ cũng phải chiến đấu giành giật cuộc sống. Đó cũng là cách thức để người tự kỷ có thể học những kỹ năng hòa nhập xã hội. Chúng ta có thể lấy thí dụ sinh động trong phim, để áp dụng hiệu quả vào nỗ lực chữa trị người bệnh - bác sĩ tâm lý trị liệu nói tiếp.

Có thể như Vua Sư tử

Cho dù phim Cuộc sống Người Vô danh của đạo diễn Roger Ross Williams là tác phẩm điện ảnh tài liệu kinh điển, song xem phim có thể gặt hái những cảm xúc tương tự những câu chuyện cổ tích của Disney. Người xem chứng kiến Owen, khi đối mặt trước những thời điểm khó khăn tiếp nối diễn ra trong cuộc sống thường nhật. Đó là những thách thức hoàn toàn không dễ hơn so với những gì các nhân vật trong phim cổ tích Khu rừng bí ẩn hoặc Chuông nhà thờ Đức Bà từng gặp.

Những câu chuyện xem trên màn ảnh đã giúp trẻ tự kỷ tự xoay sở với không ít khó khăn xuất hiện trong cuộc sống - thí dụ, khi đối tượng tốt nghiệp bậc học phổ thông và chuẩn bị bắt đầu cuộc sống tự lập. Khi xem Vua Sư tử, khán giả nhỏ tuổi chứng kiến Simba, nhân vật trong thời khắc nhất định cũng phải thử sức với cuộc sống “sư tử trưởng thành”.

Truyện cổ tích trộn lẫn chuyện đời thường

Có thể xếp Cuộc sống Người Vô danh và danh mục cẩm nang bắt buộc dành cho tất cả những ai gặp vấn đề với tự kỷ: các bậc cha mẹ, người thân trong gia đình, chuyên gia trị liệu và tất nhiên - bản thân người tự kỷ.

Ngoài câu chuyện cổ tích, trước hết các tác giả bộ phim tập trung vào nhân vật trung tâm Owen. Trong phim người xem không thấy “bé dị thường” bất hạnh, không thấy hình ảnh cha mẹ đau khổ trước ống kính ca thán về nỗi cực nhọc của gia đình. Ở đây bản thân Owen và cảm xúc của bé đóng vai trò quan trọng nhất.

Các tác giả bộ phim không gắng sức chứng minh, tự kỷ là hố đen sẵn sàng “nuốt chửng” tất cả những gì trong tầm tay, cũng không nỗ lực biến Owen thành Rain Man (Người trong mưa) mới. Ngược lại, đó là câu  chuyện về bé trai - con người bình thường, dẫu sự thật có tính cách khác thường - tự kỷ, song Owen cũng can đảm tự xoay sở với cùng những rắc rối, y hệt bạn đồng lứa hoàn toàn khỏe mạnh. Chính sự kết hợp nhuần nhuyễn chuyện đời thực con người bình thường và chất thi ca của Disney đã trở thành chìa khóa giúp phim Cuộc sống Người Vô danh hóa giải hiệu quả chứng bệnh tự kỷ của bé Owen.


Vinh Thu
Ý kiến của bạn