Các vở diễn này cùng với điện ảnh, âm nhạc, hội họa... đã làm nổi bật hình ảnh người lính trong Quân đội nhân dân Việt Nam từ thời chiến đến cuộc sống hòa bình, đất nước ngày một phát triển như hôm nay.
Thời gian gần đây, Đoàn kịch nói Quân đội (Nhà hát Kịch nói Quân đội) đã biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân vở kịch Ký ức lửa của nhà văn Chu Lai, nghệ sĩ Thanh Lê đạo diễn. Đây là vở kịch về đề tài chiến tranh cách mạng, hình tượng người chiến sĩ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong thời bình. Chuyện kịch Ký ức lửa xoay quanh một họa sĩ tài ba, trong chiến tranh được cử ra mặt trận sáng tác nghệ thuật, góp phần động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội. Để có cảm hứng thực tế, anh đã xung phong ra tuyến đầu trực tiếp cầm súng tham gia chiến đấu.
Cảnh trong vở Điều đọng lại sau chiến tranh.
Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, anh trở về cuộc sống đời thường với di chứng của chiến tranh để lại là những vết thương làm mờ đi đôi mắt, là người yêu - cô thanh niên xung phong chưa tìm lại được và đặc biệt là những ký ức rực lửa vẫn nồng nàn cháy bỏng, là khát vọng sống, là tình đồng chí keo sơn, gắn bó, là tình yêu đôi lứa son sắt, thủy chung nhưng cũng không kém phần lãng mạn giữa chiến trường, đó chính là sức mạnh làm nên chiến thắng. Tất cả những điều ấy đã tôn lên tình yêu lớn của người chiến sĩ: Tình yêu Tổ quốc. Vở kịch đã đưa khán giả nhìn lại cuộc chiến năm xưa bằng con mắt nhân văn, nhân ái của người lính đã đi qua chiến tranh với những năm tháng đáng sống, đáng trân trọng. Những ký ức rực lửa vẫn nồng nàn cháy bỏng là khát vọng sống, là tình yêu, tình người trong chiến tranh. Thông qua vở diễn này đã nhắc nhớ khán giả, nhất là thế hệ trẻ hôm nay về quá khứ hào hùng của dân tộc, để sống có trách nhiệm hơn với Tổ quốc, xứng đáng với sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ cha anh.
Trong khi đó, Nhà hát Chèo Quân đội đã gửi đến khán giả vở diễn Những người mẹ của tác giả, nhà văn Xuân Đức. Những người mẹ do NSND Lê Hùng dàn dựng kể về câu chuyện cảm động về tình cảm của những người mẹ dành cho người con là các chiến sĩ cách mạng, bảo vệ chăm sóc chiến sĩ, bộ đội trong chiến tranh. Những người mẹ tiếp tục dồn hết tình yêu thương cũng như giữ niềm tin tưởng tuyệt đối vào phẩm chất, bản lĩnh cách mạng của người chiến sĩ trong mọi hoàn cảnh. Một góc khác của cuộc sống người chiến sĩ cách mạng được tập trung khai thác qua vở diễn nhằm ngợi ca, tôn vinh hình tượng sáng đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta trong chiến tranh giải phóng dân tộc, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng chính là vở diễn được trao Huy chương Vàng hội diễn toàn quân năm 2018.
Một tác phẩm của Nhà hát chèo Quân đội ghi điểm với công chúng là vở diễn Điều đọng lại sau chiến tranh tái hiện hình ảnh người lính, ca ngợi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ với tinh thần dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Vượt qua những đau thương, mất mát nơi chiến trường, khi trở về cuộc sống đời thường, một bộ phận cựu chiến binh đã gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, trên tất cả, họ vẫn phát huy phẩm chất người lính, vượt qua gian lao, vất vả, giữ vững sự đoàn kết, tập trung phát triển kinh tế, góp phần xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Điều đọng lại sau chiến tranh để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả, qua đó khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy truyền thống quê hương anh hùng cách mạng, hăng hái thi đua lao động sản xuất...
Vở kịch Bão tố Trường Sơn (tác giả Trương Minh Phương, đạo diễn - cố NSND Anh Tú) do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng và biểu diễn ở nhiều địa phương cũng được đánh giá cao. Vở kịch này lấy bối cảnh khốc liệt của chiến tranh để người xem hiểu sâu hơn về mối quan hệ giữa những con người cùng chiến tuyến. Bão tố Trường Sơn kể về câu chuyện giữa tình yêu, tình đồng chí giữa rốn bom Trường Sơn gồm nữ bác sĩ Diễm Lệ (nghệ sĩ Quỳnh Hoa thủ vai), Đại đội trưởng Vũ Bông (Tô Dũng), anh nuôi Lê Ái (Xuân Bắc)... Chỉ trong 2 giờ đồng hồ, khán giả được trải qua mọi cung bậc cảm xúc: vui - buồn - xúc động - cảm phục và cuối cùng là dư âm của tình cảm ấm áp yêu thương giữa con người với con người, giữa những người đồng đội đã từng cùng nhau trải qua những tháng ngày khốc liệt nhất trong cuộc chiến.
Có thể thấy, sân khấu Việt đã, đang và sẽ có nhiều vở diễn chất lượng về người lính Bộ đội Cụ Hồ. Nếu những tác phẩm sân khấu viết về người lính và cuộc chiến tranh trước đây mang âm hưởng chủ đạo là khẳng định, ngợi ca phẩm chất đạo đức, tấm gương hy sinh chiến đấu dũng cảm hoặc quá trình vượt lên thử thách, khốc liệt để lập chiến công của anh bộ đội trong nhiều tình huống khác nhau thì những sáng tác sân khấu tiếp tục khai thác đề tài này xuất hiện nhiều năm trở lại đây đã có những thay đổi chuyển biến mới. Không dừng lại ở sự trần thuật lại các sự việc bằng ngôn ngữ sân khấu, các vở diễn đã đi sâu hơn, khám phá, lý giải, cắt nghĩa cội nguồn sâu xa tạo nên bộ mặt tinh thần của người chiến sĩ một cách toàn diện, đầy đủ hơn.