Ra đời cách đây gần hai năm, Huyền thoại làng Chài là sản phẩm nghệ thuật được biểu diễn ở Nhà hát Làng Chài (tỉnh Phan Thiết). Vở diễn này lấy cảm hứng từ Làng Chài Phan Thiết năm 1762 với nhiều tiết mục như ca múa, vũ kịch... đan xen khắc họa, hồi tưởng lại một bức tranh an bình, tuyệt mỹ của làng chài Phan Thiết.
Với nhiều thủ pháp nghệ thuật mới lạ, lồng ghép nhiều tiết mục đậm đà bản sắc hai dân tộc Kinh và Chăm, Huyền thoại làng Chài đưa người xem tìm về những nét văn hóa đặc trưng, sinh hoạt bình dị của người dân làng chài như: cảnh chợ cá sống động, những chuyến thuyền thúng ra khơi, cảnh họp sức cùng nhau kéo lưới, cảnh làm ra những hạt muối và vẻ đẹp của những giọt mồ hôi người lao động ngày đêm tranh đấu với bão giông, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt để vươn lên vui sống. Bên cạnh đó, vở diễn này cũng tái hiện lễ hội truyền thống của vùng đất Phan Thiết như: Cầu Ngư, cầu ông Nam Hải tại dinh Vạn Thủy Tú...
Theo NSƯT Trần Ly Ly, Huyền thoại làng Chài đã được Công ty TNHH Seagull đăng ký bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ và được cấp phép biểu diễn hằng đêm tại Nhà hát làng Chài. Tuy nhiên, cuối tháng 5/2019, tại TP.HCM, một đơn vị đã sử dụng vũ đoàn Sài Gòn biểu diễn tiết mục Huyền thoại làng Chài trong lễ ra mắt bán sản phẩm. Trong tiết mục này, đơn vị biểu diễn đã sao chép nhạc và sử dụng toàn bộ bố cục, ý tưởng của vở diễn Huyền thoại làng Chài cho đối tác và khách hàng xem. Đại diện chủ sở hữu Huyền thoại làng Chài cho biết, việc sao chép một cách khiên cưỡng vở diễn đã không chỉ ảnh hưởng đến công sức của những người tạo ra tác phẩm này mà còn ảnh hưởng đến yếu tố tâm linh và giá trị văn hóa của Làng chài Phan Thiết. NSƯT Trần Ly Ly cũng lên tiếng và cho biết, vở diễn Huyền thoại làng Chài do vũ đoàn Sài Gòn biểu diễn vừa qua không chỉ “đạo, nhái” toàn bộ ý tưởng từ nhạc cho đến bố cục tác phẩm gốc mà còn biểu diễn công khai rồi đưa lên mạng xã hội. “Sự việc không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của tôi mà còn gây thiệt hại cho đơn vị sở hữu” - NSƯT Trần Ly Ly nhấn mạnh.
Huyền thoại làng chài – vở diễn của NSƯT Trần Ly Ly gần đây bị “đạo, nhái” khiến nhiều người bức xúc.
Không khó để nhận thấy, nhiều sản phẩm nghệ thuật giải trí như Huyền thoại làng Chài kể trên có “anh em sinh đôi”. Cách đây không lâu, làng giải trí cũng xôn xao và báo giới tốn nhiều giấy mực khi chứng kiến vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ chương trình nghệ thuật thực cảnh Ngày xưa (còn gọi là Thuở ấy xứ Đoài, đạo diễn Việt Tú) và Tinh hoa Bắc Bộ (đạo diễn Hoàng Nhật Nam). Cả hai vở thực cảnh này được đánh giá gần như giống nhau về kết cấu nội dung, câu chuyện, đạo cụ, số lượng diễn viên biểu diễn, trang phục, thiết kế ánh sáng, âm thanh... Thuở ấy xứ Đoài được công diễn tháng 6/2016, trong khi đó Tinh hoa Bắc Bộ ra mắt tháng 10/2017, cả hai vở thực cảnh này đều diễn ra tại cùng một địa điểm ở Hà Nội nên tác phẩm của đạo diễn Việt Tú ra đời trước tác phẩm của Hoàng Nhật Nam. Bởi vậy, kết luận được đưa ra là Tinh hoa Bắc Bộ không được coi là sáng tạo độc lập mà chỉ có thể coi là vở diễn phái sinh từ Ngày xưa (Thuở ấy xứ Đoài).
Ngoài ra, nhiều tác phẩm sân khấu cũng bị xâm phạm bản quyền đã thu hút sự quan tâm của khán giả. NSND Thanh Tòng từng lên tiếng cho biết, trích đoạn Bao Công vô lò gạch của ông bị nhiều đơn vị, nghệ sĩ dàn dựng nhưng không xin phép và trả tiền bản quyền. Tương tự, nhiều tác phẩm, trích đoạn sân khấu Bên cầu dệt lụa, Trường tương tư của soạn giả Thế Châu cũng bị một số nghệ sĩ “xé lẻ” dựng thành nhiều trích đoạn đi diễn khắp nơi nhưng không xin phép.
Theo luật sư Quách Minh Trí (Công ty Baker & Mckenzie), để bảo vệ các sản phẩm sáng tạo nghệ thuật nói riêng, các tác giả phải có ý thức công bố, đơn cử như đi đăng ký bản quyền. Đây là căn cứ pháp lý rất quan trọng để chứng minh các loại quyền của mình đối với tác phẩm nếu xảy ra tranh chấp. Trong khi đó, nhiều ý kiến khuyên các cá nhân, tác giả nên tìm đến các hiệp hội bảo vệ tập thể để được bảo vệ tác phẩm sáng tạo của mình. Chẳng hạn, lĩnh vực âm nhạc đã có Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, văn học có Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam...
Trong một sự kiện về bảo vệ tài sản sáng tạo gần đây, đạo diễn Việt Tú cho rằng chúng ta cần thành lập một quỹ tư vấn luật cho những nghệ sĩ và doanh nghiệp tham gia vào nền công nghiệp văn hóa. “Nếu xây dựng được một hạ tầng xã hội văn minh, trong đó nghệ sĩ và doanh nghiệp đều hiểu quyền và nghĩa vụ của mình trong hợp tác, chúng ta sẽ có những tác phẩm lớn” - đạo diễn Việt Tú chia sẻ. Đối với khán giả, nhiều người mong các cá nhân, tổ chức “vay mượn”, sao chép tác phẩm cần có ý thức, tôn trọng tác giả (chủ sở hữu) chứ không chứ không nên bất chấp và hành xử một cách thiếu văn hóa theo kiểu “chuyện đã rồi”.