Nghệ sỹ Nhân dân Trần Tiến sinh năm 1937 tại Hà Nội, ông tham gia hoạt động nghệ thuật từ năm 1954, khởi đầu với nghệ thuật chèo qua một số vai diễn hề gậy, hề chèo ấn tượng.
Năm 1961, ông tham gia học khóa diễn viên Trường Nghệ thuật Sân khấu cùng Thế Anh, Ngọc Hiền, Cao Khương, Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Thanh Tú, Mỹ Dung... Ra trường, ông về công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam) cho đến năm 2012 thì nghỉ hưu.
Nghệ sỹ Nhân dân Trần Tiến kết hôn với Nghệ sỹ Ưu tú Lê Mai khi họ cùng công tác ở Đoàn Kịch nói Trung ương. Cả hai có với nhau 3 người con gái đều là nghệ sỹ nổi tiếng: Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi. Năm 1970 hai người ly hôn.
Nghệ sỹ Nhân dân Trần Tiến là nghệ sỹ gạo cội của sân khấu kịch Việt Nam. Trong sự nghiệp nghệ thuật, ông được biết đến với những vai diễn như: Vai Đại Cát trong "Quẫn", vai Đế Thích trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", vai Hoài Nghi trong "Chuông đồng hồ điện Kremli", vai Cố vấn ái tình trong "Kén rể", vai Nguyễn Trãi trong "Nguyễn Trãi ở Đông Quan"... Ông cũng tham gia một số bộ phim như: "Thằng Bờm", "5 ngày làm Thượng đế", "Chuyện làng Nhô", "Hà Nội 12 ngày đêm", "Những người săn lùng cái đẹp"... Ông là tấm gương lao động nghệ thuật đáng để thế hệ trẻ noi theo.
Nghệ sỹ Nhân dân Trần Tiến không chỉ thành công ở những vai chính diện, mà ông còn thể hiện thành công nhiều vai diễn có cá tính, có tính cách riêng, ông cũng là một trong những tên tuổi hiếm hoi có được thành công trong những vở hài kịch bằng khả năng diễn xuất tài tình hiếm có. Qua mỗi vai diễn của mình, ông đều gửi gắm những suy tư, trăn trở về cuộc đời, về thân phận con người…
Sinh thời, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Tiến từng nói: Làm cái gì cũng phải hết mình. Trong nghệ thuật phải say, phải mê, phải hết mình khổ luyện, phải để hết tâm huyết vào những vai diễn... Và điều quan trọng nhất mà ông rút ra được trong cả đời diễn chính là sự ham mê, sự dấn thân hết mình cho nghệ thuật. Năm 1997, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Tiến được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.