Nghệ sĩ viết tự truyện, hồi ký: Những trang sách biết nói

25-04-2016 13:59 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thời gian qua, viết hồi ký, tự truyện để chia sẻ những bí mật cuộc sống riêng tư hay con đường nghề nghiệp... dường như được nhiều nghệ sĩ hưởng ứng. Tuy nhiên, không phải hồi ký, tự truyện nào của người nghệ sĩ cũng để lại những dấu ấn đẹp trong lòng công chúng.

Vọng lại nỗi buồn

Nhiều nhà văn cho rằng, hồi ký hoặc tự truyện cần nghiêng về chuyện có thật của người viết hoặc người kể, tuy nhiên không có nghĩa sự thật nào cũng có thể phơi bày vì có những chi tiết, câu chuyện sẽ vô tình làm tổn thương người khác, đồng thời làm mất đi tính nhân văn. Có lẽ vì thế, độc giả từng bắt gặp không ít những hồi ký, tự truyện của một số nghệ sĩ có thừa chi tiết chân thực nhưng lại thiếu tính thẩm mỹ.

Tự truyện của GS.TS. Trần Văn Khê là cuốn sách có nhiều giá trị được công chúng đón nhận thời gian qua.

Đáng kể nhất là cuốn tự truyện Lê Vân - Yêu và sống của nghệ sĩ Lê Vân do Bùi Mai Hạnh chắp bút. Đó là một cuốn sách mà Lê Vân đã tường thuật không chút giấu giếm về nỗi ám ảnh của mối tình trong bóng tối, sự tổn thương vì bất hạnh gia đình... Người đọc cảm nhận được nhiều hơn từ các chi tiết mà Lê Vân đưa ra là chị chưa làm tròn chữ “hiếu” và cả sự bất nghĩa, vì Lê Vân tiết lộ bí mật chị từng lần lượt quan hệ với ba người đàn ông đã có vợ, để rồi sau đó cả ba đều bỏ vợ, gia đình tan nát.

Cuối năm 2015, nghệ sĩ Thương Tín bất ngờ ra mắt Hồi ký Thương Tín - Một đời giông bão (Đinh Thu Hiền chắp bút). Nhưng những gì nghệ sĩ này đã “bật mí” trong cuốn sách đã làm nhiều người trong cuộc tổn thương. Hồi ký Thương Tín - Một đời giông bão đã liệt kê khá tỉ mỉ, tường tận danh tính của những bóng hồng từng đi qua cuộc đời Thương Tín. Những bóng hồng hiện lên trong trang sách của Thương Tín một cách trần trụi: người thì ghen tuông mù quáng, người phá thai bốn, năm lần. Dường như bạn đọc thấy Thương Tín đang “khoe” chiến tích tình trường hơn là kể về cuộc đời nhiều biến cố, thăng trầm. Và trước những chỉ trích của công chúng lẫn người trong cuộc, về sau Thương Tín thừa nhận: “Tôi đã bán chuyện đời tư của mình quá rẻ. Biết thế, tôi thà chọn cách im lặng còn hơn”.

Thật ra, thời gian qua không ít nghệ sĩ là diễn viên, ca sĩ đã cho ra mắt những tự truyện, hồi ký. Trong đó phải kể người mẫu Thanh Hằng, diễn viên Tăng Thanh Hà, Lương Mạnh Hải; ca sĩ Vy Oanh, Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng, Hương Giang Idol... Tuy nhiên, nhìn chung những tự truyện, hồi ký của các “sao” làng giải trí Việt vừa kể thường chỉ thuật lại cuộc sống từ khi cơ cực đến khi thành sao, những cuộc tình rắc rối, những trắc trở và gian nan trong nghề... chứ chưa nói được gì nhiều. Có thể họ ra tự truyện, hồi ký chỉ để “đánh bóng” tên tuổi trong làng giải trí, còn nói đến giá trị nhân bản nào đó với cộng đồng thì quá xa xỉ!

Nhưng còn đó những nguồn vui

Theo nhà văn - dịch giả Di Li, khi tự truyện có dấu ấn riêng của người viết thì nó không đơn thuần chỉ là chân dung đời tư của nghệ sĩ mà trở thành tư liệu sống có giá trị về văn hóa và nghệ thuật. Và đáng mừng, thời gian qua vẫn còn đó một số nghệ sĩ có hồi ký, tự truyện có sức lan tỏa bởi những câu chuyện nhân văn, những chi tiết đời tư được tiết chế chuẩn mực.

Cần phải nhắc tới cuốn tự truyện của GS.TS. Trần Văn Khê có tựa Trần Văn Khê - Những câu chuyện từ trái tim ra mắt lần đầu tiên năm 2010. Năm ngoái, Nhà xuất bản Thông tấn tái bản cuốn tự truyện này và tư liệu được cập nhật đến những ngày cuối đời của GS.TS. Trần Văn Khê. Đọc tự truyện của GS.TS. Trần Văn Khê, độc giả thấy được những trải nghiệm sinh động của ông từ thuở ấu thơ cho đến hành trình khắp năm châu để giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam. Qua những câu chuyện mà GS.TS. Trần Văn Khê kể lại, công chúng thấy hình ảnh một người cha với phương pháp dạy con đáng để các phụ huynh suy ngẫm; một tinh thần lạc quan, say mê làm việc dẫu đang chống chọi với nhiều căn bệnh. Trong mỗi một câu chuyện, GS.TS. Trần Văn Khê luôn gửi gắm thông điệp sống giản dị tới độc giả.

Hoặc hồi ký Đằng sau những nụ cười của danh ca Khánh Ly ra mắt vào năm ngoái, nữ danh ca đề cập đến chuyện tình cảm của mình thời trẻ nhưng rất ý nhị, khéo léo chứ không “vạch áo cho người xem lưng” như Lê Vân hoặc Thương Tín. Đằng sau những nụ cười cũng cho độc giả thấy được những vinh quang, cay đắng cũng như cái giá mà người nghệ sĩ thường phải trả khi trót dấn thân vào con đường nghệ thuật từ những câu chuyện thực mà Khánh Ly đã trải qua.

Bên cạnh đó, ca sĩ - nhạc sĩ Trần Lập cũng để lại cho người hâm mộ cuốn hồi ký Bên kia Bức Tường, kể về quá trình anh đã trải qua những tháng ngày của mồ hôi và nước mắt để có một Trần Lập, một ban nhạc rock Bức Tường có tiếng vang. Ngoài Bên kia Bức Tường, một hồi ký khác khắc họa về cuộc đời Trần Lập được độc giả đón nhận thời gian gần đây là Rong chơi - Trần Lập, rock, moto và những cung đường (phát hành tháng 2/2016), do tác giả Thu Thủy chắp bút. Cuốn sách là những câu chuyện giản dị đã cho công chúng hiểu thêm về một Trần Lập cháy hết mình với rock, từ khi còn là cậu bé bị giam đằng sau cánh cửa cho tới ngày chạm đỉnh vinh quang, từ những ngày nằm trên giường bệnh cho đến ngày về cõi vĩnh hằng...


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn