Nghệ sĩ và khán giả: Ai cần ai?

15-06-2020 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả ngày càng trở nên thú vị khi những vụ lùm xùm không ngừng diễn ra trong showbiz Việt thời gian qua.

Chuyện gì sẽ xảy ra khi một nghệ sĩ vô tình trở thành “cái gai” trong mắt khán giả?

Kẻ tám lạng, người nửa cân

Tiên Cookie, một hit-maker kiêm nhà sản xuất âm nhạc sinh năm 1994, tuổi đời còn khá trẻ nhưng tài năng của cô đã được khẳng định từ rất sớm. Năm 14 tuổi, Tiên Cookie đã có cho mình những sáng tác đầu tay. 18 tuổi, khi vừa thi xong đại học, cô sẵn sàng rời khỏi gia đình ở Hà Nội để đến TP.HCM theo đuổi niềm đam mê âm nhạc. Tên tuổi cô gắn liền với những ca khúc pop ballad buồn man mác, đánh thẳng vào cảm xúc của khán giả. Cô cũng là nhạc sĩ “mát tay” khi góp sức không nhỏ tạo nên tên tuổi cho Bích Phương, Soobin Hoàng Sơn trong giới V-pop vô cùng khắc nghiệt. Cái tên Tiên Cookie 2 lần lọt vào top 10 nhạc sĩ được yêu thích tại lễ trao giải Làn sóng xanh, liên tục 3 năm có mặt trong đề cử giải thưởng WeChoice Awards. Thành công của Tiên Cookie là điều rất đáng ngưỡng mộ, tuy nhiên, gần 9 năm trong nghề, Tiên Cookie khẳng định hào quang showbiz chưa bao giờ là điều cô theo đuổi. Dẫu vậy, càng thành công, càng nổi tiếng, tai tiếng càng có dịp tìm đến các nghệ sĩ, bất chấp nó không được chào đón, Tiên Cookie cũng không phải ngoại lệ.

Không phải nghệ sĩ nào cũng dám đưa ra nhận định hay phát ngôn thẳng thắn như Tiên Cookie.

Không phải nghệ sĩ nào cũng dám đưa ra nhận định hay phát ngôn thẳng thắn như Tiên Cookie.

Năm 2019, Tiên Cookie từng gây tranh cãi khi viết trên trang cá nhân: “Ca sĩ chỉ nên yêu nghề, đừng nên yêu công chúng”. Nhiều ý kiến ủng hộ nữ nhạc sĩ, chủ yếu từ đồng nghiệp và người thân của cô. Luồng ý kiến này cho rằng, đây là trang cá nhân, đồng thời nghệ sĩ nói chung và nhạc sĩ nói riêng có những áp lực riêng, nên họ có quyền bày tỏ quan điểm và chính kiến. Ngược lại, phát ngôn của nữ nhạc sĩ đã nhận về vô vàn chỉ trích từ khán giả.  Họ cho rằng lời nói và hành động như vậy không thể hiện sự tôn trọng khán giả, đồng thời bày tỏ nỗi thất vọng và yêu cầu nữ nhạc sĩ lên tiếng giải thích, xin lỗi. Mọi chuyện như “châm dầu vào lửa” khi ít phút sau đó, Tiên Cookie đã đáp trả với lời lẽ khá hằn học và dữ dội trước một bình luận không hài lòng với cô. Từ trước đến nay, ngoại trừ đính chính một số hiểu lầm, nữ nhạc sĩ cá tính vẫn bảo vệ quan điểm của mình, tiếp tục với cách hành văn thẳng băng.

Cách đây ít ngày, cái tên Tiên Cookie lại “sáng nhất” mạng xã hội với phát ngôn: “Không có nhu cầu được người khác công nhận”. Nữ nhạc sĩ cũng chia sẻ thẳng thắn quan điểm không cần người nghe phải ghi nhận hay công nhận mà chỉ có một nhu cầu duy nhất đó chính là khán giả hãy cảm nhận những sản phẩm mà cô, Bích Phương hay ê-kip tạo nên. Nguồn cơn có lẽ xuất phát từ phản hồi trái chiều của khán giả dành cho 2 ca khúc cực “chill” gần đây: Em bỏ hút thuốc chưa Một cú lừa.

Tranh cãi giữa Tiên Cookie và khán giả khó mà phân định đúng - sai, bởi ai cũng có quan điểm riêng của mình. Làn sóng kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Tiên Cookie từng dấy lên trong cộng đồng mạng, nhưng gần như không mang lại kết quả như họ mong muốn, bởi Tiên Cookie đã là một thương hiệu lâu năm, một kênh nghe nhạc phủ sóng rộng rãi. Và trên hết, cô luôn có đám đông của riêng mình.

Thuận mua vừa bán?

Không phải nghệ sĩ nào cũng dám đưa ra nhận định hay phát ngôn tương tự như Tiên Cookie, nếu như họ chỉ là những nghệ sĩ làm thuê trong showbiz. Chỉ một phát ngôn thiếu thận trọng cũng có thể nhấn chìm sự nghiệp. Trong thời buổi mà quyền năng của công chúng ngày càng được coi trọng thì áp lực đối với nghệ sĩ càng lớn. Một nghệ sĩ muốn được tự do thể hiện quan điểm, cá tính riêng, thì trước hết họ phải ở tâm thế của một người làm chủ: tự làm ra sản phẩm, tạo xu hướng và định hướng thị hiếu khán giả. Nói cách khác, nghệ sĩ phải đủ năng lực và tự tin để tạo ra mối quan hệ bình đẳng với công chúng: người bán sản phẩm và người mua sản phẩm. “Thuận mua vừa bán” có lẽ là điều mà những nghệ sĩ như Tiên Cookie mong muốn ở khán giả. Nghệ sĩ không nhất thiết phải sẵn sàng tâm thế của một “tội đồ” mỗi khi họ vô tình làm khán giả phật ý.

Ở một góc nhìn khác, khán giả có quyền chỉ trích mỗi khi họ nhìn ra những hành động sai trái, những phát ngôn thiếu kiểm soát của nghệ sĩ. Thậm chí, khán giả có quyền yêu hoặc ghét, đón nhận hoặc từ chối sản phẩm của nghệ sĩ. Suy cho cùng, nghệ sĩ và khán giả là mối quan hệ qua lại hữu cơ, dựa vào nhau để tồn tại và phát triển. Nghệ sĩ không thể chối bỏ khán giả đại chúng, ngược lại, khán giả cũng không thể hắt hủi những sản phẩm chất lượng.


Tùng Lâm
Ý kiến của bạn