K-ICM: Âm nhạc không có khái niệm “genre”
K-ICM là nghệ danh của Nguyễn Bảo Khánh (sinh năm 1999), nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng V-pop trong khoảng 4 năm trở lại đây. Công việc của nhà sản xuất âm nhạc diễn ra nơi hậu trường nên không nhiều người biết đến những cống hiến thầm lặng của họ. Cơ bản, nhà sản xuất âm nhạc giám sát tất cả các khía cạnh của việc tạo ra một bài hát hoặc album. Việc của họ bao gồm lựa chọn bài hát, lựa chọn nhạc sĩ, nhạc cụ, ca sĩ, cách các nhạc cụ được chơi,...
Thông thường, âm nhạc được phân chia thành nhiều thể loại (genre), nhưng đối với một music producer thế hệ Z như K-ICM, nếu giam mình trong giới hạn, tiêu chuẩn hay nguyên tắc nào đó, các sản phẩm của anh có lẽ không thể tạo được sức lan tỏa mạnh và chạm đến nhiều khán giả như vậy. Anh chính là người sản xuất loạt hit từng “làm mưa làm gió” trên bản đồ nhạc trẻ Việt như: Buồn của anh, Con trai cưng, Bạc phận, Sóng gió, Ai mang cô đơn đi, Liếc mắt đưa tình, Lệ duyên tình,… Dẫu vậy, gần đây, K-ICM không quá chú trọng đến việc cố gắng tạo ra những sản phẩm hit, anh dành nhiều thời gian vào việc học tập, nghiên cứu sâu về chuyên môn, đặc biệt là sứ mệnh mang chất liệu truyền thống vào các sản phẩm âm nhạc thời thượng.
K-ICM đứng sau loạt hit “làm mưa làm gió” trên bản đồ nhạc trẻ Việt thời gian gần đây
Đây là một thử thách rất khó, nhưng K-ICM dường như không thích làm những việc dễ. Anh chia sẻ: “Kết hợp nhạc cụ dân tộc và nhạc điện tử là một điều đặc biệt trong các dự án của tôi, bởi tôi mong muốn truyền tải và đưa màu sắc âm nhạc dân tộc Việt Nam đến gần hơn với khán giả trẻ. Quy tắc tôi mong muốn hiện tại là: phần lời, cách hát và giai điệu mang màu sắc cổ truyền, còn phần hoà âm phối khí mang màu sắc hiện đại”.
Thực tế cho thấy đời sống âm nhạc không ngừng biến động, đây chính là một thách thức đối với những nhà sản xuất như K-ICM. Trải nghiệm nhiều khóa đào tạo chuyên môn tại nước ngoài giúp anh tích lũy kinh nghiệm. Anh cho rằng, không cần phải tốn nhiều thời gian vào việc nghiên cứu làm theo chất liệu âm nhạc của những nước khác, mà chìa khoá đối với anh chính là màu sắc âm nhạc dân tộc Việt Nam. Tất cả những người bạn hoặc những nghệ sĩ nước ngoài mà K-ICM làm việc cùng, sau khi nghe những bài hát anh thực hiện, họ rất thích và nói rằng đó là màu sắc họ không có được. Những chuyến du học và tìm hiểu về âm nhạc nước ngoài giúp anh có được trải nghiệm, thay đổi bản thân, từ đó giúp những sản phẩm của anh chỉn chu hơn về mặt kỹ thuật. “Thật ra, mỗi người có một cách nghĩ về âm nhạc. Thị trường âm nhạc từ đầu năm 2020 đến nay bị ảnh hưởng rất nhiều bởi COVID-19, nhưng tôi vẫn thấy được sự cống hiến và cố gắng của tất cả những anh chị em nghệ sĩ, họ luôn thay đổi và tạo ra nhiều màu sắc nhằm giúp cho thị trường âm nhạc Việt Nam ngày càng phát triển. Hiện nay, âm nhạc Indie đã phát triển rất tốt, tôi nghĩ sắp tới dòng nhạc này sẽ chiếm ưu thế trên thị trường V-pop, bên cạnh đó, những màu sắc như Rock, Retro,… cũng sẽ dần xuất hiện trở lại”, K-ICM nói.
Rõ ràng, những công nghệ mới nhất hiện nay đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất một sản phẩm âm nhạc. Một nghệ sĩ thế hệ Z như K-ICM chắc chắn phải có sự kết nối và nhạy bén đặc biệt với công nghệ. Anh cho biết, trước đây cần rất nhiều nhạc cụ và nghệ sĩ mới có thể tạo ra một bản phối, nhưng nhờ sự hỗ trợ của công nghệ nên bây giờ có thể tạo ra một bản phối ngay trên máy tính. Tuy nhiên, điều này có một nhược điểm là những nhạc cụ giả lập như guitar, kèn saxophone, hay một số nhạc cụ dân tộc,… trong bản phối bằng công nghệ chỉ có thể giống tối đa khoảng 70% so với nhạc cụ thật, đòi hỏi music producer phải hiểu biết về những nguyên lý và cách sử dụng những nhạc cụ đó như nhạc cụ thật. Thực tế, công nghệ có thể giúp music producer hoàn thành một bản phối trong thời gian ngắn, hỗ trợ khá nhiều về mặt kỹ thuật và có thể làm tốt được dòng nhạc điện tử (EDM), nhưng đối với những dòng nhạc khác đòi hỏi tính chất chi tiết và nhạc cụ live thì công nghệ chỉ có thể giúp một phần nhất định. Nếu muốn mang đúng màu sắc nhạc cụ thì bắt buộc phải cần sự hỗ trợ từ những nhạc cụ thật.
Thời gian #stayhome trong mùa dịch, K-ICM đang ấp ủ phát hành album Tôi 20 dành tặng fan “ruột”. Bên cạnh đó, anh sẽ liên tục ra mắt những sản phẩm đơn lẻ mang màu sắc mới cũng như những sự kết hợp đặc biệt. Anh xem đây là món quà tinh thần gửi đến khán giả trong thời điểm hiện tại.
Nguyễn Phan Linh Đan: Truyền cảm hứng cho phụ nữ trẻ theo đuổi nghề tưởng chừng chỉ dành cho đàn ông
Thời điểm làn sóng nữ quyền đang có sức ảnh hưởng toàn cầu, các nhà làm phim nữ của điện ảnh Việt dù số lượng còn ít nhưng cũng tỏ ra không hề lép vế. Chính họ đang góp phần quan trọng trong việc tạo nên diện mạo mới cho phim Việt thông qua những tác phẩm chất lượng. Gần đây, Nguyễn Phan Linh Đan (sinh năm 1996) được công chúng biết đến với vai trò D.O.P (đạo diễn hình ảnh) hiếm hoi của điện ảnh Việt. Là con gái của đạo diễn nổi tiếng Nguyễn Phan Quang Bình và nhà sản xuất phim Ngô Bích Hạnh, cháu ngoại của nhà văn Ngô Thảo - một người có uy tín lớn trong giới văn hóa nghệ thuật nước nhà - nhưng Linh Đan luôn khẳng định, cô không nhận bất kỳ sự ưu ái nào để có được những thành công tính đến thời điểm hiện tại.
Linh Đan từng du học tại New York University-Tisch School of The Arts, một trong hai trường đại học điện ảnh hàng đầu nước Mỹ. Thời gian du học, Linh Đan làm việc cho nhiều dự án tại Mỹ, cũng như tại châu Âu và cả Việt Nam. Ở Mỹ, khi mới đi làm, cô con gái của ông bà chủ BHD không ngại nhận làm cả những công việc từ bê chân máy, chuẩn bị thiết bị..., cho đến lúc được chấp nhận ở vị trí đạo diễn hình ảnh. Việc một cô gái có vóc dáng nhỏ bé đến từ đất nước châu Á có thể thuyết phục những công ty của Mỹ cho một vị trí quan trọng trong dự án của họ là điều không dễ dàng.
Nguyễn Phan Linh Đan sánh đôi cùng diễn viên Quốc Anh tại Liên hoan phim Busan 2019
Tốt nghiệp đại học, Linh Đan trở về Việt Nam và sớm thành công với bộ phim Bí mật của gió (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, D.O.P Nguyễn Phan Linh Đan). Đáng chú ý, phim đã được giới thiệu tại Liên hoan phim Busan 2019. Tại sự kiện này, Linh Đan và diễn viên chính Quốc Anh là 2 nhân vật đại diện đoàn phim xuất hiện trên thảm đỏ. Bí mật của gió đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Linh Đan. Thực tế, dự án phim Bí mật của gió bắt đầu ý tưởng từ Linh Đan cùng những người bạn học của cô tại Trường đại học .
Đây là lần đầu tiên cô đảm nhiệm vai trò của một đạo diễn hình ảnh, thực hiện toàn bộ phần hình ảnh của bộ phim. Cô cho biết mình gặp nhiều áp lực. Tuy nhiên, với vẻ đẹp mơ màng và lãng mạn của Đà Lạt cùng với một kịch bản trẻ trung và phù hợp với lứa tuổi của mình, cô đã dành rất nhiều tâm huyết cũng như mang đến sự mới mẻ trong góc nhìn của một người được đào tạo tại môi trường có nền điện ảnh phát triển nhất thế giới. “Tôi không nghĩ mình có thể làm được điều gì đó to lớn cho điện ảnh Việt, tôi chỉ hy vọng sẽ mang đến những hình ảnh mới cho khán giả thông qua bộ phim. Và quan trọng hơn, tôi hy vọng, vì tôi là một cô gái trẻ, tôi có thể truyền cảm hứng cho những bạn nữ muốn theo đuổi nghề này”, Linh Đan nói.
Bên cạnh vai trò đạo diễn hình ảnh cho nhiều bộ phim nổi tiếng, Linh Đan còn đạt được những giải thưởng cá nhân trong lĩnh vực nghệ thuật. Phim ngắn Biển vào làn gió của cô từng được chọn vào Liên hoan phim quốc tế Cannes ở hạng mục Góc phim ngắn. Các phim của Linh Đan làm giám đốc hình ảnh cũng tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế lớn như Sundance, Tribeca Film Festival, SXSW... Linh Đan đã nhận được rất nhiều quỹ tài trợ điện ảnh cho phim tốt nghiệp của mình như: quỹ Made in NY, quỹ New York Foundations of the Arts, quỹ của đạo diễn Todd Phillips (đạo diễn của Hangover và Joker), quỹ Russell Hexter... Ngoài ra, một phim tài liệu ngắn cô quay năm 15 tuổi từng được giới thiệu trên kênh truyền hình TV5 Monde, một kênh truyền hình nổi tiếng tại Pháp. Bên cạnh điện ảnh, Linh Đan cũng từng được tạp chí Vogue nổi tiếng đăng tải bộ ảnh của cô và được xếp vào danh mục Những tấm hình đẹp nhất (Best of Photo Vogue).
Làm việc tại môi trường trong nước một thời gian, Linh Đan nhận ra phụ nữ theo nghề đạo diễn hình ảnh cực hiếm. Chính cô từng bị nghi ngại rằng bản thân không thể đảm đương công việc tưởng chừng chỉ dành cho đàn ông. Bởi thế, Linh Đan buộc phải chứng tỏ mình nhiều hơn. “Khi thấy tôi trực tiếp cầm máy quay, người ta nhìn tôi với ánh mắt lo lắng, chỉ sợ tôi làm rơi máy”, Linh Đan kể. Thực tế, cô gái mạnh mẽ này còn nhiều điều “lạ lắm” trong mắt người bình thường. Chẳng hạn, cô từng âm thầm học lái máy bay vì từng mơ ước trở thành phi công. Những năm học đại học, cô còn học thêm một ngành phụ là điêu khắc. Linh Đan quan niệm, điêu khắc là cuộc chơi của riêng cô, đã là cuộc chơi thì không cần người ta phải vỗ tay cổ vũ.
Hiện nay, Nguyễn Phan Linh Đan dành phần lớn thời gian để thực hiện những dự án điện ảnh tâm huyết ở Việt Nam. Cô khẳng định mình hoàn toàn tin tưởng vào tương lai của điện ảnh Việt.