Nghệ sĩ saxophone Nguyễn Ngọc Tuấn: Âm nhạc + thể thao = đẩy lùi bệnh tật

10-12-2015 15:31 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Phong thái trẻ trung với hình thể tráng niên, Nguyễn Ngọc Tuấn là doanh nhân - nghệ sĩ yêu thể thao bằng ý chí bền bỉ. Nghệ sĩ Tuấn nghiệm rằng: bệnh chủ yếu từ tâm mà ra. Những lo lắng, sợ hãi sẽ gặm nhấm sức khỏe. Với bất cứ ngành nghề nào, đam mê nhạc tốt cho bộ não. Biết nghe nhạc đúng cách còn tạo tâm lý tốt và chữa được bệnh.

Giới âm nhạc và công chúng Hải Phòng (HP), Hà Nội vẫn gọi anh là Tuấn Maxim, bởi anh là chủ nhà hàng khách sạn Maxim - địa chỉ quen của văn nghệ sĩ và người mộ điệu. Song ít ai biết, biệt hiệu, nghệ danh này có từ hơn 30 năm trước, thuở hàn vi anh chơi nhạc tại nhà hàng Maxim, TP. Hồ Chí Minh. Maxim từ 1925, là nhà hàng - câu lạc bộ - vũ trường lâu đời và uy tín bậc nhất Sài Gòn. Trước 1975, đây là chốn lưu tới của giới thượng lưu và tướng lĩnh đến mức biệt động Sài Gòn từng đặt bom. Nguyễn Ngọc Tuấn (1961) vừa học tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh vừa làm thêm. Trưởng ban nhạc (BN) là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã nhận ngay Tuấn vào làm, thay cho nhạc công kèn đi Mỹ, chỉ sau khi Tuấn thổi bản Love story. Đúng là định mệnh, chuyện tình của anh tại Maxim là tình yêu lớn cuộc đời. Tại đây, anh gặp hoa khôi nhạc viện Hoàng Phương Nhi (1967), là học trò cello của nghệ sĩ Thúy Lan (mẹ của Bùi Công Duy). Họ chơi nhạc mỗi đêm, lúc thì ở vũ trường trên lầu, lúc thì dưới nhà hàng. Sau 6 năm, đến 1990, họ làm đám cưới, mua nhà ở quận 8.

Nguyễn Ngọc Tuấn đạp xe hằng ngày ở Đồ Sơn.

Tuấn vừa ra album solo đầu tiên Những giai điệu cuộc sống, còn người yêu nhạc đã nghe tiếng kèn solo của anh đều đặn gần 20 năm nay trên đất mẹ. Với thành phố công nghiệp không có một gallery mỹ thuật như HP, thì nơi để nghe nhạc cổ điển, thính phòng dù chỉ từ dàn âm thanh chuyên nghiệp của Nguyễn Ngọc Tuấn hay những buổi hòa nhạc nhỏ của vợ chồng anh là hiếm. Bởi hiếm nên đây là địa chỉ đỏ của những nghệ sĩ nổi tiếng cả nước mỗi khi đến HP. Đến với Tuấn để nghe, chơi nhạc, thưởng thức bộ sưu tập tranh đáng giá, lại được chủ nhà đẹp đôi, hiếu khách, phóng khoáng, hiểu biết nghệ thuật, còn gì bằng.

Nhưng đừng đến buổi trưa, nếu không phải vì nhân vật hoặc sự kiện rất đặc biệt, ít ai ngồi được với Ngọc Tuấn một bữa trưa kéo dài bởi hàng ngày cứ 12h30 đều đặn, anh mặc bộ thể thao chuyên nghiệp của Ý, đi xe đua Colnago Ý ra Đồ Sơn. Mỗi lượt đạp 60km không nghỉ, đến Đồ Sơn, quay đầu về luôn, thời gian đi về là hơn 2 giờ. Nếu gặp mưa nhỏ, vẫn không dừng; chỉ trú khi mưa quá lớn. Mỗi người đều nhiều mong muốn, thậm chí đa số là mong muốn vô biên bởi lòng tham. Với Tuấn Maxim, anh đề cao sức khỏe hàng đầu: “Có sức khỏe thì mới làm tốt được mọi việc, mới theo đuổi được thể thao và âm nhạc”. Từ sự định hướng của cha cho bốn con trai tập thể dục thể thao và học nhạc từ nhỏ, anh em anh đều có thể lực tốt. Họ làm công việc khác nhau, đều có hình thể và sức khỏe không thua vận động viên, kể cả em trai, ca sĩ - nhạc sĩ Duy Mạnh.

Duy Mạnh (1975) là út, hiện là người con duy nhất định cư tại TP. Hồ Chí Minh. Dù bận rất nhiều show các tỉnh phía Nam và nước ngoài, nhất là Mỹ, anh vẫn duy trì tập đấm bốc, bơi và đá bóng. HP thời chống Mỹ từ cuối thập niên 60, người cha treo bao cát bắt các con tập quyền anh để rèn sức khỏe, 4 giờ sáng chạy thể dục quanh vườn hoa, mua kèn clarinet cho Ngọc Tuấn tập năm 1974, tiền mua kèn bằng tiền căn nhà thì đủ thấy sự “khác biệt” của một gia đình khá giả nơi thành phố thợ thuyền. Dù ở đâu, bận đến mấy, cuộc sống có giai đoạn thiếu thốn, vất vả, Ngọc Tuấn vẫn duy trì việc tập luyện kèn hằng ngày. Để chơi hay, chơi tốt, lâu bền nhạc cụ bộ hơi, phải biết vận khí ở bụng như khí công. Cha anh, một cán bộ y tế yêu âm nhạc, biết chơi accordeon, chăm tập tạ và quyền anh, hướng con học kèn để cải thiện phổi vì Tuấn oặt ẹo nhất, bị hen suyễn. Tập kèn hằng ngày giúp phổi giãn nở tốt, khỏi bệnh hen, viêm mũi dị ứng từ lâu. Điền kinh, quyền anh, tạ, bơi sải vượt sông, Tuấn đều đạt thành tích lúc thanh niên và bây giờ vẫn đủ sức duy trì.

Nghệ sĩ Ngọc Tuấn chia sẻ: Thường, càng lớn tuổi người ta càng dễ mắc bệnh. Một cơ thể lao động mấy chục năm tất nhiên không thể khỏe mãi; song nếu cứ  tập luyện thể thao, ăn uống sinh hoạt hợp lý thì có thể chế ngự bệnh tật và tăng tuổi thọ.

Anh Tuấn khẳng định: Muốn tập thể dục thể thao đều, cần ý chí. Anh đã chứng kiến nhiều người mua đồ, mua xe, dụng cụ hiện đại mà chỉ vài bữa là bỏ. Từ việc tập luyện để thắng bệnh, anh đã say tập. 15 năm nay anh giữ được hình thể 1m70/70kg. “Trước kia người ta sưu tầm đồng hồ, kính, máy ảnh, bút. Ngày nay, nhiều người sưu tập các sản phẩm công nghệ. Tôi có 6 cái kèn, xe đua, vài chục bức tranh. Tôi sưu tập hội họa và thiết bị âm thanh vì đam mê chứ không chạy theo mốt” - Tuấn Maxim tâm sự. Chính sự hào sảng, chân thành của anh đã khiến nhiều nghệ sĩ tiếng tăm quý mến. Họ gọi anh là “người chơi đẹp”. Nhiều triển lãm tổ chức tại HP những năm gần đây, họa sĩ (HS) Đặng Tiến mời những cây cọ nổi danh ở Hà Nội về tham gia, đều có vợ chồng Ngọc Tuấn - Phương Nhi đồng hành tài trợ. Các HS không ai nghèo nhưng Tuấn luôn niềm nở mời anh em lưu trú miễn phí. Cảm mến anh, nhiều HS đã tặng anh tác phẩm. Anh có tranh của Nguyễn Hà (1933) - HS lão thành của HP, tuổi 83 vẫn sáng tác; tranh của Lê Đại Chúc, Đinh Quân, Doãn Hoàng Lâm, Đào Thành Hưng, Võ Tá Hùng, Vũ Quý, Phương Bình, Đặng Tiến, Hoàng Phượng Vỹ, Phan Tuấn... Rộng lòng hào hiệp, vợ chồng Tuấn - Nhi sống theo thuyết nhân quả. Chị đọc kinh mỗi ngày. Anh chị coi việc giúp đỡ, ủng hộ được ai đó là niềm vui, giống như thuở mới lấy nhau, họ được gặp những người tốt. Nói về may mắn, Tuấn cho rằng: “Ông trời cho nhân quần tương đối công bằng, cái chính là biết tận dụng cơ hội. Sau khi dời khỏi Đoàn Ca múa Long An, chơi nhạc tự do và trở ra Bắc, chúng tôi biết tận dụng cơ hội kinh doanh, chuẩn bị cho tuổi già từ khi còn sung sức”. Mẹ anh từng làm Hợp tác xã Mùa xuân, có nghề ảnh nên anh vừa biết chụp ảnh, sau còn học thêm quay camera. Với tôn chỉ: “Đời không có chữ nếu. Tôi chứng kiến nhiều người chơi nhạc giỏi về già sống nghèo. Không muốn ân oán, nợ đời, tránh một số phận lên đỉnh cao rồi lại vào ngõ cụt. Muốn vậy, phải chủ động điều hòa cuộc sống, biết bằng lòng”. Nguyễn Ngọc Tuấn điều tiết tốt tâm hồn nghệ sĩ và lý trí để không bị chênh vênh, tổn thương. Thèm biểu diễn, anh từng đầu tư 4 tỷ làm sân khấu ca nhạc Biển gọi tại 31 Điện Biên Phủ. Buồn thay, HP nơi dân chúng nổi tiếng yêu văn nghệ một cách máu lửa lại chỉ thích đến nhà hát, bar xem những chương trình có “sao” chứ không quen mô hình tụ điểm âm nhạc như SG nên anh đã mất trắng số tiền đầu tư này. Sân khấu đã thành siêu thị Intimex.

Nguyễn Ngọc Tuấn song tấu cùng NSƯT Quyền Văn Minh.

Không phải vì kinh tế dư dả mà ngay từ hồi trẻ vợ chồng anh không thích chơi nhạc cho đám cưới, chỉ song tấu ở các sự kiện. Bây giờ họ vẫn chơi dịp khai mạc triển lãm. Bước vào khách sạn Maxim, ngay phòng khách ta sẽ được ngợp trong âm nhạc với chồng đĩa nhạc mua từ nước ngoài, từ những giọng ca hàng đầu, jazz, opera, Yanni, Kenni G, Paul Mauriat,... Hai bức tranh vẽ chân dung anh chị: sơn dầu Chu Hoạch vẽ Phương Nhi đang chơi cello (1993) đối xứng tranh Vũ Thanh Nghị vẽ Ngọc Tuấn chơi sacxo (2013) - cuộc song tấu bất tận. Anh chị ước mong làm một live show và album chung. Năm 2014, Tuấn đã vào Sài Gòn để thu âm hai lần cho bằng ưng ý, đầu tư 100 triệu làm 1.000 đĩa CD, giờ tặng bạn bè anh vẫn nói chưa ưng ý hoàn toàn.

Ngọc Tuấn thích xem những chương trình thể thao về đua xe đạp, anh dư sức đoạt giải nhưng nhất quyết không tham gia các cuộc thi. Đạp xe 7kg khi thuận gió thì nhẹ, ngược gió rất nặng. Nếu hứng, anh đạp xe rất xa. Đạp một lèo đến Yên Tử (50km/lượt) lên chùa Đồng thắp hương rồi quay về luôn, ra Hạ Long, Thái Bình (70km/lượt) rồi quay về ngay là chuyện thường. Đạp xe lên Hà Nội không là vấn đề.

Ngọc Tuấn đã đi gần khắp đất nước Việt Nam, chỉ còn thiếu Lai Châu và Cao Bằng là đủ hết chấm son trên bản đồ chữ S. Ngọc Tuấn đã mang tiếng kèn sang Mỹ, thổi trong show diễn của em trai, đã du lịch nhiều nước trên thế giới. Âm nhạc và thể thao cho anh sức khỏe và cảm hứng sống để yêu vợ con, bạn bè, yêu cuộc sống này và cống hiến cho tình yêu ấy. Tôi rất thích hình ảnh họ tình tứ bên nhau, Phương Nhi kéo acse hòa tiếng saxo điêu luyện của Ngọc Tuấn. 30 năm bên nhau họ vẫn tình yêu đẹp và dự định khi sang châu Âu 2016, muốn được chơi nhạc ở những thành phố văn hóa dù là chơi ngoài đường phố, bên bờ sông Seine hay trên tháp Eiffel.


Vi Thùy Linh
Ý kiến của bạn