Năm 2000 - 2002 rộ lên chuyện cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ và sau đó đã bị bác bỏ vì không cần thiết. Sau hơn chục năm, vấn đề này lại được đề xuất lại với đề án của cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật. Không biết với nghệ sĩ, tác dụng của chứng chỉ hành nghề ra sao và với cơ quan quản lý thì việc cấp chứng chỉ trên sẽ giúp việc thiết lập trật tự biểu diễn như thế nào? Không lẽ cuộc sống đã có “phí chồng phí” và giới nghệ sĩ lại phải thêm chuyện “giấy phép chồng giấy phép”?
Trước hết, phải khẳng định trong cuộc sống, bất cứ ai muốn làm nghề gì thì phải có khả năng hành nghề và phải có những giấy tờ, văn bản của cơ quan có trách nhiệm hữu quan ký, đóng dấu chứng nhận khả năng đó. Một trong những “chứng nhận khả năng” là bằng cấp do cơ sở đào tạo hợp pháp cấp để công nhận ai đó là bác sĩ, kỹ sư, nghệ sĩ biểu diễn... Và ngay cả thợ máy, y tá, điều dưỡng viên, công nhân kỹ thuật cũng phải có. Tất nhiên, những nghề thuộc lao động giản đơn như nghề nông, phu hồ... thì không cần bằng cấp hay qua cơ sở đào tạo.
Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, cá nhân đã tốt nghiệp trường đại học hay trung cấp nghệ thuật mới được tiếp nhận để hành nghề vì đơn vị nghệ thuật ngoài việc cơ quan nhà nước chứng nhận khả năng hành nghề còn kiểm tra năng lực nghề trên thực tế. Vậy thì việc sinh ra chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ là thừa và gây phiền hà, lãng phí không cần thiết bởi cơ quan đào tạo có thẩm quyền đã chứng nhận khả năng hành nghề, đơn vị nghệ thuật đã công nhận việc hành nghề, giờ Bộ VH-TT&DL hoặc Cục Nghệ thuật biểu diễn lại một lần nữa cấp chứng chỉ hành nghề sẽ bắt hàng ngàn nghệ sĩ trong các đơn vị nghệ thuật phải mất thì giờ chứng minh khả năng hành nghề của mình. Chưa kể chuyện đi lại, in ấn những chứng chỉ cũng thật tốn kém.
Khái niệm hành nghề ngoài năng lực làm nghề còn là điều kiện thể hiện năng lực. Một bác sĩ tốt nghiệp đại học y khoa là có khả năng làm nghề nhưng muốn khám chữa bệnh phải làm việc trong các cơ sở y tế công hoặc phòng khám, bệnh viện tư. Vậy thì sự tồn tại của các cơ sở y tế công, tư phải có giấy phép của cơ quan quản lý để tồn tại. Nếu cơ sở y tế sử dụng lao động là bác sĩ dỏm, bác sĩ-y tá có sai phạm thì phải chịu trách nhiệm mà các thầy thuốc không cần phải có chứng chỉ hành nghề do Cục Quản lý Khám chữa bệnh cấp thêm. Nhìn sang lĩnh vực nghệ thuật cũng vậy, nhà hát, đoàn nghệ thuật nhà nước hay tư nhân muốn biểu diễn phải có giấy phép nhưng sao nghệ sĩ có bằng cấp, có hợp đồng làm việc lại phải có thêm chứng chỉ hành nghề?
Không lẽ việc cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ chỉ vì như ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) nói “ca sĩ và người mẫu là hai đối tượng chủ yếu có những sai phạm”. Cứ theo logic này thì vì thầy thuốc, nhân viên hành chính công có sai phạm, có tiêu cực thì các thầy thuốc cả nước, nhân viên các phường, quận trên cả nước cũng phải có giấy phép hành nghề ngoài việc có bằng cấp và hợp đồng lao động. Và liệu chứng chỉ hành nghề có khắc phục được những sai phạm không? Mọi hoạt động của cá nhân, tập thể trong xã hội đều chịu sự điều chỉnh của luật pháp với những chế tài cụ thể, không lẽ chồng chất thêm chứng chỉ hành nghề là có thể giảm bớt hoặc xóa bỏ được sai phạm? Một ca sĩ hát nhép, một người mẫu hở hang trên sân khấu chẳng hạn thì cứ theo quy định mà xử lý cá nhân đó hoặc đơn vị tổ chức chương trình đó sao lại bắt nghệ sĩ cả nước phải khổ một cách vô ích và vô lý vì quy định “chứng chỉ hành nghề” này?
Nghệ thuật lại có đặc trưng riêng, tuy không phải như nghề nông không cần bằng cấp, hợp đồng lao động nhưng nhiều trường hợp, đơn vị nghệ thuật nói riêng và xã hội nói chung cũng không cần phải có bằng cấp như một sự công nhận về nghề nghiệp để đủ điều kiện hoạt động. Ví dụ một chương trình ca nhạc, một bộ phim phải được cấp phép mới được ra mắt nhưng đơn vị nghệ thuật có thể mời một giọng hát hay tham gia chương trình ca nhạc hoặc xưởng phim mời một nhà giáo làm diễn viên miễn là có chất lượng nghệ thuật và không sai phạm. Ngay như tác giả bài báo này được gọi là nhà viết kịch cũng là một nghề nhưng không hề có bằng cấp viết kịch, không lẽ từ nay không được hành nghề? Tất nhiên có người nói đấy là sự suy diễn nhưng chứng chỉ hành nghề là loại văn bản pháp quy phải được áp dụng cho mọi đối tượng liên quan trong toàn xã hội, vậy tại sao cùng một vở diễn với các thành phần sáng tạo như nhau mà diễn viên phải có chứng chỉ hành nghề còn tác giả kịch bản thì không cần? Và rồi nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ... muốn sáng tác, công bố tác phẩm trước công chúng liệu có phải có chứng chỉ hành nghề ngoài việc xin giấy phép xuất bản? Ai có thẻ nhà báo thì được viết báo còn không có thẻ nhà báo thì không được viết báo chăng?
Cuộc sống có những ngoại lệ như nhà báo, công an, kiểm sát viên... tuy có bằng cấp, có hợp đồng lao động nhưng vẫn có “thẻ” với hai gạch chéo đỏ ở góc cũng là một dạng chứng chỉ hành nghề nhưng là do đặc trưng nghề nghiệp, tạo điều kiện tác nghiệp trong hoạt động độc lập, đột xuất, chứ chắc chắn không phải vì do có sai phạm nên phải có loại “chứng chỉ hành nghề” này. Có thể tính thêm giấy phép lái xe bởi toàn xã hội, mọi cá nhân điều khiển ôtô, xe máy khi tham gia giao thông phải có chứng chỉ này. Hoạt động biểu diễn không phải như những trường hợp trên.
Để kết bài này, xin được nêu lý do phải có chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ mà theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VH-TT&DL) Hồ Anh Tuấn đưa ra là: “Bác sĩ thú y chữa bệnh cho loài vật cũng phải có chứng chỉ hành nghề thì nghệ sĩ, những người được coi như bác sĩ tâm hồn cũng cần phải có chứng chỉ để biểu diễn trước công chúng”. Xin thưa, bác sĩ thú y có bằng tốt nghiệp thú y là có khả năng hành nghề và điều kiện hành nghề là được cơ quan nào đó tiếp nhận làm công việc thú y. Trong trường hợp tư nhân thì phải xin giấy phép mở cơ sở thú y và giấy phép hoạt động này không phải là chứng chỉ hành nghề theo đúng nghĩa. Còn nghệ sĩ muốn thành bác sĩ tâm hồn trước công chúng thì phải có tài năng nghệ thuật và đạo đức nghệ thuật chứ không phải cần có chứng chỉ hành nghề.
Lê Quý Hiền