Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc Phạm Hùng Cường: Kinh doanh giỏi để chơi nghệ thuật

04-05-2009 11:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Bước vào văn phòng Công ty TNHH quảng cáo Thiên Long ở ngõ Minh Khai - Hà Nội, điều gây ấn tượng đầu tiên, chưa phải là sản phẩm của công ty nơi nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Hùng Cường làm Giám đốc mà chính là mấy tác phẩm nhiếp ảnh lồng trong khung kính trang trọng treo trên tường

Bước vào văn phòng Công ty TNHH quảng cáo Thiên Long ở ngõ Minh Khai - Hà Nội, điều gây ấn tượng đầu tiên, chưa phải là sản phẩm của công ty nơi nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Hùng Cường làm Giám đốc mà chính là mấy tác phẩm nhiếp ảnh lồng trong khung kính trang trọng treo trên tường, cùng những giải thưởng cúp vàng, cúp bạc và quyết định của Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phong tặng Phạm Hùng Cường tước hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc (E.VAPA). Tất cả, góp phần làm nên một “thương hiệu” cho người nghệ sĩ này.

 Chân dung NS. Phạm Hùng Cường.

Năng khiếu nghệ thuật ở Phạm Hùng Cường được bộc lộ từ rất sớm. Từ nhỏ Cường đã ham thích vẽ tranh và nặn tượng. Năm 1995, đang làm dịch vụ, Cường “nhảy sang” chơi ảnh nghệ thuật và thành công ngay lần đầu. Hồi đó hàng xóm của anh có hai cụ già: ông bố tuổi 90, ông con tuổi 70, đều góa vợ. Hằng ngày thấy cảnh ông con ngồi quạt cho ông bố, Cường nảy ý định chụp tấm ảnh thể hiện tình phụ tử ở trường hợp độc đáo này. Mặc dù chưa được học về nghệ thuật nhiếp ảnh, nhưng anh đã biết hạ thấp tốc độ của máy khi chụp, tạo hiệu quả cho cánh tay người con và cái quạt mờ nhòe, trông rất sinh động. Tấm ảnh có tên Cha, con đạt giải Nhất cuộc thi ảnh nghệ thuật do huyện Hải Hậu tổ chức nhân Kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1995. Năm sau, Cường mang ảnh dự thi ở cấp tỉnh (Nam Hà) cùng lúc ẵm luôn hai giải thưởng: Cao lên mãi - giải Nhất và Ngày của tháng - giải Ba, trước sự ngạc nhiên xen chút thán phục của nhiều đồng nghiệp đàn anh trong tỉnh khi đó.

Từ đây, bước chân nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Hùng Cường trải dài đến nhiều địa danh của đất nước, từ ngay huyện nhà đến những miền Tây Bắc xa xôi. Đó là Đi lễ chùa chụp ở ngôi chùa Phúc Lâm trong huyện: Giữa những mái ngói đều tăm tắp là khoảng trống tạo hình con số 1 thanh mảnh sâu hút, thâm nghiêm có dòng người sắp hàng một là nhà sư và hai đệ tử đội mâm hương, hoa... đi lễ chùa. Tác phẩm này từng đạt HCB-ASEAN năm 2000 tổ chức tại Mianma. Liên tục những năm sau, Cường gặt hái được nhiều giải thưởng: HCV Liên hoan ảnh nghệ thuật 10 tỉnh đồng bằng sông Hồng; giải xuất sắc châu Á - Thái Bình Dương (ACCV) tại Nhật Bản cùng năm 1997; HCB ảnh nghệ thuật quốc tế tại Áo năm 2000; giải xuất sắc quốc gia năm 2005...

Không biết có phải ngẫu nhiên hay không nhưng Cường rất có duyên với con số 50. Đi lễ chùa - HCB chính là dịp kỷ niệm 50 năm nhiếp ảnh Mianma. Năm 2003, Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam mở cuộc thi nhân kỷ niệm 50 năm chặng đường nhiếp ảnh nghệ thuật, Cường lại đạt HCĐ cho tác phẩm Được mùa; Năm 2004 tại cuộc thi Trở về Điện Biên nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tác phẩm Những người đồng đội lại đoạt HCV.

Hầu như chuyến đi sáng tác nào của Phạm Hùng Cường cũng thành công. Không có giải thưởng thì cũng có ảnh trưng bày triển lãm. Năm 2004, anh cùng hai nghệ sĩ đi Điện Biên, ngoài HCV cho tác phẩm Những người đồng đội anh còn có hai tác phẩm Tắm suối và Ngôi nhà vắng được trưng bày tại triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc. Năm 1998, tác phẩm Kè chắn sóng biển đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi “Những công trình làm giàu đẹp đất nước” do Hội xây dựng, Hội kiến trúc sư, Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đồng tổ chức.

Nếu như khi con nhỏ, Cường đã thích vẽ tranh nặn tượng thì khi lớn hơn, có trong tay cái máy ảnh, anh lại cùng lúc có hai ước mơ: trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh và chủ doanh nghiệp. Nhờ học giỏi môn hóa học thời phổ thông trung học đã giúp anh ứng dụng thành công sáng kiến đổ keo thủy tinh, composite trên ảnh để bảo quản và giữ được ảnh lâu dài; sản xuất quà tặng ảnh, in thẻ nhựa, thẻ kim loại có ảnh... rất hữu dụng nhất là trong điều kiện môi trường khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam có độ ẩm cao. Hiện nay, ảnh ở trong Bảo tàng dân tộc học, Bảo tàng quân đội đều sử dụng phương pháp bảo quản của Phạm Hùng Cường.

 Giếng làng - Tác phẩm nhiếp ảnh của Phạm Hùng Cường.

Làm chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho hơn 30 con người, nghệ sĩ nhiếp ảnh kiêm giám đốc Phạm Hùng Cường luôn mong kiếm được nhiều tiền không phải chỉ để báo đáp bậc sinh thành, giúp đỡ người nghèo mà còn để tài trợ các cuộc thi nghệ thuật. Đối với anh đó là niềm vui, niềm hạnh phúc và tự hào. Vì thế tác phẩm ảnh nghệ thuật của Cường luôn tràn ngập niềm vui, yêu đời và đầy tính nhân văn dù thuộc đề tài nào: cha con, đồng đội, cuộc sống đời thường... Từ ý tưởng, nội dung kết hợp bố cục hài hòa, đường nét, ánh sáng để tạo nên sức hút cho tác phẩm. Khát vọng là một minh chứng cho khuynh hướng, cho cá tính sáng tạo của Phạm Hùng Cường. Ảnh chụp ở ngay vùng biển quê hương anh, có người dân chài, hình mờ, cầm cái vạt rách, vươn cao, thu mặt trời vào giữa vạt thể hiện một triết lý; dù trong hoàn cảnh nào, con người sang, hèn vẫn muốn nắm bắt tầm cao về cho mình.

Dù không là dân chuyên nghiệp, nhưng tác phong làm việc của Cường thì lại rất chuyên nghiệp. Cường cho rằng ý tưởng sáng tác được nảy sinh khi nghiền ngẫm đề tài hoặc suy nghĩ tìm tòi lời giải từ quy định của các cuộc thi nhưng nhiều khi ý tưởng đến bất chợt trong đầu, lúc ngồi chơi, khi làm việc, ở mọi lúc, mọi nơi. Và khi ý tưởng đã chín muồi, tìm được hướng sáng tác, được nơi thể hiện là vác máy lên đường. Khi trang phục trên người là bộ quần áo dã chiến đặc chủng với lỉnh kỉnh những túi đựng đồ nghề, phim các loại, đầu đội mũ phớt, vác chân máy trên vai, cái máy ảnh toòng teng trước ngực, lúc đó nghệ sĩ Phạm Hùng Cường trông đầy vẻ lãng tử hào hoa. Trở về nhà, trút bỏ bộ trang phục, mặc bộ complé ngồi vào ghế giám đốc điều hành công việc của công ty, Phạm Hùng Cường lại đàng hoàng trong vai trò một ông chủ doanh nghiệp.

Nhân dịp Quốc khánh Việt Nam 2/9/2007, Đại sứ quán Việt Nam tại Bungari mời đích danh nghệ sĩ Phạm Hùng Cường đem ảnh sang tổ chức triển lãm cá nhân tại Sôphia. Người dân thủ đô của xứ sở hoa hồng đến thưởng lãm. Họ trầm trồ trước hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, con người Việt Nam bình dị, hiền hòa. Đến mùa xuân Kỷ Sửu 2009 vừa qua, nghệ sĩ Phạm Hùng Cường lại khai mạc triển lãm cá nhân lần thứ hai trong đời, tại 29 Hàng Bài - Hà Nội nhân Quốc khánh Bungari 3/3/2009. 60 tác phẩm chắt lọc trong 30 năm cầm máy, trong đó có nhiều tác phẩm từng đoạt giải thưởng trong nước, quốc tế và một số tác phẩm được chụp trong những ngày nghệ sĩ lưu chân trên xứ sở hoa hồng. Giới ngoại giao hai nước đánh giá triển lãm cá nhân của nghệ sĩ Phạm Hùng Cường chính là góp phần nối dài thêm những nhịp cầu hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và một số  nước Đông Âu xa xôi nhưng rất gần gũi với Việt Nam qua nhiều giai đoạn lịch sử.

Mỗi một nghệ sĩ nhiếp ảnh đều ước ao cuộc đời cầm máy của mình có được một tác phẩm lưu danh. Phạm Hùng Cường đã làm được hơn thế. Kè chắn sóng biển được in trong sách truyển tập ảnh Việt Nam thế kỷ XX. Những người đồng đội treo vĩnh viễn trong Bảo tàng tỉnh Điện Biên và được phóng lớn treo ở cơ quan Hội Cựu chiến Binh Việt Nam. Niềm vui được mùa chụp cô gái người dân tộc Dao nụ cười hớn hở lạc quan, trên vai là gánh lúa chín vàng đạt Bằng danh dự cuộc thi chủ đề - Năng suất châu Á - APEO do Nhật Bản tổ chức, đồng thời được in làm bìa suốn sách ảnh cùng tên trong nhiều năm; in trên nhiều tác phẩm, làm biểu tượng, lôgô cho những chương trình nghệ thuật, lấp lánh trên màn hình các tủ rút tiền tự động ATM của ngân hàng NN&PTNT Việt Nam khắp mọi nơi trên toàn quốc. Còn trong kinh doanh, sản xuất dây chuyền công nghệ bảo quản ảnh của Phạm Hùng Cường không chỉ được thể hiện ở một số bảo tàng ngay thủ đô Hà Nội mà một số công đoạn còn được chuyển giao công nghệ cho một số cơ sở ứng dụng ở các tỉnh xa.

Nguyễn Ngọc Phan


Ý kiến của bạn