Nói đến nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Từ Tiện là nhớ đến những khoảnh khắc lịch sử được ghi dấu qua những bức ảnh thời sự - nghệ thuật đi cùng năm tháng. Đến nay, các tác phẩm của cố NSNA Từ Tiện để lại vẫn là một phần của lịch sử vệ quốc vĩ đại và công cuộc xây dựng đất nước của dân tộc Việt Nam.
Theo gia đình, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Từ Tiện sinh năm 1942 tại Thái Lan, quê gốc ở xã Thạch Kênh, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Vào khoảng năm 1940, cụ Từ Hồng – thân sinh của ông, một cán bộ cách mạng hoạt động ngoại tuyến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 – đã đưa gia đình đến sinh sống tại một vùng người Việt ở Lào.
Đây là cơ sở cách mạng quan trọng, nên bị thực dân Pháp theo dõi gắt gao. Vì vậy, cụ Từ Hồng quyết định chuyển gia đình sang Thái Lan để vừa sinh sống, vừa tiếp tục hoạt động cách mạng.
Ông Từ Tiện lớn lên, học tập và hành nghề nhiếp ảnh trên đất Thái Lan. Đến năm 1961, hưởng ứng lời kêu gọi kiều bào về nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Bác Hồ, cụ Từ Hồng đã đưa gia đình hồi hương, về sống tại quê nhà ở Hà Tĩnh. Xuất thân từ một gia đình Việt kiều yêu nước tại Thái Lan, có bố là cán bộ cách mạng của Đảng, ông Từ Tiện nhanh chóng hòa mình vào cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Nhờ có tay nghề nhiếp ảnh, ông được Ty Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh thời bấy giờ tiếp nhận về công tác.
Trong những năm chống Mỹ, qua thời gian đào tạo nghiệp vụ cơ bản phóng viên tại trường Tuyên huấn Trung ương, ông đã dấn thân vào đạn lửa. Thời gian này, mọi người thường thấy ông đầu đội chiếc mũ sắt của bộ đội phòng không, khoác chiếc máy ảnh EXA.Ia và Zenit cũ kĩ xông pha trên khắp các mặt trận trọng điểm. Ông từng có mặt tại các tuyến lửa từ Truông Bồn, Bến Thủy (Nghệ An) đến Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), cung đường Trường Sơn huyền thoại… ghi lại những khoảnh khắc của cuộc chiến chống Mỹ cam go ác liệt nhất của quân và dân ta.
Với những bức ảnh đen trắng, NSNA Từ Tiện đã khắc họa sâu sắc chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đồng thời tôn vinh ý chí và quyết tâm sắt đá của quân dân Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng, quân dân cả nước nói chung. Nhiều khoảnh khắc mà ông ghi lại đã trở thành những tác phẩm để đời, tiêu biểu như: Để mẹ đi đánh Mỹ; Tiểu đội nữ Kỳ Phương - Đơn vị Anh hùng; Đơn vị 10 cô gái Đồng Lộc; Anh hùng La Thị Tám trên đài quan sát "đếm từng loạt bom rơi" ở Ngã ba Đồng Lộc; Bảo vệ vùng biển Cẩm Dương; Vừa sản xuất vừa chiến đấu; Sau giờ trực chiến; Dũng sĩ phá bom nổ chậm Vương Đình Nhỏ; Văn công phục vụ trận địa...
Những tác phẩm này không chỉ minh chứng sống động về tinh thần yêu nước và sự hy sinh anh dũng của thế hệ đi trước, còn là niềm tự hào, điểm sáng trong nền nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam.
Đặc biệt, tác phẩm Tấm lòng người Việt Nam do NSNA Từ Tiện chụp ngày 19/5/1972, là một bức ảnh mang ý nghĩa sâu sắc, đậm chất thời sự, chính trị và nhân văn. Vào thời điểm đó, dân quân xã Thạch Trung, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) phối hợp với đơn vị pháo cao xạ 233 đã anh dũng chống trả những trận ném bom ác liệt của máy bay Mỹ. Một chiếc phản lực mang biệt danh "Thần Sấm, Con Ma" của không quân Mỹ trúng đạn pháo, bốc cháy trên bầu trời. Phi công, thiếu tá Obrinicol, buộc phải nhảy dù thoát chết nhưng bị thương nặng ở vùng mặt.
Khi cô y tá dân quân Trần Thị Sâm đang băng bó vết thương cho Obrinicol, NSNA Từ Tiện đã kịp chớp lấy khoảnh khắc đặc biệt: hình ảnh một cô gái Việt Nam nhỏ bé, nét mặt nhân hậu nhưng đầy cương nghị, đang chăm sóc kẻ thù vừa trút bom đạn xuống mảnh đất quê hương mình. Tên giặc lái Mỹ to lớn, với khuôn mặt cúi gằm đau đớn, như lặng thầm hối lỗi.
Bức ảnh nhanh chóng lan tỏa khắp trong và ngoài nước, trở thành biểu tượng để nhân dân thế giới hiểu hơn về cuộc chiến đấu chính nghĩa của Việt Nam. Đồng thời, nó tỏa sáng tấm lòng cao đẹp của người Việt Nam, đúng như lời dạy của tiền nhân: "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy chí nhân để thay cường bạo".
Sau này, tác phẩm "Tấm lòng người Việt Nam" được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tặng thưởng Huy chương đồng hạng trong Triển lãm ảnh "Một chặng đường nhiếp ảnh" Chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập "Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam" (15/3/1953 -15/3/2003).
Cùng giai đoạn này, bức ảnh "Để mẹ đánh Mỹ"của NSNA Từ Tiện cũng ghi dấu ấn sâu sắc. Bức ảnh chụp một người phụ nữ, vai khoác súng trường, hai tay bế đứa con nhỏ, ánh mắt căm hờn nhìn lên bầu trời nghi ngút khói bom, gửi lại đứa con cho người hàng xóm đang lấp ló sau cửa hầm chữ A.
Bức ảnh sống động, làm cho nguời xem bị cuốn hút, như nghe được tiếng gầm rít của máy bay Mỹ đang lao xuống ném bom và cô dân quân như vội vàng để về vị trí chiến đấu… làm lay động hàng triệu trái tim, và gợi nhớ về một thời hào hùng của cả dân tộc!.
Về bộ ảnh "Tiểu đội nữ Kỳ Phương - Đơn vị Anh hùng": Tiểu đội nữ Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh( Hà Tĩnh) được thành lập ngày 3/4/1968, gồm 9 cô gái tuổi từ 17 đến 19, trang bị súng trường và trung liên. Trong suốt sáu tháng kiên cường bám trụ chiến đấu, họ đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ và phối hợp với các lực lượng khác tiêu diệt thêm 12 chiếc, bảo vệ an toàn các mục tiêu giao thông và trận địa pháo. Với những thành tích xuất sắc, Tiểu đội được tặng Huy hiệu Bác Hồ, Huân chương Quân công hạng Ba và đến tháng 10/1972, vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Cuộc chiến kết thúc, năm 1976, ông được kết nạp Hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và chuyển công tác về Phòng Truyền thông của Ty Y tế Nghệ Tĩnh cho đến khi nghỉ hưu. Dù ở cương vị nào, ông vẫn giữ niềm đam mê với nhiếp ảnh, miệt mài đi khắp nơi để ghi lại những bức ảnh thời sự, nghệ thuật về mảng đề tài về y tế và cuộc sống lao động của quân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khi viết bài này, tôi lại nhớ đã từng gặp ông trên các nẻo đường miền Tây Nghệ An và chứng kiến những bức ảnh để đời phản ánh cuộc sống, con người miền Tây xứ Nghệ. Đó là bức ảnh Anh hùng Lao động, Giám đốc Lâm trường Con Cuông Nguyễn Ngọc Lài khi còn là công nhân Đội khai thác rừng Trung Chính, hay khuôn mặt rạng ngời nụ cười của hai bà mế xã Tam Đình, huyện Tương Dương (Nghệ An) khi "điện về bản"; "Nhạc điệu của rừng"...
Sau này, NSNA Từ Tiện đã tập hợp các tác phẩm nhiếp ảnh của mình xuất bản hai tập sách ảnh "Một thời đạn bom, một thời hòa bình" (năm 1999) và "Một thời để nhớ" (năm 2000). Hai tập sách ảnh của ông đã mô tả lại những khoảnh khắc chân thực, sinh động của quân và dân ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dưới bom đạn kẻ thù, phụ nữ, trẻ em cùng những người lính vẫn kiên cường sống và chiến đấu. Những khoảnh khắc ấy không chỉ là lòng dũng cảm, ý chí, nghị lực mà còn là những giá trị nhân văn cao đẹp và công cuộc tái thiết, xây dựng, phát triển đất nước sau khi kết thúc cuộc chiến, hòa bình lập lại.
Cố Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Lê Phức khi xem những bức ảnh quý của NSNA Từ Tiện đã hạ bút: "Những ai quen biết nhà nhiếp ảnh Từ Tiện đều ghi nhận ở anh một con người tâm huyết, say mê và tận tụy với nghề...Anh là người lao động cần mẫn và nghiêm túc... Ống kính của Từ Tiện phản ánh chân thực và sinh động cuộc sống chiến đấu, sản xuất, xây dựng của một vùng đất nổi tiếng giàu truyền thống cách mạng... Đó là quê hương Nghệ Tĩnh của anh, địa danh từng gắn bó mật thiết với những thăng trầm của đất nước... Đề tài ảnh của anh rất đa dạng: y tế, lâm nghiệp, văn hóa xã hội, miền xuôi, miền núi, hải đảo… nhưng đậm nét hơn cả là mảng ảnh về đề tài chiến tranh chống Mỹ... Đó chính là tinh hoa, chắt lọc từ suốt một đời cầm máy của nghệ sĩ...".
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nguyên Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Hồ Xuân Hùng khi xem tập ảnh của NSNA Từ Tiện cũng đã nói lên những suy nghĩ: "... Lớn lên trong cái nôi văn hóa của xứ Nghệ, nghệ sĩ Từ Tiện được nuôi dưỡng và gắn bó mật thiết với quê hương, đồng thời cống hiến trọn đời cho sự nghiệp nhiếp ảnh... Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, cũng như trong cuộc sống thanh bình của quê hương, đất nước, ống kính của anh đã ghi lại nhiều tư liệu có giá trị về giai đoạn chiến đấu sống còn của dân tộc, cũng như hình ảnh lao động bền bỉ của nhân dân trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp đổi mới hiện nay... Mảng ảnh mang chủ đề "Chiến tranh" là những hồi ức bằng hình tượng nghệ thuật...
Phải trải qua sự gian lao, khắc nghiệt giữa sự sống và cái chết trong khói lửa chiến tranh, nghệ sĩ mới có được những hình ảnh, sự kiện để lại ấn tượng sâu sắc về cuộc chiến đấu anh hùng của dân tộc Việt Nam... Nhiều bức ảnh của ông chứa đựng một quan niệm nhân sinh cao cả của một dân tộc biết chiến đấu và chiến thắng...".
Sự lao động miệt mài, nghiêm túc của ông đã để lại những tư liệu vô giá bằng hình ảnh, xứng đáng là tấm gương cho thế hệ cầm máy mai sau noi theo. Nay dù ông đã trở thành người thiên cổ, nhưng những tác phẩm của NSNA Từ Tiện vẫn hiện hữu đi cùng năm tháng.
Với những cống hiến của mình, NSNA Từ Tiện được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng 3; Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và UBND tỉnh Nghệ An tặng thưởng nhiều Bằng khen; năm 2003, NSNA Từ Tiện được phong tặng Tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc (E.VAPA); năm 2008, ông vinh dự được Thủ Tướng Chính phủ tặng Bằng khen…