Hà Nội

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng Anh Tuấn Để không hổ thẹn với chính mình

25-04-2014 06:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tôi quen Phùng Anh Tuấn do sự tình cờ của nghiệp làm báo. Cũng chẳng có ấn tượng gì đặc biệt nơi con người anh ngoài gương mặt phong sương với bộ áo quần lùng nhùng ký giả, chi chít những túi đựng máy ảnh, đèn flash, phim ảnh các loại...

Tôi quen Phùng Anh Tuấn do sự tình cờ của nghiệp làm báo. Cũng chẳng có ấn tượng gì đặc biệt nơi con người anh ngoài gương mặt phong sương với bộ áo quần lùng nhùng ký giả, chi chít những túi đựng máy ảnh, đèn flash, phim ảnh các loại... hệt như các tay phóng viên ảnh khác ở các báo.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng Anh Tuấn.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng Anh Tuấn.

Những cái túi đựng đồ lỉnh kỉnh dường như kéo anh trĩu người xuống mặt đất.

Được cái anh có nụ cười rất tươi kéo người đối diện phải nghĩ khác đi: hình như đây là một tay ảnh thông minh.

Quả không lầm khi đối diện với bộ ảnh anh dành cho bạn bè thưởng thức. Anh mang ra giới thiệu với tôi và tự sự về những bức ảnh của mình:

“ Đất - nơi ta sinh ra, nơi đi những bước đi chập chững đầu tiên. Đất - nơi ta khôn lớn, thấm khô, cảm nhận vị mặn của những giọt nước mắt đắng cay, nhọc nhằn của cuộc sống trong hành trình tồn tại, hết một chặng đời đất lại ôm ta vào lòng. Thời gian cho ta lớn khôn, cho ta dại khờ. Thời gian cho ta tất cả rồi lại lấy đi tất cả, hư không lại trả về hư không...”.

Nhưng cần gì phải diễn giải thành câu, thành chữ. Tự những bức ảnh của Phùng Anh Tuấn đã nói lên rất nhiều. Đây là một góc sân gạch với những họa tiết hoa văn đơn sơ được anh chụp với sự phối sáng mờ ảo, toát lên mảng màu “đất và thời gian”. Kia là bức đen trắng chân quê rơm rạ, tuổi thơ ẩn chìm trong ký ức thời gian và sáng bừng lên dưới ánh sáng trong veo tinh khiết. Có khi chỉ là một nhánh cây với mấy cái lá xanh mọc trên một bức tường già cỗi hay mọc trên một gốc cây khô. Đề tài không có gì mới. Vẫn chỉ là những hình ảnh quanh ta. Nhưng góc chụp của Phùng Anh Tuấn khá độc đáo, nó toát lên sự hóm hỉnh, sự trong trẻo, chắt lọc những khoảnh khắc tuyệt vời của ánh sáng; lại khá tinh tế trong bố cục xử lý mảng màu tối sáng, đậm nhạt; sự chuyển động tài tình của tư duy sau mỗi bức ảnh...

Cách đây hàng chục năm, có một chàng trai xứ gốm Bát Tràng lang thang trên đất Đà Lạt với cái máy ảnh cũ rích. Chỉ một mong muốn làm sao để có được tiền nuôi con. Cái ước mong của một đời người đôi khi rất giản dị, bình thường. Nhưng khát vọng tiềm ẩn của một nghệ sĩ trong con người anh đã bùng lên mãnh liệt. Đó là những khoảnh khắc mà anh bắt gặp thiên nhiên đang dâng tràn trong trái tim đầy khát vọng sáng tạo của mình. Anh chụp ảnh cho người để nhận về những đồng tiền ít ỏi. Rồi lấy chút tiền kiếm được trong lưng vốn của mình dành chụp những bức ảnh mà ban đầu anh không dám nghĩ đó là loại ảnh nghệ thuật. Cứ đi và cứ chụp. Kể cả bao lần thay đổi nghề, thượng vàng hạ cám. Nhưng không sao quên được những ngày đi lang thang, những giây phút thăng hoa với ống kính cũ mèm.

Một số tác phẩm nhiếp ảnh của Phùng Anh Tuấn.

Một số tác phẩm nhiếp ảnh của Phùng Anh Tuấn.

Rồi duyên kỳ ngộ đưa anh vào làm phóng viên ảnh của tờ báo Bưu điện. Có lẽ đây chính là bước chuyển đột phá trong sự nghiệp sáng tác của Phùng Anh Tuấn. Vào đây nghĩa là anh có cơ hội chính thống để có thể vừa sống, vừa có điều kiện sáng tác. Tư duy sáng tạo của anh được bổ sung đầy đặn và độc đáo hơn. Anh cộng tác với khá nhiều tờ báo trung ương và địa phương. Những bức ảnh bìa báo Tết của anh lại cũng có những bức đoạt giải bìa Hội báo Xuân. Thành công này là nấc thang cho sự đam mê sáng tác những tác phẩm với những thành công nối tiếp. Chưa có ai dám để riêng cho mình hàng chục năm trời lặng lẽ khiêm tốn như anh, cất đi những tấm ảnh nghệ thuật - mà giá của chúng là cả gia tài không nhỏ - để chỉ nhận mình là một phóng viên ảnh, để cúi mình học hỏi những nhiếp ảnh gia, những nghệ sĩ tài ba có tên tuổi trong làng nhiếp ảnh. Mười năm trời, để chắt lọc trong một bộ ảnh làm cả giới nhiếp ảnh, bạn bè văn nghệ sĩ sững sờ. Hóa ra đã có một nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ, tài hoa Phùng Anh Tuấn. Hóa ra đã có một khoảng trời riêng được chắt lọc tinh tế qua đời sống khắc nghiệt và gian truân. Ảnh của Tuấn cho ta cái cảm giác man mác buồn vui. Dường như những kỷ niệm cũ đã lâu lắm chìm sâu bởi những lo toan thường nhật đang ùa về trong tâm hồn. Ký ức tuổi thơ, tình yêu đầu đời, vất vả mưu sinh hay cay đắng ngọt bùi trên hành trình lữ thứ. Tuấn không ôm đồm những đề tài quá lớn, quá mênh mang. Anh đến với nghệ thuật bằng sự quan sát tìm tòi những hiện tượng diễn ra xung quanh, thậm chí ở ngay dưới chân mình nhưng lại chất chứa sự cảm thông chia sẻ sâu sắc, từ đó mang đến cho người xem sự bình lặng trong tâm hồn để nhìn lại mình và nghĩ về những gì mình đã làm và đã đi qua. Hình như trong nhiếp ảnh của anh có hội họa, có thơ. Một bộ ảnh mang đậm ấn tượng Thơ - Trẻ - Góc nhìn độc đáo. Mặc dù còn có những nét chụp gần nhau, nhưng các tấm ảnh đều hấp dẫn người xem bởi sự tinh tế và tài hoa của một nghệ sĩ thực thụ.

Mới đây, tháng 5/2013, với triển lãm Đường về đất Phật, 58 tác phẩm nhân mùa Phật Đản Phật lịch 2557 đã được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội như một đóa sen hồng, một nén tâm hương mà Phùng Anh Tuấn dâng lên Đấng Từ Phụ nhân mùa Phật Đản với bao sự may mắn vy diệu Đức Phật đã dành cho anh.

Tháng 7/2013, anh tổ chức triển lãm ảnh Chùa Việt gồm 108 ảnh ghi lại những ngôi chùa cổ kính khắp ba miền Bắc - Trung - Nam tại TP. Kalovary, Cộng hòa Séc.

Do đã chuyển sang công tác tại Tạp chí nghiên cứu Phật học thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên Phùng Anh Tuấn càng có duyên với mảng ảnh tâm linh...

Phùng Anh Tuấn - đứa con được sinh ra từ đất, từ một trong những cái nôi cổ của một làng nghề truyền thống nên trong anh luôn đậm tư duy góc, cạnh, hình phối, mảng màu tối sáng. Những viên than no tròn phơi ngược trên bờ tường đất hay gạch nung Bát Tràng quê anh hay những cái lò nung sáng rực lửa đêm ngày. Dòng sông Hồng chảy bên những bờ tre xanh. Đó là nơi nuôi dưỡng mạch nguồn sáng tạo trong anh để mãi mãi giúp anh đi trên con đường tìm đến với cái đẹp, để không bao giờ anh hổ thẹn với quê hương, với chính mình.               

    Võ Xuân Hà

 


Ý kiến của bạn