Nghệ sĩ khiếm thị với 12 tượng vàng Grammy

22-09-2019 08:20 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Cho dù mù lòa từ năm 7 tuổi, Ray Charles vẫn được tôn vinh như một trong những người khổng lồ của âm nhạc Mỹ - nghệ sĩ dương cầm xuất chúng, ca sĩ, nhạc sĩ kiêm chuyên gia phối khí, cha đẻ nhạc soul.

Ông có khả năng trình diễn xuất sắc nhạc blues, jazz, country và nhạc gospel.

Bi kịch tuổi ấu thơ

Ray Charles chào đời ngày 23/9/1930 ở Albany, bang Georgia, là con trai thứ hai của nữ công nhân nhà máy cưa Aretha Williams và thợ cơ khí Bailey Robinson.

Ngay những năm đầu đời của bé Ray đã đầy ắp bi kịch. Mới 5 tuổi, cậu đã bất lực chứng kiến anh trai George đuối nước. Hai năm sau Ray bắt đầu mù lòa vì khuyết tật di truyền.

“Tôi biết, đó là những biến cố dị thường, song đối với tôi không phải là tai họa không thể vượt qua” - người nổi tiếng nhiều năm sau bình luận trên làn sóng đài National Public Radio.

Mù nhưng không đần độn. Mất thị giác, không có nghĩa là mất trí tuệ

Bé Ray không bị sốc, nhờ mẹ đã chuẩn bị trước để con trai đối mặt với thời khắc hoàn toàn không nhìn thấy gì. Đơn thân nuôi con do người chồng bội bạc sớm bỏ nhà theo gái, ngay ngày đầu phát hiện thị lực con trai suy giảm, mẹ đã tiên đoán, sẽ đến lúc con mù lòa. “Mẹ bắt đầu dạy tôi kỹ năng tự xoay sở khi thiếu hai con mắt, mẹ dạy mẹo vặt nhận biết đồ vật khác nhau xung quanh”. Tôi hiểu ngay thực tế: không thể sống phụ thuộc vào ai, trừ bản thân. Vì thế mẹ sai tôi, thí dụ, “con hãy bổ mấy khúc củi, để đốt lửa trại”. Rồi mẹ nói thêm: “Con có thể bị mù, nhưng không được phép đần độn!”.

Từ nhỏ Ray Charles đã sống với triết lý giản đơn: “Mất thị giác, không có nghĩa là mất trí tuệ”. Nhiều năm sau nhạc sĩ tài hoa thừa nhận, ông không nhớ nhiều sự kiện từ thời hai mắt chưa mù lòa, tuy nhiên ông không quên tất cả. “Quan trọng nhất là tôi nhớ hình ảnh mẹ tôi. Và tôi nhớ màu sắc” - Charles bộc bạch với phóng viên tạp chí Esquire. Màu đỏ là màu yêu thích của người nổi tiếng.

“Hoàng đế nhạc soul” Ray Charles trên sàn diễn, thập niên 1960.

“Hoàng đế nhạc soul” Ray Charles trên sàn diễn, thập niên 1960.

Thời khắc nghiêm trọng nhất

Nhờ bền bỉ và không ngại đổ mồ hôi, Ray nhanh chóng làm chủ kỹ năng viết và sáng tác nhạc bằng ngôn ngữ Braille. Tại trường tiểu học dành cho trẻ câm điếc ở Florida, nơi được mẹ gửi vào học, ngoài các môn học phổ thông, Ray còn làm chủ kỹ năng chơi clarinet, kèn o-boa và saxophone, sau đó là đàn dương cầm.

Tuy nhiên cậu bé khiếm thị ham học buộc phải đối mặt với thời kỳ cực khó khăn khi người mẹ yêu quý đột ngột qua đời. Khi đó Ray mới 15 tuổi.

“Đó là thời khắc nghiêm trọng nhất trong cuộc đời tôi - Charles nhớ lại. - Mẹ đã trang bị cho tôi kỹ năng thích ứng với nhiều tình huống, song chưa có tình huống kinh khủng này.”

Trang mới cuộc đời

Mẹ qua đời, Ray hiểu rằng, với bản thân, chỉ có âm nhạc khả dĩ giúp mình trốn chạy nỗi đau, đồng thời là cơ may để có cuộc sống dễ chịu. Thần tượng đầu tiên của Charles là nghệ sĩ bậc thầy kèn clarinet lớn hơn mình 20 tuổi - Artie Shaw. Nhưng ông không nối nghiệp thầy, mà tập trung vào dương cầm, loại nhạc cụ mang lại nhiều hơn hẳn khả năng biểu thị giai điệu và cảm xúc. Chính khi ấy Charles đã yêu nhạc Chopin và Beethoven. Ngay ở tuổi vị thành niên, Ray Charles đã có thể dàn dựng, phối khí cho các ban nhạc và dàn nhạc hơn chục nghệ sĩ.

Năm 1947, nhạc sĩ mù 17 tuổi Ray Charles chưa được ai biết chuyển đến Seattle, nơi thoạt đầu Charles sáng tác ca khúc thuê cho một số ban nhạc sở tại và sau đó bắt đầu thực hiện các chương trình độc diễn. Tháng 4/1949 Charles trình làng bảng xếp hạng các bài hát hay nhất ca khúc Confessin’ Blues.

Kiệt tác vĩ đại thật sự của Charles là nhạc phẩm I’ve got a Woman xuất bản tháng 3/1955, ngày nay được coi là ca khúc nhạc soul đầu tiên trong lịch sử. Một năm sau nhạc sĩ giành thành công lớn bằng sáng tác Drown in My Own Tears, và tiếp theo Swannee River Rock.

Sau hợp đồng với hãng ABC-Paramount, năm 1960 Charles đoạt 4 giải Grammy cho phiên bản phối khí năm 1930 ca khúc Georgia on My Mind (nhạc: Hoagy Carmichael; lời: Stuart Gorell). Năm 1961 “phù thủy âm thanh” Charles chinh phục cả nước Mỹ bằng tái phẩm Hit the Road Jack của Percy Mayfield.

Charles trình diễn thành công những ca khúc do bản thân sáng tác, cũng như những ca khúc do các nhạc sĩ khác viết dành cho ông. Như Charles giải thích, ông bắt đầu sáng tác, khi hãng Atlantic đặt hàng dàn dựng, phối khí và trình bày những nhạc phẩm ông không ưa thích. Đến ngày đã đủ tiền thuê nhạc sĩ giỏi, ông chấm dứt công việc tự viết ca khúc. “Tôi không phải là nhạc sĩ sáng tác thiên tài - Charles có lần thừa nhận. - Tôi đã chứng kiến nhạc sĩ có thể viết ca khúc trong thời gian 5 phút, trong khi tôi cần hai hoặc ba ngày. Nhưng thực tế cho thấy, đa số ca khúc tôi viết ra đều thành công”.

Ma túy, sắc đẹp và...

Đời tư Ray Charles tràn ngập bê bối. Vào những năm 1960, khi cả thế giới yêu nhạc đã hâm mộ giọng ca mượt mà của “hoàng đế nhạc soul”, ông đã 3 lần bị cảnh sát Mỹ bắt giữ vì sở hữu ma túy. Ông nghiện chất kích thích này ngót 20 năm. Người nổi tiếng buộc phải nhập trại cai nghiện bắt buộc ở California trong thời gian 2 năm.

Người nổi tiếng là cha đẻ 12 người con của 9 người phụ nữ khác nhau. Hai lần Ray Charles cưới vợ. Cuộc hôn nhân đầu với Eileen Williams Robinson kéo dài chỉ một năm. Với vợ thứ hai Della Beatrice, nghệ sĩ lãng mạn chung sống hơn 20 năm (1955-1977), cùng thời gian Charles duy trì cuộc tình vụng trộm với nhiều người đẹp khác, trong đó có Margie Hendricks, ca sĩ ban nhạc nổi tiếng The Realetter.

“Phụ nữ tạo điều kiện, để tôi buông neo định vị cuộc đời - người hùng viết trong sách tự truyện Brother Ray: Ray Charles’Own Story”. - Họ xuất hiện, khi tôi có nhu cầu, phụ nữ mẫn cảm với tôi, tương tự như tôi mẫn cảm với họ. Tôi không nói, tôi yêu nhiều người đẹp. Tình yêu đối với tôi là hai từ đặc biệt có ý nghĩa và tôi chỉ sử dụng, khi bản thân thật sự yêu”.

Nghệ sĩ lớn không bao giờ giấu giếm thực tế, bản thân không thể sống chung thủy với một người phụ nữ. Charles duy trì mối quan hệ gần gũi với rất nhiều người đẹp và rất nhanh cảm thấy nhàm chán. Như người trong cuộc lý giải trong cuốn sách trên, đối với Charles, sex là cái gì đó khác với tình yêu.

“Đối với tôi, sex là một trong những nhu cầu thiết yếu hàng ngày, giống như ăn uống. Nếu tôi không được ăn gì suốt 24 giờ, tôi sẽ đói cồn cào”- người khổng lồ âm nhạc Mỹ biện minh.

Sống hết mình và thành quả

Hơn nửa thế kỷ hoạt động nghề nghiệp, Ray Charles không chỉ sống hết mình với âm nhạc, ông còn tích cực tham gia nhiều phong trào xã hội, cả trong nước và thế giới. Những năm 60 nghệ sĩ nhiệt tình ủng hộ (cả tài chính) lãnh tụ đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc Martin Luter King và phong trào đấu tranh vì quyền công dân Mỹ.

Năm 1985 Charles tham gia thu âm và sản xuất album những nhạc phẩm, kiệt tác mọi thời đại mang tên We Are the World nhằm mục đích gom tiền cứu đói châu Phi. Có thực tế thú vị, ca khúc A Song for You của Ray Charles được coi là bài hát yêu thích nhất của cựu tổng thống Bill Clinton. Charles được mời tham dự lễ nhậm chức Tổng thống của Clinton 1993 (trước đó, năm 1985 Charles cũng được mời tham dự lễ nhậm chức, nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Ronald Regan).

Trong sự nghiệp của mình, Ray Charles tham gia thu âm, tổ chức sản xuất 250 album, phát hành và tiêu thụ trên 100 triệu bản. Tháng 1/1986 người nổi tiếng là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được vinh danh tại Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll. Tháng 3/1988, nhận giải Grammy cho toàn bộ sự nghiệp sáng tác (gộp lại, Charles có 12 tượng vàng Grammy). Tháng 11/2008 “Hoàng đế nhạc soul” giành vị trí thứ 2 bảng xếp hạng 100 ca sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại do tạp chí Rolling Stone bình chọn.

Ngày 10/6/2004 Ray Charles qua đời tại tư dinh ở Beverly Hills (California), thiếu 3 tháng tròn 74 tuổi.


Ngọc Báu
Ý kiến của bạn