Nghệ sĩ giả gái khi biểu diễn: Nên hay không?

14-06-2017 13:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhiều năm trở lại đây, các chương trình giải trí, tiểu phẩm sân khấu xuất hiện không ít nghệ sĩ nam giả nữ để chọc cười khán giả.

Nhiều năm trở lại đây, các chương trình giải trí, tiểu phẩm sân khấu xuất hiện không ít nghệ sĩ nam giả nữ để chọc cười khán giả. Đến nay, giả gái trong các chương trình hài kịch, gameshow truyền hình đã phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, việc giả gái đôi khi “chưa tới”, dẫn đến nhố nhăng, nhảm nhí khiến người xem chỉ biết thở dài ngao ngán...

Thực tế, nhiều nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh lâu năm cho biết, việc nam giả nữ để biểu diễn phục vụ khán giả đã xuất hiện từ lâu. Tuy nhiên, việc nghệ sĩ giả gái chỉ được đón nhận nếu đó là nghệ thuật cho thấy sự khéo léo, cái duyên và tài năng đến từ người nghệ sĩ. Theo giới làm nghề, thời gian gần đây, sân khấu lẫn truyền hình đã lạm dụng trai giả gái một cách thái quá và tạo ra sự nhàm chán, nhảm nhí đối với khán giả.

Nhiều chương trình, nghệ sĩ nam giả gái khó có thể chấp nhận từ ngoại hình đến tính cách.

Nhiều chương trình, nghệ sĩ nam giả gái khó có thể chấp nhận từ ngoại hình đến tính cách.

Tại chương trình Gương mặt thân quen (gồm phiên bản người lớn và trẻ em) và một loạt chương trình truyền hình khác như: Ơn giời! Cậu đây rồi, Cặp đôi hoàn hảo, Cùng nhau tỏa sáng, Cười xuyên Việt, Thách thức danh hài, Bí mật đêm Chủ nhật, Hội ngộ danh hài, Hội quán tiếu lâm, Cặp đôi hài hước... không khó bắt gặp người chơi là nghệ sĩ, thí sinh nam giả gái. Nam ca sĩ Bùi Anh Tuấn trong chương trình Gương mặt thân quen gây sốc khi đội tóc giả, mang giày cao gót hóa thân thành nữ ca sĩ Mariah Carey. Tiết mục này ít nhiều để lại cho khán giả cảm xúc, song nhiều ý kiến cho rằng việc giả gái “không tới” của Bùi Anh Tuấn là không cần thiết, thiếu tính nghệ thuật.

Một trong những người giả gái trong các chương trình truyền hình, sân khấu hài thời gian qua là diễn viên Trấn Thành. Tuy nhiên, Trấn Thành chưa thật sự để lại dấu ấn mỗi khi giả gái, thậm chí tạo nên nhiều tai tiếng vì sự quá đà, phản cảm. Điển hình là anh này từng vào vai Tô Ánh Nguyệt trong vở Tô Ánh Nguyệt Remix và vai giả gái của Trấn Thành đã đã làm biến dạng tác phẩm gốc bằng những lời thoại và hành động thô tục...như: “Ai kêu tui đó. Mặt chó tôi đây; Minh lùn, Nguyệt cao ăn ở tào lao mới đẻ ra nó bị khùng”;  cuối trích đoạn Trấn Thành còn nói: “Tui không phải là bà Tô Ánh Nguyệt, mà là con Nguyệt bán cocktail tô”. Vào vai Tô Ánh Nguyệt nhưng Trấn Thành có nhiều lời thoại  hành động hung hãn, thô thiển như đánh nhau, hai tay bợ bầu ngực sàng tới sàng lui... khác hẳn với phiên bản gốc của soạn giả Trần Hữu Trang. Với vai giả gái Tô Ánh Nguyệt, Trấn Thành khiến dư luận rất bức xúc, phẫn nộ; và sau đó anh đã bị cơ quản lý văn hóa phạt 32,5 triệu đồng vì vi phạm Nghị định số 131/2013/NĐ-CP và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Nếu theo dõi các gameshow truyền hình, khán giả không khó bắt gặp danh hài Chí Tài - một nghệ sĩ cũng thường vào vai phái nữ. Đặc biệt, trong các lần giả gái của Chí Tài, đặc biệt trong chương trình Ơn giời, Cậu đây rồi!, Chí Tài thường giả gái “xấu đến ma chê quỷ hờn” để định vị thương hiệu. Chí Tài vào vai nhân vật hồn ma trinh nữ, dì ghẻ, công chúa đến Chúc Anh Đài, thiên thần nội y, quý bà đại gia... và một số vai diễn quá đà như dì ghẻ xấu đến mức khán giả nữ cảm giác như bị xúc phạm. Bên cạnh đó, khán giả thời gian qua còn nhận thấy rằng, trong gameshow Ơn giời, Cậu đây rồi! mùa đầu tiên xuất hiện nhiều vai giả gái đến mức nhàm chán. Cuộc thi Cười xuyên Việt có rất nhiều thí sinh giả gái, và quán quân cuộc thi Lê Dương Bảo Lâm để lại ấn tượng với ban giám khảo trong các vai... giả gái. Từ đây lan sang gameshow Thách thức danh hài, hay Diêm Vương xử án cũng khai thác sâu yếu tố giới tính, bằng cách nam diễn viên vào vai nữ.

Theo một số đạo diễn, việc giả gái nếu theo yêu cầu tình huống của kịch bản hoặc để tạo điểm nhấn đặc biệt cho câu chuyện thì được. Nhưng điều đáng nói ở đây là hiện nay việc giả gái bị lạm dụng để tạo ra những tiếng cười vô bổ không cần thiết. Đến nay, đã có một số nam nghệ sĩ đã nói không với giả gái vì không muốn rơi vào những lùm xùm, phán xét từ dư luận. Đó là NSƯT Hoài Linh đã chính thức từ bỏ việc giả gái khi biểu diễn dù nam nghệ sĩ này rất giỏi, có duyên và giả gái rất có hồn. Một trong những nguyên nhân khiến NSƯT Hoài Linh bỏ vai giả gái là hiện nay có quá nhiều nghệ sĩ vào vai giả gái và họ diễn hơi thái quá, tạo hiệu ứng phản cảm cho khán giả. Bên cạnh NSƯT Hoài Linh thì nam ca sĩ Thanh Duy vừa qua cũng khẳng định sẽ không giả gái đi hát dù có rất nhiều lời mời, thù lao cao ngất ngưởng.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây chương trình Tiếu lâm tứ trụ nhí dành riêng cho các em nhỏ từ 5 - 14 tuổi thi triển những năng khiếu về diễn xuất, ca hát, nhảy múa... đã khởi động. Tuy nhiên, Ban tổ chức nhấn mạnh, các em nhỏ sẽ rất hạn chế và hầu như không có vai giả gái. Ban tổ chức chương trình cho biết, chỉ chấp nhận những vai diễn phù hợp với nội dung kịch bản, còn giả gái tạo tiếng cười vô bổ là “cấm cửa”. Một số ý kiến cho rằng, để việc nghệ sĩ giả gái quá đà, phản cảm không còn xuất hiện thì các đơn vị sản xuất từ sân khấu đến chương trình truyền hình phải có sự giám sát chặt chẽ. Đồng thời, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về nội dung và tư tưởng của vai diễn và tác phẩm. Phải nâng cao sự sáng tạo và đạo đức của diễn viên, nghệ sĩ để đáp ứng sự kỳ vọng, mong mỏi của khán giả.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn